Toàn ngành giáo dục bàn về chống bạo lực học đường

ANTD.VN - Sau những vụ bạo lực học đường gây chấn động xã hội, ngày 17-4, Bộ GD-ĐT đã họp trực tuyến với gần 20.000 người tham dự để bàn về biện pháp ngăn chặn tình trạng này.

“Các thầy cô phải trở thành nhà giáo dục, không phải “thợ dạy”. Cần lấy giáo dục, nêu gương làm chính, không nặng về phạt, răn đe” – Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc hội nghị đảm bảo an ninh, an toàn trường học phòng chống bạo lực học đường, sáng 17-4.

Là địa phương mới xảy ra sự việc nữ sinh Hưng Yên bị bạn đánh hội đồng, ông Nguyễn Văn Phê – Giám đốc sở GD&ĐT Hưng Yên – cho biết, đây là trường hợp đáng tiếc, cá biệt. Tỉnh đã chỉ đạo kịp thời, quyết liệt xử lý nghiêm để làm gương.

Ngày 7/4/2019, ngành giáo dục Hưng Yên đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác phòng chống bạo lực học đường với hơn 16.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tại gần 600 điểm cầu. “Qua đó mới thấy, dù Sở đã triển khai đến tận cán bộ quản lý, nhưng một số cán bộ quản lý triển khai tại đơn vị mình còn hời hợt nên giáo viên chưa nắm chắc, từ đó xử lý các việc chưa hiệu quả như mong muốn” – ông Nguyễn Văn Phê chia sẻ.

Để đảm bảo an ninh an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường, Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên cho rằng: cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình-nhà trường-xã hội để đảm bảo môi trường cho trẻ trưởng thành. Môi trường tốt tự nó đã có ý nghĩa, giá trị giáo dục.

Rút ra kinh nghiệm giáo dục thực tế của trường mình, ông Nguyễn Văn Hoà-Chủ tịch HĐQT trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội cho rằng giải pháp cho việc này là đưa giáo dục giá trị sống, kĩ năng sống vào trong nhà trường, giúp thầy cô xử lý vấn đề của mình tốt hơn, trường học trở nên thân thiện hơn, học sinh hạnh phúc hơn.

“Ở trường chúng tôi có 3 mục tiêu: xây dựng một môi trường giáo dục thân thiện, học sinh đến trường phải được hạnh phúc, học sinh đến trường đều được tiến bộ. Đó trở thành những tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục của nhà trường, của các thầy cô. Việc đánh giá những tiêu chí này thường xuyên góp phần nâng tầm nhà trường.

Cô giáo, nhà trường quan tâm đến hạnh phúc của học trò thì bạo lực sẽ giảm dần, sẽ không hết được nhưng từ chuyện to thành nhỏ, từ nhỏ thành không có gì. Tôi cho đây là cách giải quyết hiệu quả trong vấn đề giải quyết bạo lực học đường” – ông Nguyễn Văn Hòa cho hay.

Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh đến sự phát huy vai trò của Tổng đài điện thoại bảo vệ trẻ em 111 và lưu ý: đây không chỉ là đường dây nóng, sử dụng khi có sự việc xảy ra mà còn là tổng đài tư vấn.

Ông Nam cho rằng, thông tin về tổng đài này sẽ được tuyên truyền phổ biến rộng rãi hơn nữa, đặc biệt trong các nhà trường để kịp thời ngăn chặn những vụ việc phát sinh từ mâu thuẫn trong và ngoài nhà trường.