Bị bắt sau hơn 2 thập niên trốn chạy:

Tội ác giết người dưới nhân thân giả

ANTĐ - Trên chặng đường dài di lý từ Đồng Nai về Hà Nội, Phạm Văn Trịnh (SN 1951), ở thôn Đồi 1, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội giữ nguyên một vẻ mặt nhợt nhạt, thất thần. Có lẽ kẻ giết người Phạm Văn Trịnh cũng không thể ngờ được rằng, sau 21 năm trốn chạy, thay tên đổi họ, sống mai danh ẩn tích ở nơi hẻo lánh, vùng sâu vùng xa, tội ác của mình những tưởng đã rơi vào quên lãng cho đến một ngày các trinh sát Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an TP Hà Nội đứng sừng sững trước mặt, bóc trần vỏ bọc.

Vết trượt trong quá khứ

Những thập niên trước, Phạm Văn Trịnh khá “nổi tiếng” ở địa bàn chợ Gốt, quốc lộ 6, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Tuy sinh ra trong một gia đình đông anh chị em, Trịnh cũng được gia đình cho ăn học đàng hoàng nhưng chỉ đến năm lớp 6 Trịnh bỏ học, ở nhà lang thang, gia nhập vào đám lười học thích chơi quanh khu vực gần nhà. Cũng vì thế thành tích bất hảo của Trịnh ngày càng nhiều, người dân ở đây ai cũng tránh va chạm với Trịnh bởi bản tính ngổ ngáo, côn đồ, thích gây sự của y.

Sau này khi đã lập gia đình, có con cái đầy đủ Trịnh vẫn không thay tâm đổi tính mà tiếp tục cầm đầu những trò quậy phá; không một vụ lộn xộn nào tại địa phương từ đánh nhau, gây gổ, đâm thuê, chém mướn… thiếu mặt Trịnh. Chuyện gì đến cũng đến, trong một lần gây rối trật tự công cộng, Phạm Văn Trịnh đã bị lực lượng chức năng cho đi tập trung cải tạo tại Lào Cai 3 năm.

Vết trượt dài đầy lỗi lầm nhưng lại khá đào hoa trong cuộc sống tình cảm, vì vậy sau khi mãn hạn cải tạo trở về Trịnh đã kịp cưới người vợ thứ 2. Lần trở về địa phương tưởng rằng sẽ biết ăn năn hối lỗi nhưng với bản tính khó đổi, Trịnh lại lao vào các cuộc ẩu đả, sống cuộc đời đao búa. Một lần nữa, Phạm Văn Trịnh tiếp tục bị đưa đi cải tạo lần thứ hai với thời gian 2 năm tại Nghệ An. 

Tội ác giết người dưới nhân thân giả ảnh 1

Và cũng trong giai đoạn này nảy sinh một mâu thuẫn khiến cuộc đời Phạm Văn Trịnh rẽ sang một hướng khác; thông qua những người thân vào thăm gặp Trịnh được nghe những lời xì xào về mối quan hệ trên mức bình thường của vợ mình với anh Trần Văn Q. (SN 1952), ở xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Nghe vậy nhưng không có bằng chứng, Trịnh nuốt hận đợi hết thời gian tập trung cải tạo.

Trở về, lửa như được đổ thêm dầu khi Trịnh được nghe người dân trên xã dưới huyện bàn tán về chuyện tình cảm của vợ. Trong lòng cảm thấy không thể tha thứ được, Phạm Văn Trịnh đã làm thủ tục li dị vợ. Tuy đã đường ai nấy đi nhưng Trịnh vẫn không quên kẻ “cắm sừng” lên đầu mình, phá nát hạnh phúc gia đình mình, chờ thời cơ thích hợp để trả thù. 

