Toàn dân vào đại học - sự hiếu học lạc hậu

ANTĐ - “Chúng ta đang sống trong xã hội hiếu học lạc hậu, bởi ai cũng muốn vào đại học, dù sinh viên ra trường không có việc làm khá nhiều. Tệ hại là hệ đào tạo nghề thiếu người học, dù học ra có thể xin được việc ngay… Vì vậy, chương trình giáo dục mới phải gắn với thực tế, để học sinh phải biết lao động, biết làm việc” - PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.

Toàn dân vào đại học - sự hiếu học lạc hậu ảnh 1Đổi mới giáo dục phải gắn với thực tế, để người học biết lao động, làm việc


Hậu quả xấu nếu toàn dân vào đại học

Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ 2015 được coi là đề tài nóng, được xã hội quan tâm cho thấy tầm quan trọng của việc thi cử để vào được đại học đối với người dân. Hàng năm, có tới hơn 1 triệu thí sinh dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ và cuộc chạy đua kéo dài 2, 3 tháng để vào được đại học, được coi là cánh cổng quyết định tương lai của các thí sinh.

Xu hướng này vốn được đánh giá theo hướng tích cực, chứng tỏ sự hiếu học của người dân. Tuy nhiên, góp ý cho Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, PGS Văn Như Cương lại đánh giá: “Chúng ta đang sống trong xã hội hiếu học lạc hậu, bởi ai cũng muốn vào đại học, dù sinh viên ra trường không có việc làm khá nhiều. Tệ hại là bậc trung cấp nghề thiếu người học, dù học ra có thể xin được việc ngay”.

PGS Văn Như Cương phân tích, mục đích của giáo dục hiện nay chủ yếu là học sinh xong tiểu học để lên THCS, tiếp theo là THPT rồi vào đại học: “Đây là nền giáo dục ứng thí, phục vụ toàn dân lên lớp, toàn dân vào đại học. Điều này sẽ gây hậu quả về vấn đề nguồn lực lao động. Sau khi ra nhập cộng đồng chung ASEAN, thị trường lao động có thể di chuyển, nếu chúng ta cứ như hiện tại thì sẽ thất bại, vì những người thợ bậc cao ở các nước sẽ vào nước ta. Như thế chúng ta sẽ thua ngay về vấn đề nhân lực, và chúng ta chỉ đi làm thuê ở những ngành nghề đơn giản nhất”. 

Vấn đề này đã được các chuyên gia giáo dục phân tích lỗi do việc phân luồng trong giáo dục chưa được chú trọng. TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, xu hướng chung của thế giới là chương trình THPT phân luồng thành: trung học nghề và THPT. Nhưng dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD-ĐT chỉ đề cập tới định hướng nghề nghiệp sau THPT, trong khi các trình độ sơ và trung học ở bậc giáo dục nghề nghiệp, theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, không phải là một luồng khác sau THCS. Do vậy, vấn đề phân luồng học sinh sau THCS như Nghị quyết 29 vẫn đang bị bỏ ngỏ. 

Chương trình giáo dục tổng thể chưa gỡ được nút thắt

Sau 2 tháng lấy ý kiến đóng góp dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Bộ GD-ĐT vừa đưa ra báo cáo tổng hợp và tiếp thu, giải trình các ý kiến của các tổ chức, cá nhân. Nhiều nhà khoa học và giáo dục lo ngại, không biết những ý kiến phản biện của mình có được tiếp thu, lắng nghe. Đặc biệt, theo như ông Võ Thế Quân - Hiệu trưởng trường phổ thông Đông Đô, việc tập trung vào dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể như hiện nay của Bộ GD-ĐT đang đi ngược từ ngọn đến gốc, bởi đến nay Bộ GD-ĐT cũng chưa hoàn thành đề án hệ thống giáo dục quốc dân để trình Chính phủ phê duyệt.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị triển khai nhiệm năm học mới bậc đại học ngày 22-10 đã chính thức yêu cầu Bộ GD-ĐT cần sớm công khai đề án hệ thống giáo dục quốc dân để lấy ý kiến đóng góp của các hiệp hội ngành nghề giáo dục, các nhà khoa học. 

Đại diện Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, “nút thắt” của giáo dục Việt Nam hiện nay chính là sự phân luồng học sinh không rõ ràng, chưa được thực hiện một cách triệt để nên dẫn đến nhiều rắc rối trong đào tạo, gây ra những nỗi khổ cho nhân dân khi phải chạy đua với chuyện thi cử… PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam đề xuất, việc Bộ GD-ĐT cần phải làm ngay là đổi tên các trường trung cấp nghề thành trung học nghề, điều chỉnh lại mục tiêu và chương trình đào tạo.

Sau khi học xong THCS, phân luồng 30% học trung học nghề để sau khi tốt nghiệp vừa có trình độ học vấn, vừa có nghề thành thạo. Đối với các trường trung cấp chuyên nghiệp, chuyển đổi theo 2 hướng cao đẳng thực hành hoặc trung học nghề. Hợp nhất một phần trường THPT với các cơ sở dạy nghề ở địa phương để chuyển thành các trường trung học nghề.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia đề nghị Bộ GD-ĐT cần công bố danh tính “kiến trúc sư” của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, cũng như của từng môn học cụ thể để toàn xã hội biết. Không nên chỉ gắn Chương trình với một tập thể hoặc với người đầu ngành. Cùng với đó, các chuyên gia giáo dục cũng đề xuất xây dựng cơ chế phản biện về các chính sách giáo dục. Đề xuất này xuất phát từ việc trong thời gian qua ngành giáo dục nói là “tiếp thu” và “lắng nghe” nhưng các ý kiến đóng góp của chuyên gia, hiệp hội vẫn chưa đi đến đâu.