Toàn thế giới đang hướng về hàng nghìn nạn nhân động đất Nepal

ANTĐ - Bộ trưởng Nội vụ Nepal, Laxmi Dhakal sáng 26-4 cho biết, hiện đã có khoảng hơn 2.000 người thiệt mạng trong trận siêu động đất và dự đoán con số nạn nhân có thể còn tăng lên. 

Được biết trận động đất mạnh 7,9 độ Richter xảy ra tại khu vực nằm giữa thành phố Pokhara và thủ đô Kathmandu, Nepal vào trưa ngày 25-4. Tâm chấn nằm ở độ sâu 2 km và với cường độ 7,9 độ Richter, đây là thảm họa thiên nhiên lớn nhất tại Nepal trong vòng 80 năm qua.

Hiện nay, cộng đồng quốc tế và nhân dân toàn thế giới đang hướng về những người dân Nepal và chung tay giúp chính quyền Kathmandu khắc phục hậu quả của trận động đất này.

Trung Quốc

Ngày 25-4, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã gửi điện thăm hỏi đến Tổng thống Nepal Ram Baran Yadav, Thủ tướng Sushil Koirala và Ngoại trưởng Mahendra Pandey cùng nhân dân vùng bị nạn.

Các giới chức lãnh đạo Trung Quốc đều bày tỏ sự đau xót và gửi lời chia buồn tới người dân Nepal sau thảm họa động đất kinh hoàng, gây tổn thất hàng ngàn nhân mạng, phá hủy một số lượng lớn tài sản và ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống của nhiều người dân nước này,

Ngoài ra, lãnh đạo Bắc Kinh cũng đã cử đội cứu trợ nhân đạo gồm 62 người, bao gồm các chuyên gia đầu ngành, có nhiều kinh nghiệm trong cứu hộ, cứu nạn sang hỗ trợ chính phủ và người dân nước này khắc phục hậu quả thảm họa thiên nhiên lớn nhất trong lịch sử 80 năm qua tại Nepal.

Trận động đất này là thảm họa thiên nhiên lớn nhất trong lịch sử 80 năm qua tại Nepal

Mỹ

Mỹ đã gửi một nhóm cứu trợ và một khoản viện trợ ban đầu 1,3 triệu USD để giải quyết nhu cầu trước mắt. Ngoại trưởng John Kerry cũng cho biết, Mỹ đang liên hệ chặt chẽ với chính quyền Nepal để có những thông tin cần thiết và viện trợ kịp thời.

Vương quốc Anh

Ngay sau khi trận động đất xảy ra, Anh đã điều động một đội cứu trợ gồm 8 người chủ yếu là các chuyên gia tìm kiếm cứu nạn đến Nepal hỗ trợ công tác cứu hộ. Ngoài ra, các tổ chức nhân đạo khác của Vương quốc Anh cũng đang tích cực tham gia hoạt động cứu trợ.

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond ngày 25-4 cho biết, Đại sứ quán Vương quốc Anh tại nước này đã tích cực giúp đỡ chính phủ và người dân Nepal khắc phục thảm họa, đưa ra những biện pháp bảo vệ công dân Anh đang sinh sống tại đây.

Các tổ chức nhân đạo của Anh cũng đã tổ chức các hoạt động quyên góp tiền bạc và nhu yếu phẩm để viện trợ cho nhân dân Nepal.

Singapore

Sau khi trận động đất xảy ra, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thay mặt chính phủ "quốc đảo Sư tử" gửi lời thăm hỏi và chia buồn sâu sắc nhất đến chính phủ và người dân Nepal, đồng thời tuyên bố Singapore đã chuẩn bị cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Nepal.

Cả thế giới đang hướng về người dân Nepal

Ngoài ra, chính quyền Thủ tướng Lý Hiển Long đã triệu tập một đội cứu trợ gồm 55 người, có kinh nghiệm đối phó với thảm họa thiên tai, mang theo những trang bị cứu trợ cần thiết lên đường đến Nepal tham gia các hoạt động cứu trợ nhân đạo.

Hàn Quốc

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 25-4 cho biết, chính quyền Seoul đang xem xét cung cấp hỗ trợ tài chính và gửi một đội cứu trợ khẩn cấp đến Nepal. Tuy nhiên, phải sau khi đánh giá tình hình, các cơ quan chức năng nước này mới đưa ra phương án cụ thể. 

Liên minh châu Âu

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 25-4 tuyên bố đang xem xét ngân sách để hỗ trợ và sẽ cử một đội cứu trợ khẩn cấp gồm các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thảm họa thiên tai đến Nepal tham gia các hoạt động cứu trợ nhân đạo.

EU nhấn mạnh, trận động đất mạnh tại Nepal là một sự kiện ứng cứu nhân đạo khẩn cấp, cộng đồng quốc tế cần chung tay giúp sức khắc phục hậu quả thảm họa thiên nhiên này.

Vương quốc Bỉ

Ngoại trưởng Vương quốc Bỉ Fernandez Rennes tuyên bố, nước này đã khởi động cơ quan cứu trợ khẩn cấp B-FAST (phân đội cứu trợ số 1 của Bỉ) và đã triệu tập các chuyên gia và bộ ngành liên quan tiến hành phân tích tình hình sau động đất tại Nepal để xem liệu nước này có đủ khả năng đáp ứng được các yêu cầu từ chính phủ Nepal hay không.