Gây án và hành trình trốn chạy

Ít lâu sau đó, nhờ mối lái Trịnh cũng lấy vợ mới là một cô gái cùng quê. Nhiều năm dài sau đó, vào một buổi trưa ngày 18-9-1991, Trịnh cùng em trai đến quán rượu thịt chó ở đầu làng ăn nhậu thì vô tình gặp lại tình địch năm xưa là anh Trần Văn Q. đang cùng bạn bè đang ngồi ăn bàn bên cạnh. Bao nhiêu mối thâm thù bỗng chốc quay về, lại sẵn có hơi men trong người, Trịnh đã quay sang chửi mắng anh Q. là trong thời gian đi cải tạo đã lợi dụng để quan hệ tình cảm với vợ mình. Anh Trần Văn Q. cũng phản pháo lại dẫn đến xô xát xảy ra, sự tích tụ như đến đỉnh điểm Trịnh đã cầm dao trong quán đâm liên tiếp nhiều nhát vào người anh Q., khi thấy nạn nhân gục xuống mới bỏ chạy. Với những vết đâm chí mạng vào ngực đã khiến anh Q. tử vong.

Gây án xong, ngay trong đêm Phạm Văn Trịnh đã ra Ga Hà Nội, lên tàu và bắt đầu một hành trình trốn chạy mà điểm đến chưa được xác định. Trước khi đi, Trịnh còn cố tình tung tin rằng mình sẽ di chuyển đến Sơn La nhằm đánh lạc hướng cơ quan công an. Tàu chạy một mạch xuyên đêm, đến ga Phú Cang, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, Quảng Nam, Trịnh xuống tàu và tìm đến lò gạch ở xã Bình Quý, đinh ninh rằng đã trốn chạy một quãng đường khá xa, có thể tạm an tâm tá túc, Trịnh đã xin vào làm công nhân ở lò gạch tại đây.

Một “kịch bản” giấy tờ mất trên tàu, bố mẹ mất sớm, anh chị em ly tán mưu sinh, bôn ba khắp nơi… được Trịnh dựng lên đã “đánh gục” người chủ lò gạch - điểm trú chân đầu tiên của Trịnh trên hành trình trốn chạy. Bản tính liều lĩnh, lại có “kinh nghiệm” sống ngoài xã hội, Trịnh tự “xóa sổ” tên thật của mình rồi thành Nguyễn Văn Thành, quê quán ở xã Đú Sáng, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình để tạo vỏ bọc với nhân thân mới để làm ăn sinh sống.

Biết rằng cơ quan công an đang truy tìm mình nên Trịnh sống khép kín, thu mình, ít giao du với mọi người chỉ tập trung làm việc; chính cái vẻ ngoài “nhẹ nhàng”, chịu khó, Trịnh lại tạo được thiện cảm với người dân quanh vùng, đặc biệt là chiếm được tình cảm của nhiều cô gái trong xã.

Không lâu sau đó, Trịnh đã lập gia đình và có một mặt con. Tuy người ngoài không biết Trịnh là ai, nhưng sự sợ hãi lúc nào cũng bủa vây cuộc sống của Phạm Văn Trịnh. Nơi đất lạ quê người, nỗi ám ảnh về cái chết của nạn nhân lẫn sự truy tìm gắt gao của cơ quan công an khiến không đêm nào Trịnh có giấc ngủ trọn vẹn. Chỉ cần tiếng gió đập mạnh, tiếng chó sủa ban đêm hay tiếng động cơ xe máy khi trời tờ mờ sáng cũng khiến y giật mình hoảng hốt.

Nhiều lúc Trịnh đã tự vấn lương tâm quyết ra đầu thú để khỏi phải sống trong sợ hãi, nhưng những tháng ngày sống sau song sắt đã làm mềm ý chí khiến y từ bỏ toan tính đó. Cho đến một ngày khi biết được thông tin người nhà vợ có một khoảnh đất ở Phước Bình, huyện Long Thành, Đồng Nai cần người làm công, Trịnh không chút do dự đưa vợ con vào Đồng Nai nhưng thực chất là phục vụ cho hành trình lẩn trốn của y càng cao chạy xa bay càng tốt. 


