Tội ác của những "sát thủ tâm thần"

ANTĐ - Liên tiếp xảy ra những vụ án kinh hoàng, gây chấn động dư luận trong một thời gian ngắn mới đây. Thế nhưng pháp luật nghiêm minh lại đành “bó tay” trong việc trừng trị những kẻ mắc tội động trời. Bởi vì thủ phạm là những người... tâm thần.

Người tâm thần thì không đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Thế nên người tâm thần vẫn hồn nhiên sống chung cùng người tỉnh, còn người tỉnh cứ nơm nớp không biết lúc nào người tâm thần lại... gây án.

Đau lòng những thảm án

Vụ Vũ Văn Mạnh (thôn Yên Khê, xã Yên Thường, Gia Lâm Hà Nội) chém người thân khiến 1 người chết, 7 người bị thương dư luận còn chưa hết bàng hoàng thì chỉ ngay sau vụ cuồng sát trên hơn 1 tuần tại thôn Miêng Hạ, xã Hoa Sơn, Ứng Hòa, Hà Nội một đối tượng khác là Nguyễn Văn Mạnh đã lên cơn điên một lúc sát hại vợ và 2 con trai mình trong đêm do hoang tưởng.

Nguyễn Văn Mạnh, sau một phút hoang tưởng đã giết chết cả vợ và 2 con nhỏ

Ngày 21-9-2011, Mạnh chở vợ và hai con trai từ nhà vợ Phú Lương về Hoa Sơn thăm bố mẹ đẻ của mình thuộc thôn Miêng Hạ. Mục đích của lần về này, chị Ngát vợ của Mạnh muốn nhờ bố mẹ ép Mạnh uống thuốc. Bởi những ngày trước đó Mạnh có nhiều biểu hiện không bình thường. Chiều hôm ấy Mạnh còn đi mua lòng lợn về để ăn cùng bố mẹ và một vài anh em. Khoảng 10h tối, vợ chồng Mạnh cùng hai con vào buồng đi ngủ, còn bố mẹ Mạnh ngủ ở gian ngoài. Vào khoảng 2h đêm, thấy chó cắn rộ, mẹ Mạnh không ngủ được đã vào gọi vợ chồng Mạnh dậy xem có chuyện gì. Mạnh dùng đèn pin soi thì thấy con chó nhà mình đang săn một con rắn hổ mang rất to. Thấy thế Mạnh lấy gậy đập chết con rắn và vứt xuống ao sen trước cổng nhà. Xong việc, vợ chồng Mạnh cũng vào buồng ngủ tiếp.
Nhưng sau khi đập chết con rắn, Mạnh trằn trọc không sao ngủ được. Kể từ khi ấy Mạnh luôn bị ám ảnh bởi những vệt máu bắn ra từ con rắn hổ mang và tưởng tượng ra mình bị một nhóm người đánh. Nghĩ thế nên Mạnh đã dùng khăn giấy ướt bịt mồm, mũi vợ cho đến khi chị Ngát tắt thở. Mạnh cũng dùng cách tương tự để làm với hai đứa con trai của mình. Hậu quả đau lòng đã xảy ra khi vợ và hai con trai của Mạnh vĩnh viễn không bao giờ còn có thể tỉnh giấc. Còn Mạnh bị Công an huyện Ứng Hòa bắt cùng ngày hôm đó. Được biết thời gian trước đó Mạnh đang uống thuốc chữa bệnh thần kinh.

Mai Văn Việt, kẻ gây thảm án tại quảng trường Lam Sơn - Thanh Hóa

Ngay sau đó, vào khoảng 19h30, ngày 22-9, tại khu vực phía trước đài phun nước số 1 của Quảng trường Lam Sơn, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa, Mai Văn Việt, SN 1974 ở số nhà 9/61 phố Đông Lân I, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa đã đâm chết bà Ngô Thị Chung, 60 tuổi, ở phường Điện Biên, TP Thanh Hóa. Người con gái của bà đang mang thai là chị Thủy đang ngồi bán nước chè tại khu vực nói trên cũng bị đâm gần chết, thai nhi tử vong. Nguyên nhân của sự việc được cho là vô cùng đơn giản. Vì Việt nợ chị Thủy số tiền là bốn mươi nghìn đồng nên khi Việt vào quán chị Thủy đã tức giận không cho Việt được ngồi xuống ghế.

