Tôi biết ơn cha, dẫu cha quyết không xin giảm án cho tôi

ANTĐ - 40 tuổi, tôi vẫn là nỗi đau lớn đối với người cha già của mình. 40 tuổi, chưa một ngày báo hiếu được cho cha mẹ, tôi còn "bắt" cha mình phải lọc cọc đi thăm nuôi con ở tù suốt chục năm qua. 40 tuổi, tôi mới biết ân hận về những lỗi lầm của một thời tuổi trẻ ham chơi, đua đòi!

Nỗi đau của người cha không dạy được con

Cả tháng nay, khi nhận được tin mẹ sắp qua đời vì bệnh ung thư, tôi gần như suy sụp hoàn toàn. Với án tù chung thân, tôi hiểu rằng mình sẽ chẳng bao giờ có cơ hội trở về để chịu tang mẹ, làm tròn chữ hiếu cuối cùng với người mẹ bất hạnh của mình. Ở tuổi 40, trong khi những người đàn ông khác đã là trụ cột gia đình, đã có thể phụng dưỡng bố mẹ, thì tôi vẫn là một kẻ tù đày chưa từng một ngày báo hiếu được cho bố mẹ. Đó là tội lỗi lớn nhất, là nỗi ám ảnh lớn nhất với tôi trong suốt cuộc đời tội lỗi của mình.

Gia đình tôi hiếm muộn, cha mẹ chỉ sinh được một mình tôi. Vì thế, từ khi còn bé đến lúc trưởng thành, tôi lúc nào cũng được cha mẹ yêu thương, chiều chuộng. Thời bao cấp, khi cuộc sống còn khó khăn, cha tôi đã từng cắn răng bán đi chiếc đồng hồ quý báu của mình để may quần áo cho tôi và lấy tiền sắm tết, cốt để cho tôi có được những năm tháng tuổi thơ thực sự hạnh phúc và no ấm. Khi đi học, lúc nào tôi cũng có thể tự hào về những bộ quần áo mới mà tôi mặc trên người so với những bộ quần áo cũ kĩ của các bạn học. Cha mẹ tôi đều là giáo viên. Ông bà lúc nào cũng mong tôi có thể học hành đàng hoàng để giúp cha mẹ nở mày nở mặt. Nhưng tôi đã không thực hiện điều mong ước lớn nhất của cha mẹ, bởi còn mải mê với những thú vui chơi bời mà tôi ham thích một thời tuổi trẻ.

 Học chưa hết cấp 3, tôi đùng đùng bỏ học, bất chấp việc mẹ khóc hết nước mắt. Cha tôi nghe tin đó đã lên cơn đau tim, phải nằm viện mấy ngày. Ông tuyên bố từ mặt tôi nếu tôi trở thành kẻ thất học. Nhưng điều đó chẳng khiến tôi run sợ, cũng chẳng khiến tôi động lòng. Tôi bỏ nhà đi theo những người bạn xấu, lang thang ở các bãi vàng với ước mơ làm giàu, mà không hề biết rằng mình đã làm tan nát trái tim cha mẹ.

Liền mấy năm, tôi đi biệt tăm biệt tích, đến một dòng thư gửi cho gia đình cũng không có. 3 năm sau, tôi trở về nhà. Suốt những năm tháng lang thang ở bãi vàng, tôi chưa kịp thực hiện ước mơ làm giàu thì đã biến mình thành một con nghiện ma túy loại nặng. Lúc tôi trở về, cha mẹ tôi đã không nhận ra đứa con trai tuấn tú, trắng trẻo ngày nào, bởi tôi đã biến thành một kẻ thân tàn ma dại, da tái, môi thâm.

Khi biết con mình nghiện ma túy, cha tôi đã khóc. Ông nói với tôi: "Ta dạy học trò cả đời. Nhiều đứa đã thành người. Nếu không giỏi giang thì ít ra cũng là người tử tế. Thế mà đứa con duy nhất của ta, ta lại không dạy được". Giận con, nhưng vẫn thương con, cha tôi đi khắp nơi tìm cách cai nghiện cho đứa con trai duy nhất của mình. Những ngày đầu nhìn cha mẹ ngày đêm túc trực bên cạnh, chăm sóc cho mình, tôi đã cảm thấy vô cùng ân hận, day dứt. Khi ấy, tôi đã tự nhủ sẽ cai nghiện bằng mọi giá và làm lại cuộc đời. Nhưng chỉ sau vài ngày đầu cắt cơn, tôi đã không chiến thắng nổi cơn thèm thuốc đang giày vò.

