Toàn cảnh chiến dịch giải cứu 4 con tin Israel ở trung tâm Gaza

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ba ngày sau khi Israel mở chiến dịch giải cứu 4 con tin đang bị lực lượng Hamas bắt giữ ở trại tị nạn Nuseirat, trung tâm Gaza, khiến hơn 270 người Palestine thiệt mạng, chi tiết về một trong những sự kiện kịch tính và chết chóc nhất kể từ khi xung đột Israel-Hamas mới dần hé lộ.

Đây là chiến dịch giải cứu con tin được thực hiện vào ban ngày, sau nhiều tuần đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng. Lực lượng tham gia chiến dịch đã bắt được các chiến binh đang giữ con tin ở 2 tòa nhà khác nhau trong một khu dân cư đông đúc trong tình trạng mất cảnh giác.

Bốn con tin người Israel vừa được giải cứu sau khi bị giam ở Gaza từ tháng 10-2023

Bốn con tin người Israel vừa được giải cứu sau khi bị giam ở Gaza từ tháng 10-2023

Nhanh gọn, kể cả phải… hủy diệt

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, các đơn vị của họ được lệnh khởi động chiến dịch vào lúc 11h ngày 8-6 và đến 11h25, họ đột kích đồng thời vào cả 2 tòa nhà nơi phiến quân đang giam giữ các con tin. Bốn con tin này gồm cô Noa Argamani và 3 con tin nam Almog Meir Jan, Andrey Kozlov và Shlomi Ziv, đều bị bắt khi lực lượng Hamas mở chiến dịch tấn công xuyên biên giới vào lễ hội âm nhạc Nova hôm 7-10-2023.

Theo đó, các binh sĩ Israel đã tiếp cận được căn hộ nơi lính canh đang giữ Argamani mà không bị phát hiện. “Tại tòa nhà giữ Noa Argamani, chúng tôi đã khiến họ hoàn toàn bất ngờ”, Đô đốc Daniel Hagari, phát ngôn viên của IDF, cho biết. Nhưng ngay sau đó, hai bên bắt đầu đọ súng. Một đợt pháo kích dữ dội nổ ra, với tên lửa và rocket trút xuống khu trại đông đúc, nơi sinh sống của hàng nghìn gia đình phải di dời.

Một đoạn video dài 45 giây được quay bằng camera gắn trên mũ bảo hiểm do cảnh sát Israel và Cơ quan An ninh Israel công bố ngày 10-6 cho thấy khoảnh khắc các con tin được giải cứu. Tiếng súng dữ dội có thể được nghe thấy xuyên suốt video, ngày càng dữ dội hơn sau khi các con tin rời khỏi tòa nhà. Vào thời điểm các con tin, được gọi bằng mật danh “kim cương”, được đưa đến bờ biển Địa Trung Hải và sơ tán thành công trên hai trực thăng, chiến dịch đã để lại dấu vết hủy diệt chết chóc.

Số liệu mới nhất từ chính quyền Gaza cho biết, 274 người Palestine đã thiệt mạng và 698 người bị thương, đánh dấu một trong những ngày chết chóc nhất trong nhiều tháng đối với người dân sống ở Gaza. IDF đã bác bỏ những con số đó, nói rằng họ ước tính số thương vong trong chiến dịch này là “dưới 100”.

Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết, hai đội từ đơn vị đặc nhiệm chống khủng bố của cảnh sát Israel đã được cử đến 2 tòa nhà chung cư trong trại để giải cứu các con tin cùng lúc vì lo ngại rằng nếu Hamas nhận ra có chiến dịch giải cứu trong một tòa nhà, họ có thể giết con tin ở bên kia. Theo IDF, khi cô Argamani được giải cứu, tại căn hộ khác cách đó 200m, nơi 3 con tin nam đang bị giam giữ, một cuộc đấu súng đã nổ ra. Arnon Zamora, chỉ huy đội đặc nhiệm chống khủng bố ở Yamam (Đơn vị chống khủng bố của Cảnh sát Quốc gia), đã bị thương trong cuộc đấu súng đó.