Ức chế vì bị đuổi đi nên Việt đã về nhà và sang nhà hàng xóm làm nghề thịt lợn và lấy một con dao bầu mang ra quảng trường Lam Sơn gây án. Được biết, Việt vừa xuất ngũ, mặc dù chưa có tiền án, tiền sự, nhưng đã có tiền sử của bệnh lý tâm thần phân liệt và đã từng đi điều trị nhiều lần tại Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa. Qua khám nhà đối tượng, cơ quan điều tra đã thu được nhiều loại giấy tờ có liên quan đến việc điều trị và bệnh lý tâm thần của Việt tại Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa.

Tính trong vòng khoảng nửa tháng kể từ ngày 7-9-2011 cho tới ngày 22-9-2011 đã liên tiếp xảy ra tới ba vụ thảm án do những người tâm thần gây ra. Hiện tượng này đã dấy lên một hồi chuông báo động về những lỏng lẻo trong việc quản lý những người tâm thần đang sống trong xã hội. Điều này là mối nguy hại rất lớn đối với cộng đồng. Thời gian gây án xa hơn một chút là vào khoảng 12h30 ngày 16-8, Vũ Tiến Thành (44 tuổi) đã dùng dao đam chết hai con đẻ và vợ là chị Vũ Thị Thủy (43 tuổi) trước khi dùng dao tự sát. Vụ án mạng xảy ra tại tiểu khu Phú Mỹ, gần trường THPT Phú Xuyên (huyện Phú xuyên, Hà Nội).

Theo lời kể của người nhà Vũ Tiến Thành thì trước khi giết vợ và con, Thành luôn tưởng tượng trong đầu có ma quỷ, toàn những con ma bé tí tẹo bằng ngón tay cái, nhảy múa trong đầu, gào thét vào tai và bảo phải giết chết vợ con, nếu không chúng sẽ bắt vợ và hiếp, sau đó giết chết cả nhà. Đau lòng thay, chỉ vài tiếng trước khi bị sát hại, chị Thủy còn trực tiếp xin các bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho chồng được về nhà điều trị mà không hề ý thức được rằng tình thương của chị đã đặt không đúng chỗ và không đúng lúc. Tình thương dại ấy đã phải đánh đổi bằng mạng sống của chị và hai đứa con thơ.

Chị Thủy đã qua cơn nguy kịch sau lần "nổi điên" của Mai Văn Việt - kẻ gây thảm án tại quảng trường Lam Sơn - Thanh Hóa

Tội ác của người điên là do sự thương hại giấu giếm của người tỉnh

Những vụ án mạng đau lòng do người mắc bệnh tâm thần gây ra nạn nhân thường chính là những người trong gia đình hoặc những người sống xung quanh. Nhưng thực tế đau lòng thì chính những nạn nhân đó lại là những người ra sức bảo vệ, che giấu cho những “sát thủ tâm thần”.

Trở lại với vụ trọng án ngày 22-9-2011 xảy ra tại xã Hoa Sơn, Ứng Hòa, Hà Nội. Đối tượng Nguyễn Văn Mạnh từ sau khi đi xuất khẩu lao động Malaysia trở về đã có nhiều biểu hiện bất thường nhưng vẫn lấy vợ và sinh con. Một ngày sau khi xảy ra án mạng đó, chúng tôi đã có mặt tại gia đình ông Nguyễn Hữu Kim (bố đẻ của Mạnh). Tiếp chúng tôi là anh Nguyễn Văn Hùng (em trai của Mạnh) vẫn một mực khẳng định: “Anh Mạnh chỉ có biểu hiện ốm đau chứ không mắc chứng tâm thần. Gia đình, vợ con vẫn sống chan hòa, không bao giờ xảy ra xích mích”. Trong khi các bác sĩ giám định pháp y - Bộ Công an kết luận: Khi bị bắt, Mạnh vẫn thản nhiên kể sẽ đưa vợ con về Hà Đông. Hắn đổ lỗi cho những tháng ngày xuất khẩu lao động bị nhóm “xã hội đen” tiêm thuốc, hành hung.

Trong vụ án chém chết một người và làm bị thương 7 người khác ở Gia Lâm cũng thế. Trong cuộc sống hằng ngày, vợ của đối tượng Vũ Văn Mạnh một mực giấu giếm tình trạnh bệnh tật của chồng mình với lý do “xấu chàng hổ ai”. Cho dù sau này khi chồng bị bắt, không biết có phải vì muốn giảm nhẹ tội cho chồng mình hay không mà chị Hồng - vợ Mạnh đã không còn thấy xấu hổ nữa nên đã nhất nhất khẳng định chồng mình có biểu hiện thần kinh từ rất lâu rồi. Minh chứng cho điều mình nói là đúng sự thực, vợ Mạnh đã đưa ra vô khối dẫn chứng nào là rất hay bị chồng đánh đập, chửi bới, nào là bảo anh ta cứ ngây ngây ngô ngô, lúc cười lúc khóc, buồn vui thất thường. Rồi, trước đây có đi bộ đội bị người miền núi chài nên dẫn đến tinh thần không bình thường. Nực cười ở chỗ, trước đó chị nhất quyết giấu tình trạng bệnh tật của chồng, giờ thì lại một mực khẳng định chồng mắc chứng thần kinh.

