Tòa tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh tù chung thân

ANTD.VN - Sau gần 15 ngày mở tòa sơ thẩm, sáng 22-1, phiên xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và đồng phạm đã khép lại với các mức án dành cho 22 bị cáo.  

Các bị cáo bị áp dụng án phạt nghiêm minh

Các bị cáo nghe tòa tuyên án

Theo đó, bị cáo Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) bị tuyên phạt 13 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 165-BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.

Cũng với tội danh quy định tại Điều 165-BLHS, bị cáo Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) bị tuyên phạt 14 năm tù. Với tội “Tham ô tài sản”, theo Điều 278-BLHS, Trịnh Xuân Thanh bị tuyên phạt  tù chung thân. Tổng hợp hình phạt cả 2 tội danh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC phải chấp hành chung là tù chung thân.

Tòa tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh tù chung thân ảnh 2

Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Ngọc Huân công bố bản án

Các bị cáo còn lại (20 bị cáo) và phần lớn từng là lãnh đạo, cán bộ của PVN, PVC lần lượt bị tuyên phạt từ 17 tháng tù đến 16 năm tù, về các tội danh tương ứng là “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”.

Riêng bị cáo Vũ Đức Thuận – nguyên Tổng giám đốc PVC bị tuyên phạt 7 năm tù về tội danh, theo Điều 165 và 15 năm tù về tội danh quy định tại Điều 278-BLHS. Tổng hợp hình phạt cả 2 tội danh, nguyên lãnh đạo PVC phải chấp hành chung là 22 năm tù.     

Cách tính thiệt hại có lợi cho các bị cáo

Trước khi lần lượt áp dụng các mức hình phạt cụ thể đối với 22 bị cáo trong vụ án, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội nhìn nhận, tại phiên tòa, các bị cáo và luật sư cho rằng, giám định thiệt hại của vụ án là không đúng, không khách quan, không đầy đủ, dẫn đến việc quy kết các hành vi phạm tội của các bị cáo không chính xác.

Bị cáo Đinh La Thăng trong phiên tòa sáng nay 22-1

Tuy nhiên, HĐXX thấy rằng sau khi vụ án xảy ra, cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã có văn bản trưng cầu giám định thiệt hại đối với hành vi cố ý làm trái của các bị cáo. Hội đồng giám định đã tuân thủ triệt để các quy định của Luật giám định, theo đúng thành phần chuyên môn, thực hiện đúng quy trình, trật tự, thời gian, nội dung yêu cầu giám định. Trên cơ sở đó đã xác định thiệt hại do hành vi cố ý làm trái của các bị cáo là 119 tỷ đồng.

Ngoài ra, hậu quả của việc chỉ định thầu và tạm ứng tiền trái phép  phải được tính toán tổng hợp trên nhiều khía cạnh khác như: một là hàng loạt cán bộ, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực dầu khí, xây dựng, tài chính của PVN... được đào tạo bài bản, có quá trình cống hiến đã vi phạm pháp luật, sa vào vòng lao lý.

Hai là do không có năng lực thi công Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (Dự án Thái Bình 2) đã chậm 18 tháng so với tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc chậm tiến độ đã làm đội vốn công trình hàng nghìn tỷ đồng lãi phát sinh với khoản vay trong và ngoài nước mà hiện nay Nhà nước đang phải chi trả.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm nghe tòa tuyên án

Ba là máy móc thiết bị đắp chiếu đã hết thời hạn bảo hành trong khi nhà máy chưa vận hành… Những tổn thất này chưa thể thống kê trong giai đoạn điều tra và sẽ tiếp tục xác minh. HĐXX cho rằng, cách tính thiệt hại như giám định là cách tính rất có lợi cho bị cáo.

Hành vi của bị cáo Đinh La Thăng thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu về tội "Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" chứ không phải tội danh khác như bị cáo và các luật sư bào chữa đưa ra.

Pháp luật cần công minh, bình đẳng

HĐXX ghi nhận quá trình cống hiến của bị cáo Đinh La Thăng như tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Điều 51 - Bộ luật Hình sự nhưng pháp luật cần được tôn trọng, công minh, bình đẳng, không loại trừ bất kỳ ai.

Một bản án có tình, có lý, tính đến cả công cả tội nhưng nghiêm khắc cũng là sự cảnh báo cần thiết cho sự lạm dụng quyền lực và tuỳ tiện vi phạm pháp luật, gây hậu quả, thiệt hại đối với  lợi ích Nhà nước và nhân dân.

Đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, tại tòa bị cáo thừa nhận, PVC không đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm, nhưng vẫn chỉ đạo ký hợp đồng, sau đó dùng tiền tạm ứng sai mục đích. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho rằng, bản thân không có vai trò quyết định trong việc chi tiền sai mục đích.

HĐXX thấy rằng bị cáo Trịnh Xuân Thanh thừa nhận việc ký kết hợp đồng 33 dù hồ sơ chuẩn bị không đầy đủ. Điều này phù hợp với lời khai của các bị cáo khác. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh cũng chính là người đã ký vào phiếu lấy ý kiến về việc phê duyệt nội dung thực hiện gói thầu Thái Bình 2. Quyết định ký kết hợp đồng là thuộc HĐQT.