“Cảm giác như ngày tận thế”

Theo các nhân chứng, lực lượng Israel còn sử dụng cả phương tiện phi quân sự cũng như cải trang, ăn mặc như chiến binh Hamas hoặc dân thường. “Họ mặc quân phục giống như quân kháng chiến, đội mũ bảo hiểm và đeo biểu tượng của lực lượng Hamas, khiến mọi người tưởng họ là chiến binh kháng chiến. Nhưng thực tế, họ là đơn vị đặc nhiệm của Israel”, ông Khalil Al Tirawi, một người dân địa phương tiết lộ.

Abdullah Jouda, người đang tạm lánh tại trại Nuseirat kể rằng, anh nghe thấy tiếng động trên đường phố vào khoảng 11h30 và ra xem chuyện gì đang xảy ra. Khi mở cửa, anh nhìn thấy một số người mặc đồ đen và đeo biểu tượng của Lữ đoàn Al Qassam của cánh quân Hamas bước ra từ một chiếc xe Mercedes. “Tôi thấy ngay khi họ rời khỏi xe. Họ đã dùng thang trèo lên ban công… Tôi chỉ nhìn thấy họ trong khoảng 2 giây vì nếu nhìn họ lâu hơn, có thể tôi đã bị giết. Lát sau, tiếng súng dữ dội vang lên… Máy bay chiến đấu, máy bay không người lái, lựu đạn cùng lúc nổ vang rền. Thật đáng sợ, chúng tôi cảm thấy như thể đó là ngày tận thế”, anh Abdullah Jouda kể.

Ông Al Tirawi nói: “Tiếng súng đạn phát ra từ nhiều nguồn, nhưng chúng tôi không thể chứng kiến mọi thứ vì bất kỳ ai cố gắng quan sát đều có nguy cơ bị giết. Thật ngoài sức tưởng tượng, nào là súng hạng nặng, tên lửa pháo binh…”. Anh Nidal Abdo, một người dân địa phương khác, đang mua hàng tạp hóa tại chợ ở Nuseirat thì gặp pháo kích dồn dập. “Có lẽ 150 quả tên lửa đã rơi trong vòng chưa đầy 10 phút. Trong khi chúng tôi tìm chỗ trốn, nhiều quả tên lửa khác đã rơi xuống chợ. Họ đã quét sạch Nuseirat, giờ trở thành địa ngục trần gian”, người đàn ông kể và cho biết thêm ông chưa bao giờ chứng kiến điều gì tương tự ở Gaza trước đây.

IDF cho biết, lực lượng của họ đã phải hứng chịu hỏa lực dữ dội từ đối phương, bao gồm cả súng phóng lựu và họ đáp trả bằng các cuộc tấn công để hỗ trợ đội quân đang trực tiếp tham gia chiến dịch giải cứu. “Họ đã bắn súng phóng lựu vào lực lượng của chúng tôi… Có quá nhiều hỏa lực nhắm tới. Chúng tôi cần phải bắn từ trên không và từ đường phố”, Đô đốc Daniel Hagari thừa nhận.

Trong một video được nhà báo địa phương Fadi Thabet chia sẻ với CNN, có thể thấy hai tên lửa không đối đất do Mỹ sản xuất đang bay theo các hướng khác nhau vào lúc 11h28 ngày 8-6. Một tên lửa bay thẳng vào phía đối diện tòa nhà nơi chiếc xe tải Mercedes màu trắng đang đậu bên ngoài, trong khi tên lửa còn lại đâm trúng một tòa nhà khác gần đó. Đoạn clip ghi lại hậu quả của cuộc tấn công cho thấy, cả chiếc xe tải và tòa nhà đều bị phá hủy. Hai chuyên gia về vũ khí nổ, Trevor Ball, cựu kỹ thuật viên xử lý bom mìn của quân đội Mỹ và Richard Weir, nhà nghiên cứu xung đột và khủng hoảng cấp cao tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, đã xác nhận các loại đạn này.