Lưới trời tuy thưa mà khó lọt

Vào Đồng Nai, vợ chồng Trịnh lại bắt đầu lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, cuộc sống tuy khốn khó khi nay củ khoai, mai củ sắn qua ngày nhưng tâm lý y được giải tỏa rõ rệt nên khổ mấy y cũng cam chịu. Nhiều năm qua đi, đến chính Phạm Văn Trịnh cũng đã tạm an tâm với chính bức bình phong vững chãi do mình tạo nên với tên, quê quán mới, có cuộc sống mới với gia đình vợ con, di chuyển qua nhiều tỉnh thành.

Sau vài năm chính sự cần cù lao động làm đủ thứ nghề của cả 2 vợ chồng ở miền đất mới đã khiến cuộc sống gia đình Trịnh dần đi vào ổn định; với người xung quanh Trịnh luôn nhiệt tình giúp đỡ không vụ lợi, tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương khiến ai cũng nghĩ y là một người hiền lành, lương thiện.

Tuy nhiên, với người vợ đầu gối tay ấp trong nhiều năm chung sống mà y tuyệt nhiên chưa một lần để lộ về quá khứ tội lỗi của mình. Y từng tự nhủ với bản thân rằng dù với bất kỳ ai, không có ngoại lệ, cũng phải chôn sâu nén chặt tội ác đó. 21 năm trôi qua, đến chính Phạm Văn Trịnh nhiều lúc còn chợt quên về tội ác của mình, nhưng y chẳng thể nào ngờ được chính cái lý lịch trong sạch, sự lương thiện đến hoàn hảo, sự kín kẽ trong đời tư lại lật tẩy y. Không một lần nhắc về quê hương bản quán, người thân ruột thịt trong gia đình, nếu có được hỏi Trịnh cũng tìm cách chuyển sang chuyện khác, sự nghi hoặc về người đàn ông mang tên “Nguyễn Văn Thành” ngày một lớn, y đã nằm trong tầm nghi vấn của cơ quan chức năng. 

Nhận định “Nguyễn Văn Thành” rất có thể là đối tượng phạm tội đang lẩn trốn, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các tài liệu các trinh sát thu thập được cuối cùng tội tác của Phạm Văn Trịnh đã bị Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an TP Hà Nội phối hợp với Công an xã Phước Bình, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai lật tẩy.

Thời cơ đã đến khi vào một dịp bố đẻ của Phạm Văn Trịnh bị ốm nặng ở quê; nhận định nhiều khả năng Trịnh sẽ về thăm gia đình để gặp bố, không bỏ lỡ cơ hội các trinh sát đã mật phục tại nhà y ở thôn Đồi 1, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Tuy nhiên khi có mặt ở nhà thì đối tượng Phạm Văn Trịnh đã không còn ở đó.

Quyết theo dấu tội phạm, các trinh sát Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an TP Hà Nội lập tức lên đường. Trong ngôi nhà ở vùng rừng núi huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, Phạm Văn Trịnh cũng vừa mới trở về thì các trinh sát xuất hiện, lúc đầu, Trịnh một mực kêu rằng y là Nguyễn Văn Thành, “chắc cán bộ bắt nhầm”.

Nhưng rồi trước những chứng cứ không thể chối cãi mà các trinh sát đưa ra từ lệnh truy nã về hành vi giết người, về dấu vân tay trùng khớp và nhiều chứng cứ khác chứng minh chân tướng Nguyễn Văn Thành là Phạm Văn Trịnh thì y im lặng run rẩy, gương mặt thất thần, nhợt nhạt.

Trên chặng đường dài di lý từ Đồng Nai về Hà Nội, Phạm Văn Trịnh đã tạo cho mình một vỏ bọc không thể tốt hơn, mọi hành động để che đậy tội ác, nhân thân để đối phó với sự truy tìm đều được tính toán một cách kỹ lưỡng, cộng thêm hơn hai thập kỷ y những tưởng thời gian đã che mờ tội ác của chính mình, kẻ giết người không ngờ có ngày phải đối mặt với quá khứ tội lỗi, trả giá cho tội ác của mình gây ra, đúng là lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt.