Tốc độ già hóa ở Hà Nội nhanh, chi phí chăm sóc sức khỏe người cao tuổi gấp 8 lần trẻ em

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Kết quả Điều tra Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, có đến 26,1% người cao tuổi không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào, trên 51% người cao tuổi không đủ tiền chi trả cho việc điều trị…
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-KHHGĐ (Bộ Y tế) thông tin về già hóa dân số
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-KHHGĐ (Bộ Y tế) thông tin về già hóa dân số

Tại buổi tọa đàm trực tuyến về “Chương trình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi đến năm 2030” vừa diễn ra, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-KHHGĐ (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới song các công tác chuẩn bị cho giai đoạn dân số già vẫn chưa theo kịp, đặt ra nhiều thách thức cho tương lai.

Hiện các cơ sở bảo trợ xã hội chỉ cung cấp dịch vụ chăm sóc và điều dưỡng cho khoảng 10.000 người cao tuổi là đối tượng nghèo, cô đơn nghèo không nơi nương tựa. Năm 2019, có khoảng 20 cơ sở dưỡng lão tư nhân, chủ yếu ở các thành phố lớn và chỉ chăm sóc cho số lượng rất ít người cao tuổi với chi phí cao (khoảng 9 đến 23 triệu đồng/tháng/người)…

Như vậy, phần lớn người cao tuổi có nhu cầu chăm sóc dài hạn đang sinh sống tại cộng đồng, nơi các dịch vụ chăm sóc xã hội chưa phát triển. Đặc biệt, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của một bộ phận người cao tuổi còn khó khăn.

Bà Lan cho biết, thế hệ người cao tuổi Việt Nam hiện nay sinh trưởng trong thời kỳ chiến tranh nên có tới 70% người cao tuổi hiện nay không có tích lũy vật chất; 18% người cao tuổi sống trong hộ nghèo, 10% người cao tuổi sống trong nhà tạm, chưa có điều kiện chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, vẫn còn nhiều người cao tuổi chưa có bảo hiểm y tế.

Do tốc độ "già hóa dân số" tăng nhanh sẽ làm tăng gánh nặng kinh tế, xã hội để duy trì ổn định cuộc sống khoẻ mạnh của nhóm người cao tuổi. Các nhà khoa học đã chứng minh, chi phí cho việc chăm sóc sức khỏe một người cao tuổi gấp 8 lần so với một trẻ em…

Tất cả những hệ luỵ đó nếu không được giải quyết thoả đáng sẽ là thách thức to lớn cho sự phát triển toàn diện của đất nước trong tương lai không xa.

Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội Tạ Quang Huy thông tin về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Thủ đô

Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội Tạ Quang Huy thông tin về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Thủ đô

Tại Hà Nội, ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ Hà Nội cho biết, hiện nay số người cao tuổi ở Hà Nội là 1,2 triệu người, chiếm 15% tỉ lệ dân số, với tốc độ gia tăng người cao tuổi ở mức cao, khoảng 5%/ năm.

Thực hiện Chương trình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi đến năm 2030, hiện tỉ lệ khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho người cao tuổi của các quận huyện Hà Nội đạt 84%. Thành phố đang triển khai thực hiện việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người cao tuổi, đạt mục tiêu cao hơn so với chỉ tiêu mà Chính phủ giao.

Tuy vậy, trong quá trình triển khai công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở cơ sở còn nhiều khó khăn như: một số chính quyền cơ sở chưa quan tâm thường xuyên đến công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; kinh phí cho hoạt động chăm sóc người cao tuổi ở tại cơ sở còn ít; số người cao tuổi không có lương hưu được hưởng trợ cấp còn ít (theo quy định đủ 80 tuổi trở lên)…

Vì thế, để đảm bảo hiệu quả chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn thành phố nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung, ông Huy đề nghị các cấp chính quyền nhất là cấp cơ sở tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật người cao tuổi, chương trình hành động về người cao tuổi của Chính phủ. Đồng thời, xem xét hạ độ tuổi người không có lương hưu được hưởng trợ cấp.