Nhân lúc cha mẹ không để ý, tôi cạy tủ mang đi toàn bộ số tiền có trong đó rồi thả phanh hút hít, chơi bời. Khi không còn tiền nữa, tôi quay sang ăn cắp, ăn trộm của hàng xóm xung quanh. Có lần, tôi bị bà hàng xóm bắt được khi đang ăn trộm mấy con gà. Người ta đưa tôi về tận nhà, trao trả tôi cho cha mẹ tôi với đầy đủ "tang chứng, vật chứng". Lúc đó cha tôi đã quỳ sụp xuống, thay đứa con hư hỏng xin lỗi gia đình hàng xóm đó, mà nước mắt cứ ngân ngấn trong khóe mắt. Nhưng lúc đó, ma túy đã chiếm hết tâm trí tôi. Tôi nhìn cảnh đó mà tuyệt nhiên không hề xúc động. Nhưng sau này, khi ngồi trong trại giam, mỗi lần nhớ lại hình ảnh đó, tôi lại nước mắt chảy ra.

Không thể đi ăn cắp vặt mãi được, tôi bắt đầu đi buôn ma túy để có tiền nuôi những cơn nghiện của mình. Kiếm được những đồng tiền dễ dàng từ ma túy, tết năm đó, tôi mua không biết bao nhiêu quà cáp mang về biếu cha mẹ, để "chứng tỏ" bản thân mình. Nhưng trái với tưởng tượng của tôi, cha tôi đã ném đống quà cáp đó ra khỏi cửa, đuổi tôi ra khỏi nhà, kèm theo một lời nói lạnh lùng: "Bố chỉ hận bố không thể báo công an bắt mày đi. Chứ nhất định không bao giờ nhận những món quà mua được bằng những đồng tiền nhơ bẩn như thế này".

Lúc đó, tôi không hề thấy thấm thìa lời cha nói, chỉ nghĩ ông là một ông già gàn dở. Liền mấy năm sau, tôi không gặp cha mẹ. Tôi vẫn đi buôn ma túy và ung dung hưởng thụ những đồng tiền kiếm được, nghĩ cuộc đời chẳng phải lo lắng gì.

Bài học lớn nhất của đời người

Nhưng cuộc đời không đơn giản như tôi nghĩ. Cuối cùng, tôi đã không tránh khỏi kết cục chung của những tên tội phạm ma túy. 10 năm trước, tôi bị bắt trong một vụ chuyển hàng và bị kết án tù chung thân. Ngày tôi bị đưa ra tòa, cha tôi cũng có mặt. Trong buổi xét xử hôm đó, cha tôi đã đứng trước tòa nói rằng: "Tôi không dạy được con. Để con tôi đi gây họa cho những gia đình khác. Dù đau lòng, nhưng tôi vẫn kiên quyết xin tòa xử đứa con trai duy nhất của tôi mức án thật nặng, để làm bài học răn đe nó".

 

Lúc bị tòa kết án chung thân, biết đó là bản án mình xứng đáng phải nhận, nhưng tôi vẫn thấy giận cha vô cùng. Cái ý nghĩ cha tôi chỉ mong tôi ở tù thật lâu để tránh gây phiền phức cho gia đình, đã khiến tôi kết tội cha là lạnh lùng, tàn nhẫn. Ngày bước chân vào tù, tôi tưởng mình sẽ vĩnh viễn bị gia đình bỏ rơi.

Nhưng chỉ sau đó một thời gian ngắn, cha tôi đã đến thăm. Chưa đầy một năm sau khi tôi bị bắt, cha tôi đã già hẳn đi, gương mặt khắc khổ, u buồn. Lúc gặp tôi bước ra từ cánh cổng trại giam, cha tôi đã bảo: "Cha không dạy được con, nên cha hi vọng nhà tù sẽ dạy được con thành người". Lúc đó, nhìn vào đôi mắt đau đớn, xót xa của cha, nhìn cái cách cha tôi nắm tay tôi và run run sờ lên gương mặt tôi, tôi mới bừng tỉnh và thấu hiểu tình cảm mà cha dành cho mình. Đêm hôm đó, khi trở về buồng giam, tôi đã khóc. Lần đầu tiên sau nhiều năm trời, tôi mới biết là mình đã sai, mới thấy mình có lỗi với những người đã sinh ra và nuôi nấng mình.

Mấy ngày sau đó, tôi ăn những món quà mà cha mẹ gửi sang, có một chút cá khô, một chút ruốc, mấy gói kẹo mấy cái bánh. Không hiểu sao ăn món gì, tôi cũng khóc. Ăn món gì, tôi cũng thấy ngon lạ kỳ. Tôi hiểu bao nhiêu tình yêu thương, cha mẹ đều gói ghém gửi cả vào đấy cho tôi.

Tôi bắt đầu đi sai bước ngay từ khi còn là một cậu thanh niên mới lớn và chìm đắm trong tội lỗi suốt những năm tháng sau này, nên điều tôi ân hận nhất là đến tận 40 tuổi, tôi vẫn chưa có một ngày nào báo hiếu, phụng dưỡng cha mẹ, chưa có một ngày nào làm cha mẹ ngẩng cao đầu với đời. Tất cả những gì tôi dành cho cha mẹ mình đều là những nhục nhã, ê chề, những lần mất hết cả danh dự với hàng xóm láng giềng vì đứa con hư hỏng.

Từ sau ngày tôi đi tù, sức khỏe của mẹ ngày càng suy sụp. Suốt những năm tôi ở tù, dù vô cùng nhớ thương đứa con trai lầm lỗi của mình, mẹ vẫn không thể lấy đâu ra sức lực đi thăm con. Nên tất cả việc thăm nuôi tôi đều do chính tay cha tôi chuẩn bị. Có những chuyến lên thăm của cha đã khiến tôi thực sự ám ảnh. Có lần cha tôi đến thăm giữa một ngày trời bão tố. Đến lúc bước vào phòng thăm gặp, thấy người cha ướt sũng, tôi vô cùng xót xa. Vì lo con trai sẽ chờ đợi, lo con trai ở trong tù ăn uống kham khổ, nên ở tuổi 70, cha tôi vẫn vượt đường xa giữa thời tiết gió bão để đến thăm con.

Lần nào khi đến thăm tôi, cha tôi cũng chuẩn bị từ nhà rất nhiều đồ ăn. Nhưng lần đó, bỗng nhiên ông có thêm 1kg thịt lợn tươi chưa chế biến. Lúc đó, tôi thắc mắc hỏi sao ông lại mua thêm thịt lợn làm gì, thì cha tôi cười bảo bố đi đường, tiết kiệm được ngần này tiền tiêu, nên chỉ tính đủ tiền mua vé xe về và tiền ăn dọc đường, còn lại thì mua thêm ít thịt cho con ăn trong này. Lúc nghe cha tôi nói thế, trước mặt mọi người, tôi chẳng dám khóc, nhưng tôi đã ôm lấy ông và nói con xin lỗi cha.

Ngày xưa, khi kiếm được nhiều tiền, tôi chỉ biết phá. Tôi tiêu hết cả chục triệu một ngày là chuyện bình thường, mà không hề nghĩ rằng cha mẹ tôi ở nhà phải chắt chiu, dành dụm từng đồng cơ cực như thế nào. Nếu không có vấp ngã này, tôi sẽ chẳng bao giờ nhận ra những điều nhỏ bé nhưng vô cùng quan trọng ấy.

Khi mới bước vào tù, tôi nghĩ, ở tù là sự trả giá đắt nhất cho những sai lầm của mình. Nhưng cái ngày cha tôi lên thăm, buồn bã nói với tôi về việc mẹ tôi ở nhà mắc bệnh ung thư sắp qua đời, tôi mới hiểu có những cái giá phải trả còn đắt hơn nhiều. Tôi có thể trả hết nợ với pháp luật nếu cải tạo tốt, nhưng tôi không thể chuộc hết những lỗi lầm mà tôi đã gây ra cho cha mẹ mình. Tôi đã có bài học đắt giá nhất trong đời mình. Nhưng bài học đó đã đến quá muộn màng.