"Tôi chọn nghề y vì muốn giúp người bệnh có thêm cơ hội sống"

ANTD.VN -“Nghề y  là nghề luôn bận rộn, căng thẳng và nhiều áp lực, nhưng khi đã bén duyên với nghề và yêu quý nó lại là động lực để tôi vượt lên tất cả và gắn bó. Có lẽ, đó là duyên phận, nhưng dẫu là nghề chọn người, hay người chọn nghề thì cũng cần sự tận tâm và lương tâm y đức”, Bác sỹ - Đại tá Trần Công Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội chia sẻ.

Đó là một trong nhiều câu chuyện thú vị trên con đường học vấn của Bác sĩ, Đại tá Trần Công Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội.

Tận tâm vì người bệnh

Với Bác sỹ - Đại tá Trần Công Tuấn, theo nghề y là mong muốn giúp người bệnh có thêm cơ hội sống, có sức khỏe bền bỉ để lao động và học tập. Tâm niệm về y đức mà mình đã lựa chọn như một cơ duyên, cơ hội được cứu người, nên Bác sỹ - Đại tá Trần Công Tuấn đã bền bỉ nghiên cứu, học tập, rèn luyện để có kiến thức chuyên sâu, làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tôi liên hệ viết về Bác sỹ, Đại tá Trần Công Tuấn đúng vào thời điểm bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại nhiều nước trên thế giới và Việt Nam cũng là một trong nhiều quốc gia đang nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh này nên ông rất bận rộn với nhiệm vụ được giao. Phải hẹn nhiều lần, tôi mới gặp được ông vào đầu giờ sáng tại Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội. Vừa gặp Bác sỹ Trần Công Tuấn tại hành lang bệnh viện, ông nói như giãi bày về việc để tôi phải chờ đợi: “Sáng nào tôi cũng đến cơ quan sớm, đi kiểm tra một lượt xem anh em xử lý công việc có vướng mắc gì không để hỗ trợ giải quyết. Công tác kiểm soát khu vực cách ly người vừa đi qua vùng có dịch bệnh Covid-19 về Việt Nam rất quan trọng, không thể lơ là được”.

Bác sỹ, Đại tá Trần Công Tuấn đang hướng dẫn bác sỹ của Bệnh viện Công an thành phố phân tích hình ảnh phim X - Quang 

Vừa đi vào từng phòng làm việc kiểm tra bệnh nhân, Bác sỹ Trần Công Tuấn vừa chỉ tay về phía những vách kính trong suốt và giải thích: “Đó là công trình chúng tôi mới làm, phục vụ việc chăm sóc, cách ly người đi và trở về Việt Nam qua vùng có dịch bệnh Covid-19. Cán bộ ra vào làm việc ở khu vực cách lý phải mặc quần áo, đội mũ, đeo khẩu trang, găng tay đúng theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế”.

Nhịp lao động tất bật, hối hả đang diễn ra ở Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội, kể từ khi có dịch bệnh Covid-19. Ở thời điểm này, việc tuân thủ quy định, đảm bảo không để lây lan bệnh dịch là quan trọng nhất mà tất cả các y tá, bác sỹ và mọi người dân phải thực hiện. Còn đối với Bác sỹ Trần Công Tuấn, sự bận rộn đã quấn lấy ông từ khi bước chân đến bệnh viện với đủ loại công việc, từ chẩn đoán cho đến những ý kiến chỉ đạo để đưa ra các phác đồ điều trị cho người bệnh... Tuy nhiều việc như vậy, nhưng trên gương mặt của người Bác sỹ - Đại tá Trần Công Tuấn luôn nở nụ cười hiền hậu, chan hòa và chân tình với mọi người.

Qua tìm hiểu, tôi được biết nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội đang quá tải, nhưng với Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội là nơi "đặc biệt". Ở đây, các bác sỹ đang thực hiện khối lượng công việc rất lớn và căng thẳng, hàng ngày, hàng giờ ứng trực với người bệnh và chăm sóc, theo dõi những người nằm trong diện bị cách ly bởi dịch bệnh Covid-19. Bởi lẽ, đây là địa điểm được UBND thành phố Hà Nội chọn làm điểm cách ly người dân đi qua các vùng có dịch bệnh Covid-19 đến Hà Nội, nên nhiệm vụ tiếp nhận người ở đây diễn ra bất kể đêm, ngày.

“Nơi cách ly đặt tại tầng 5 và tầng 6 của bệnh viện. Hiện tại, bệnh viện đã tiếp đón và đảm trách việc chăm sóc, theo dõi cho gần 60 người trong diện cách ly. Hàng ngày, chúng tôi đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe, hướng dẫn họ thực hiện các biện pháp theo quy định của Bộ y tế, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19”- Bác sỹ Trần Công Tuấn cho biết.