Trại tị nạn Nuseirat, trung tâm Gaza, nơi giam giữ các con tin Israel đã bị bắn phá tan hoang sau cuộc giải cứu hôm 8-6-2024

Trại tị nạn Nuseirat, trung tâm Gaza, nơi giam giữ các con tin Israel đã bị bắn phá tan hoang sau cuộc giải cứu hôm 8-6-2024

“Những viên kim cương cất cánh”

Sau chiến dịch, một chiếc xe tải giống phương tiện thường được sử dụng để chở hàng viện trợ ở Gaza rời khỏi trại tị nạn, di chuyển trên con đường có xe tăng và xe bọc thép của Israel đi cùng. Các phương tiện hướng tới khu vực gần bến tàu nổi của quân đội Mỹ trên bờ biển Địa Trung Hải. Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết thêm, quân đội Israel không sử dụng bến tàu của Mỹ. “Họ hạ cánh gần bến tàu nhưng không lên đó”, quan chức này cho biết.

IDF hôm 9-6 đã công bố một đoạn video ghi lại khoảnh khắc các tướng lĩnh quân đội lần đầu tiên nghe tin các con tin đã được giải cứu thành công. Trong đó, có thể nghe thấy Thiếu tướng Yaron Finkelman, Tư lệnh Bộ chỉ huy phía Nam nói: “Ba viên kim cương vừa cất cánh để về nước”. Hai chiếc trực thăng đã được sử dụng để sơ tán con tin. Chiếc trực thăng đầu tiên đã sơ tán cô Argamani và chiếc thứ hai chở 3 con tin cùng với viên chỉ huy Arnon Zamora bị thương. Đáng tiếc là ông Arnon Zamora sau đó đã qua đời trong bệnh viện.

Quân đội Israel cho biết, họ có được thông tin tình báo về vị trí của các con tin qua nhiều con đường khác nhau, bao gồm cả từ Mỹ. Được biết, một nhóm chuyên gia Mỹ đã có mặt ở Israel kể từ ngày 7-10-2023 để thu thập thông tin về các con tin. Văn phòng của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, Thủ tướng đã phê duyệt chiến dịch giải cứu hôm 6-6 và có mặt tại phòng chỉ huy trong suốt chiến dịch.

Theo Đô đốc Hagari, công tác chuẩn bị cho cuộc đột kích đã bắt đầu từ vài tuần trước và hàng trăm thành viên gồm quân đội, cơ quan tình báo nội địa và đơn vị cảnh sát đặc biệt của Israel đã tham gia. Người phát ngôn của IDF cho biết thêm rằng, họ chọn thực hiện cuộc đột kích vào ban ngày để tạo yếu tố bất ngờ. Trong quá trình chuẩn bị, họ đã xây dựng mô hình căn hộ nơi các con tin bị giam giữ sau khi nhận được thông tin tình báo về vị trí của họ.

Cũng trong cuộc họp báo hôm 8-6, ông Hagari nói rằng, họ đã 3 - 4 lần phải hủy cuộc đột kích vào phút chót do điều kiện không thuận lợi. Tuy nhiên, hầu hết các con tin khác không bị giam giữ trong những điều kiện cho phép thực hiện các chiến dịch tương tự vì họ thường xuyên bị chuyển đổi vị trí quanh Gaza.

Sau khi sơ tán, các con tin được đưa đến Trung tâm Y tế Sheba ở Ramat Gan, gần Tel Aviv. Cô Argamani sau đó được chuyển đến Bệnh viện Ichilov ở Tel Aviv để được điều trị cùng với mẹ cô, người mắc bệnh ung thư não giai đoạn cuối.