Hóa ra, nỗi đau do người “điên” gây ra, một phần lại xuất phát từ sự vô cảm, thiếu hiểu biết của không ít người “tỉnh táo”. Đó không phải vì thương người bệnh mà đơn giản chỉ vì muốn giữ sĩ diện trước xã hội. Điều này vô tình đã gây nên những hậu quả cho chính gia đình và xã hội.

Bác sĩ Lý Trần Tình

Bác sĩ Lý Trần Tình - Giám đốc bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết:

Dấu hiệu nhận biết về một người mắc chứng tâm thần sẽ là: Mất ngủ thường xuyên. Tình trạng này kéo dài trong một thời gian dài sẽ khiến cơ thể mất thăng bằng và những người này cũng rất dễ mất kiểm soát về hành động. Ăn uống thất thường và thay tính đổi nết, tự nhiên không muốn và không có nhu cầu giao tiếp với những người xung quanh, chỉ thích quanh quẩn ở nhà. Nếu đang đi học thì không muốn đi học, nếu đang đi làm thì sẽ nghỉ làm. Luôn nghi ngờ có người đang có ý đồ làm hại mình thế nên khi đi ngủ thường mang vũ khí theo người với mục đích phòng thân... Nếu thấy người thân của mình có một trong những biểu hiện trên thì nên cho đi khám để sớm phát hiện và điều trị kịp thời. Không nên vì tâm lý mặc cảm, tự ti mà giấu nhẹm tình trạng bệnh tật của người thân, điều này rất nguy hại tới cộng đồng. Hầu hết những người tâm thần gây án đều do mắc bệnh mà không được điều trị hoặc có điều trị nhưng không đều đặn.

Bà Nguyễn Quỳnh Nga - chuyên viên tư vấn tâm lý - Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư và phát triển con người Nhật Minh chia sẻ:

Nguyên nhân khiến gia đình của những người mắc chứng tâm thần luôn giấu tình trạng bệnh tật của người thân là do tâm lý xấu hổ. Điều quan trọng hơn cả là sợ gia đình mình bị kỳ thị, xa lánh. Nhiều người còn cho rằng bệnh tâm thần là không thể chữa trị và có tính di truyền.

Bà Nguyễn Quỳnh Nga

Chúng ta biết rằng một trong số những loại chính yếu của chứng tâm thần là bệnh trầm cảm và chứng lo âu. Nếu người bệnh biết rằng những người thân của mình luôn nghĩ họ là người bị “tâm thần” và cần phải “né tránh” những điều liên quan đến tình trạng hiện tại của họ, thậm chí tỏ ra “bảo vệ” quá mức thì bệnh của họ ngày càng nặng hơn, chứng “tự kỷ ám thị” càng tăng và họ rất dễ rơi vào trạng thái trầm cảm nặng, điều nguy hiểm nhất là có thể dẫn đến việc tự tử. Điều đáng ngại là khi cộng đồng không hiểu tình trạng thực tế của người đang bị chứng tâm thần, có thể có những cách ứng xử làm cho họ bị “sốc” dẫn đến những phản ứng không được kiểm soát, những hành động bạo lực.

Các bệnh nhân và gia đình họ cần được nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần để có được những liệu pháp điều trị đúng đắn. Các cuộc nghiên cứu cho thấy có tới 90% các căn bệnh tâm thần là do sự mất cân đối các hợp chất trong não bộ gây ra cũng như sự tác động của môi trường sống. Vì vậy, nếu xác định được chính xác nguyên nhân thì các bác sĩ sẽ sử dụng thuốc hoặc các phương pháp khoa học để giúp điều hòa các hóa chất trong não song song với các liệu pháp tâm lý để giúp người bệnh sớm trở về cuộc sống bình thường. Việc xấu hổ, tìm cách che giấu hoặc không công nhận tình trạng bệnh tật của bản thân hoặc của người thân là việc làm thiếu hiểu biết, phản khoa học và có thể khiến cho tình trạng bệnh tật chuyển biến theo chiều hướng xấu hơn.