Tôi bay

ANTĐ - “Tổng chi phí cho bộ đồ dù lượn chỉ xấp xỉ một chiếc xe Wave, kém xa việc chơi xe độ, mô hình máy bay…” - anh Nguyễn Việt Hà (CLB dù lượn Vietwings Hà Nội) chia sẻ.

Con người bay để thưởng ngoạn

Chạy! Chạy! Chạy! Tôi cố hết sức lôi theo chiếc dù đang đón gió phía sau mà chạy, thầm nghĩ bây giờ, dù có đang lao xuống vực cũng phải chạy. Lực cản của gió khiến chân tôi bắt đầu chùn, huơ huơ trên đám cỏ. Bỗng “phụp” một cái, cả người tôi lao vút vào không trung trước mặt… 

Chuẩn bị trước khi khi bay.
Chuẩn bị trước khi khi bay.

Trăm nghe không bằng một thấy. Trăm thấy không bằng một thử. Tôi đang bay giữa không trung, phía dưới là những triền cỏ lau trải dài ngút ngàn, trắng muốt. Ngẩng đầu lên, vòm dù màu da cam căng tròn đón gió nổi bật giữa nền trời xanh thẫm, như mặt trời thứ hai.

“Khi bạn đứng bên dưới, bạn đang nhìn góc nhìn của hàng triệu triệu người, nhưng khi bạn ở trên cao, điểm nhìn của bạn như điểm nhìn của con chim vậy. Đương nhiên, chim bay theo bản năng, để săn mồi, còn con người bay để thưởng ngoạn. Không phải ai cũng được trải qua cảm giác này” - anh Hà chia sẻ.

Điều khiển dù lượn cũng được gọi là phi công. Phi công có thể điều khiển dù lượn lơ lửng trên không trung tối đa 3 tiếng đồng hồ, nghe nhạc, chụp ảnh,… hoặc đơn giản chỉ là ngắm nhìn non sông gấm vóc đang trải dài dưới tầm mắt. 

Hướng dẫn viên giúp phi công chạy lấy đà. Vì sức cản của gió rất lớn nên việc di chuyển khá nặng nề.
Hướng dẫn viên giúp phi công chạy lấy đà. Vì sức cản của gió rất lớn nên việc di chuyển khá nặng nề.

Bay dù lượn không ngày nào giống ngày nào vì thời tiết luôn luôn thay đổi. Ngày nắng đẹp phi công có thể ngắm nhìn rõ nhất cảnh vật dưới đất, trời mù sẽ được thử cảm giác lạnh buốt khi bay trong mây. Điều quan trọng nhất trước khi xác định điểm bay chính là hướng gió, tốc độ gió phù hợp. Ngày mưa, gió quá mạnh, buổi tập phải tạm dừng hoặc bỏ hẳn để đảm bảo an toàn.

Thuê “trắng” cánh đồng để bay

Chọn được địa hình để bay dù lượn rất kỳ công. Địa hình phải đáp ứng ít nhất các tiêu chuẩn sau: có bãi trống đủ rộng trải dù rộng khoảng 200m2 (trên núi), bãi đáp bằng phẳng. Phi công thường thuê “trắng” các cánh đồng từ một năm đến ít nhất một mùa, người nông dân sẽ không được trồng cây cao, hay xả nước vào ruộng...

Một phi công dày dạn kinh nghiệm vẫn có thể bị mắc dù vào dây điện, cành cây. Khi đó phải thật bình tĩnh tháo đai, trèo xuống đất an toàn, rồi mới tìm cách gỡ dù. Nếu không gỡ được đành dùng dao chặt cành đem dù xuống. 

Bay nào!
Bay nào!

Anh Hà khẳng định: “Bạn không thể giải thích với chính mạng sống của mình được. Vì vậy, phải kiểm tra thiết bị, đường chạy, xác định hướng gió, kìm chế cảm xúc, không được để sự háo hức lấn át bạn. Khi nào thấy tất cả đều trong tầm kiểm soát mới được bay”.

Thiết bị cho môn thể thao dù lượn khá phức tạp: dù, đai bảo hiểm, mũ bảo hiểm, bộ đàm, thiết bị đo độ cao,… Anh Hà phân tích: “Rất nhiều người nghĩ chi phí cho dù lượn vô cùng tốn kém. Điều này không hoàn toàn đúng. Cả bộ đồ nghề trên dưới 20 triệu, tương đương một chiếc xe Wave. Còn kém xa việc đầu tư vào một chiếc xe độ, chơi mô hình”.

Người chơi dù lượn thường bỏ công sức lùng đồ nghề trên mạng hoặc mua lại của phi công nước ngoài. Địa điểm bay gần Hà Nội cũng là một lợi thế cho người chơi tiết kiệm thời gian.

Bay được khoảng 15 phút, tôi bắt đầu cảm thấy choáng váng, cảm giác của người chưa quen ở trên độ cao lâu. “Em có thể ói thoải mái, miễn đừng vào thiết bị đo độ cao trước bụng là được. Em không phải ngại đâu”, chỉ vài phút sau câu nói này anh Hà đã điều khiển chiếc dù hạ cánh xuống đất nhẹ nhàng.