Ý kiến luật sư cho rằng bị cáo có vai trò mờ nhạt, chỉ thiếu trách nhiệm là không có cơ sở. Nếu không có sự chỉ đạo của HĐQT thì không thể có việc dùng tiền tạm ứng sai mục đích.

Do đó, HĐXX thấy rằng có đủ cơ sở khẳng định Trịnh Xuân Thanh biết PVC không đủ năng lực, chưa đủ điều kiện ký kết hợp đồng nhưng vẫn chỉ đạo việc ký hợp đồng sai mục đích.

Hành vi của bị cáo đã thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu tội “Cố ý làm trái…”. Điều đó có nghĩa luận cứ của các luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh là không có căn cứ. Việc kết tội bị cáo là có căn cứ và đúng pháp luật.

Các mức án cụ thể:

Nhóm bị cáo phạm tội "Cố ý làm trái quy định Nhà nước":

1. Bị cáo Đinh La Thăng (SN 1960) - nguyên Chủ tịch HĐTV PVN bị xử phạt 13 năm tù và phải bồi thường 30 tỉ đồng.

2. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh (SN 1966) - nguyên Chủ tịch HĐQT PVC bị xử phạt 14 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và tù chung thân về tội "Tham ô tài sản". Tổng hợp hình phạt cả 2 tội danh là tù chung thân, phải bồi thường 34 tỉ đồng và bị phạt bổ sung 50 triệu đồng.   

3. Bị cáo Phùng Đình Thực (SN 1954) - nguyên Tổng giám đốc  PVN bị xử phạt 9 năm tù.

4. Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh (SN 1960) - nguyên Phó tổng giám đốc PVN bị xử phạt 9 năm tù.

5. Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962) - nguyên Phó tổng giám đốc PVN bị xử phạt 9 năm tù.

6. Bị cáo Vũ Đức Thuận (SN 1971) - nguyên Tổng giám đốc PVC bị xử phạt 7 năm tù về tội "Cố ý làm trái" và 15 năm tù về tội "Tham ô tài sản". Tổng hợp hình phạt cả 2 tội danh là 22 năm tù.

7. Bị cáo Ninh Văn Quỳnh (SN 1958) - nguyên Kế toán trưởng, kiêm Trưởng Ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN bị xử phạt 7 năm tù.

8. Bị cáo Lê Đình Mậu (SN 1972) - nguyên Phó Trưởng Ban Kế toán và Kiểm toán PVN bị xử phạt 4 năm 6 tháng tù.

9. Bị cáo Vũ Hồng Chương (SN 1953) - nguyên Trưởng Ban quản lý Dự án điện lực Dầu khí Thái Bình 2 bị xử phạt 3 năm tù (hưởng án treo).

10. Bị cáo Trần Văn Nguyên (SN 1979) - nguyên Kế toán trưởng Ban Quản lý Dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 bị xử phạt 30 tháng tù (hưởng án treo).

11. Bị cáo Nguyễn Ngọc Quý (SN 1953) - nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVC bị xử phạt 6 năm tù.

12. Bị cáo Nguyễn Mạnh Tiến (SN 1966) - nguyên Phó tổng giám đốc PVC bị xử phạt 6 năm tù.

13. Bị cáo Phạm Tiến Đạt (SN 1979) - nguyên Kế toán trưởng PVC bị xử phạt 4 năm 6 tháng tù.

14. Bị cáo Trương Quốc Dũng (SN 1982) - nguyên Phó Tổng giám đốc PVC bị xử phạt 17 tháng tù.

Nhóm bị cáo phạm tội "Tham ô tài sản":

15. Bị cáo Nguyễn Anh Minh (SN 1977) - nguyên Phó Tổng giám đốc PVC bị xử phạt 16 năm tù.

16. Bị cáo Bùi Mạnh Hiển (SN 1976) - nguyên Chánh Văn phòng PVC bị xử phạt 10 năm tù.

17. Bị cáo Lương Văn Hòa (SN 1980) - nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch bị xử phạt 10 năm tù.

18. Bị cáo Nguyễn Thành Quỳnh (SN 1973) - Giám đốc Kỹ thuật Công nghệ, Tổng Công ty CP Miền Trung - Công ty Cổ phần (Đà Nẵng) bị xử phạt 8 năm tù.

19. Bị cáo Lê Thị Anh Hoa (SN 1979) - Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa bị xử phạt 3 năm tù (hưởng án treo).

20. Bị cáo Nguyễn Đức Hưng (SN 1983) - nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, Ban điều hành Vũng Áng - Quảng Trạch bị xử phạt 3 năm tù (hưởng án treo).

21. Bị cáo Lê Xuân Khánh (SN 1976) - nguyên Trưởng phòng kinh tế Kế hoạch, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch bị xử phạt 3 năm tù (hưởng án treo).

22. Bị cáo Nguyễn Lý Hải  (SN 1964) - Nguyên Trưởng phòng kỹ thuật, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch bị xử phạt 3 năm tù (hưởng án treo).

Ngoài bị phạt tù, các bị cáo phạm tội "Tham ô tài sản" còn bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng và các bị cáo từng là lãnh đạo, cán bộ thuộc PVN cũng như các đơn vị thành viên còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ trong các cơ quan, đơn vị kinh tế thuộc Nhà nước từ 3 năm đến 5 năm, sau khi chấp hành xong hình phạt tù hoặc hết thời gian thử thách.