Tôi hiểu được nỗi vất vả của người đứng đầu bệnh viện Công an thành phố Hà Nội đối với nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Cùng với đó là trách nhiệm lo toan từng bữa ăn, giấc ngủ cho cán bộ, nhân viên bệnh viện. Ở thời điểm phải đối mặt với nguy cơ lây lan dịch bệnh, các y, bác sỹ của bệnh viện vừa ứng trực, tiếp đón làm nhiệm vụ cách ly các trường hợp, nhưng vẫn đảm nhiệm việc khám, điều trị bệnh nhân bình thường, trong khi quân số vẫn giữ nguyên, không bổ sung. Do đó, tập thể Ban Giám đốc và các y tá, bác sỹ nơi đây luôn phân công lịch trực phù hợp, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tâm sự với tôi, Bác sỹ - Đại tá Trần Công Tuấn cho biết: “Chúng tôi luôn đau đáu phải làm sao để người bệnh hài lòng, yên tâm điều trị. Là bệnh viện của Công an thành phố Hà Nội, mỗi bác sỹ là một chiến sỹ Công an, nhưng với cơ chế thị trường mở như hiện nay, bệnh viện đang đối mặt với những khó khăn nhất định. Để thu hút bệnh nhân, ngoài chủ động trang bị cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại, bệnh viện còn quán triệt vấn đề y đức, thái độ phục vụ của đội ngũ y - bác sỹ tận tâm với người bệnh”.

Cơ duyên với ngành Y

“Cho đến bây giờ, khi nhắc lại câu chuyện đến với ngành y tôi thấy đó là cơ duyên. Tôi mơ ước trở thành người chiến sỹ Công an nhân dân từ khi học trung học, nên không ngừng phấn đấu học tập, đạt nhiều điểm cao trong từng môn học, nhưng rồi tôi lại học ngành Y”- Bác sỹ Trần Công Tuấn bộc bạch.

Ngày đó, khi nhận kết quả thi đạt điểm cao vào Trường Đại học Cảnh sát - năm 1979, gia đình và bản thân Bác sỹ Trần Công Tuấn bồi hồi, phấn khởi vì ước mơ hoài bão đã chớm thành hiện thực trở thành chiến sỹ Cảnh sát nhân dân, trực tiếp đấu tranh với tội phạm. Nhưng không, chính điểm thi đạt tuyệt đối đó của sinh viên Trần Công Tuấn, lại trở thành ngã rẽ cuộc đời đi theo hướng mới.

Do kết quả học tập tốt, nên sinh viên Trần Công Tuấn lúc đó được Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) điều động đi học chuyên sâu ngành Y, tại Học viện Quân y. Ra trường năm 1985 với tấm Bằng tốt nghiệp loại Giỏi, Bác sỹ Trần Công Tuấn được điều động về công tác tại Công an tỉnh Hà Sơn Bình (cũ). Ở đơn vị, ông đã vượt đèo, lội suối cùng đồng đội đi khắp vùng cao, suối sâu làm tốt nhiệm vụ được phân công. Những lần đi thực tế địa bàn đó, mỗi khi hoàn thành xong công việc chung, Bác sỹ Trần Công Tuấn lại bớt chút thời gian tìm tòi, học hỏi cách thức chữa bệnh cổ truyền của người cao tuổi trên các bản làng hẻo lánh... Mỗi lần đến với bà con, sự tin yêu làng bản gắn chặt hơn và người dân địa phương đã tặng thuốc, chia sẻ cách hái lá rừng trị bệnh với Bác sỹ Trần Công Tuấn. Cứ thế, tình cảm quân dân thấm sâu, suy nghĩ về trở thành một bác sỹ cứu người trỗi dậy trong bản ngã của người chiến sỹ Công an nhân dân. Đau đáu tìm tòi, học hỏi, Bác sỹ Trần Công Tuấn được chỉ huy tin tưởng, tiếp tục cử đi học nhiều lớp chuyên sâu về chuyên ngành, chuyên khoa ngành Y, để phục vụ nhiệm vụ cứu chữa người bệnh.

Bác sỹ, Đại tá Trần Công Tuấn đang chẩn đoán bệnh qua hình ảnh trên máy vi tính 

Như một cơ duyên, với kinh nghiệm lâu năm công tác, đến năm 1991, tỉnh Hà Sơn Bình chia tách thành hai tỉnh Hà Tây và Hòa Bình, Bác sỹ Trần Công Tuấn được phân công nhiệm vụ tại Bệnh xá Công an tỉnh Hà Tây, sau đó hợp nhất về Hà Nội và ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Công an thành phố. Bác sỹ Trần Công Tuấn chia sẻ: “Bác sỹ ở đâu cũng đối mặt với nhiều áp lực và bác sỹ mang sắc phục an ninh nhân dân, lại có trọng trách là người đứng đầu đơn vị càng phải có sự quyết đoán, để duy trì đời sống, tinh thần cho cán bộ, chiến sỹ và có trách nhiệm cao với sức khỏe, an toàn tính mạng của người bệnh”.

Cũng như bao bác sỹ khác, trong tâm niệm của Bác sỹ Trần Công Tuấn nhiệm vụ cứu người, chăm sóc bệnh nhân là cao cả. Hơn thế, ông luôn cho rằng chữa bệnh không chỉ là tiêm thuốc, khám và điều trị bằng thuốc, mà còn phải điều trị bằng tình người. Với người bệnh cần thuốc một phần, thì tinh thần còn cần gấp bội và đó mới là "thần dược" để điều trị cho người bệnh chóng bình phục. Vì thế, Bác sỹ Trần Công Tuấn luôn quan tâm, chia sẻ và có tình thương yêu bệnh nhân như người thân ruột thịt của mình.

Trong câu chuyện với Bác sỹ, Đại tá Trần Công Tuấn, tôi hiểu được sự trăn trở và day dứt vì người bệnh của ông. Nhưng để biến hoài bão thành hiện thực, ông luôn khuyên đồng đội của mình phải kiên trì và ông vẫn miệt mài nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn trong khám, chẩn đoán bệnh chính xác hơn và đưa ra những quyết định đúng đắn nhất để cứu sống người bệnh.