Tòa mà phạm luật, kêu ai?

(ANTĐ) - Đến chốn pháp đình, ngỡ tưởng các quy định của pháp luật luôn là tối cao. Thế nhưng không ít cơ quan xét xử và bản thân những người “cầm cân nảy mực” lại không tôn trọng điều đó khi cố tình thực hiện không đúng với tinh thần của luật. 

Tòa mà phạm luật, kêu ai?

(ANTĐ) - Đến chốn pháp đình, ngỡ tưởng các quy định của pháp luật luôn là tối cao. Thế nhưng không ít cơ quan xét xử và bản thân những người “cầm cân nảy mực” lại không tôn trọng điều đó khi cố tình thực hiện không đúng với tinh thần của luật. 

Lộ rõ “giấy phép con”

Trước khi bước chân vào các phòng xử án tại TAND TP Hà Nội, bất kỳ ai cũng dễ dàng nhận ra tấm bảng nội quy phiên tòa được treo trang trọng ngay tại cửa ra vào. Sẽ chẳng có gì phải bàn nếu tấm “bảng đỏ” đó không mang dòng chữ “muốn quay phim, chụp ảnh phải được phép của chánh văn phòng”. Dựa vào quy định này, nhiều vị thẩm phán đã cố tình “hạch” phóng viên.

Đơn cử ngày 8-6 vừa qua, nhóm phóng viên chuyên theo dõi mảng pháp đình của một số tờ báo đến dự và đưa tin về phiên tòa xét xử vụ án phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lựa lúc nữ thẩm phán đứng lên tuyên đọc bản án, một đồng nghiệp của chúng tôi nhẹ nhàng đứng dậy chụp ảnh bị cáo. Tuy đã “nhẵn mặt” phóng viên nhưng nữ thẩm phán, chủ tọa phiên xử vẫn yêu cầu xuất trình thẻ nhà báo, đồng thời không cho chụp ảnh. Khi phóng viên xuất trình thẻ nhà báo thì vị thẩm phán này lại quay sang bảo phải được sự đồng ý của chánh văn phòng.

Pháp luật sẽ thực sự tôn nghiêm nếu thẩm phán tuân thủ theo đúng tinh thần của luật

Pháp luật sẽ thực sự tôn nghiêm nếu thẩm phán tuân thủ theo đúng tinh thần của luật

Chính sự phản ứng vô lý đó của vị thẩm phán đã khiến nhóm người nhà bị cáo sấn sổ đến trước mặt phóng viên hăm dọa khi phiên tòa kết thúc. Ngay sau phiên xử, chúng tôi định sẽ trao đổi thẳng với vị thẩm phán này về quy định của pháp luật đối với nhà báo tác nghiệp tại phiên tòa nhưng bị từ chối thẳng thừng. Nữ chủ tọa phiên tòa đó chỉ lạnh lùng đưa tay lên chỉ vào tấm bảng nội quy, rồi ôm đống hồ sơ đi thẳng… Trong 2 ngày 19 và 20-5, TAND quận Hoàn Kiếm cũng đã mở phiên tòa xét xử công khai vụ án tai nạn giao thông tại ngã tư Hàng Bài - Lý Thường Kiệt. Đây là vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm. Thế nhưng khi phiên tòa chuẩn bị khai mạc rất nhiều nhà báo đã không được vào tham dự với lý do không có giấy của tòa.

Thực tế có không ít tòa án và thẩm phán cố tình “phớt lờ” các quy định của pháp luật hoặc tự đặt ra những “quy định con”, gây rất nhiều khó khăn và cản trở nhà báo tác nghiệp tại một số phiên xét xử. Chỉ xét ở góc độ cải cách tư pháp và cải cách thủ tục hành chính hiện nay thì điều này cũng thật khó có thể chấp nhận.   

“Căn bệnh” hành chính?

Trở lại quy định ghi trong nội quy tham dự phiên tòa tại TAND TP Hà Nội. Theo đó, để được tham dự một phiên tòa công khai thì phóng viên phải tìm gặp chánh văn phòng tòa án xuất trình thẻ nhà báo, giấy giới thiệu và những giấy tờ liên quan. Sau đó, phóng viên mới được “bút phê” vào giấy giới thiệu hoặc được cấp giấy tham dự phiên tòa. Nếu không thực hiện “công đoạn” này, phóng viên sẽ bị “mời” ra khỏi phòng xử án hoặc sẽ không được tiến hành các hoạt động tác nghiệp.

Quy định của tòa án này là thế nhưng khi soi chiếu vào tinh thần của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành mới thấy rất khác. Cụ thể tại phiên tòa, thẩm phán chủ tọa là người điều khiển toàn bộ phiên xét xử và chỉ tuân theo pháp luật. Đối với phiên tòa công khai, mọi người đều có quyền quay phim, chụp ảnh, ghi âm nhưng phải được phép của chủ tọa phiên tòa và không gây mất trật tự trong phiên xử.

Riêng với “cánh phóng viên” thì phải xuất trình thẻ nhà báo, giấy giới thiệu và cũng phải xin phép chủ tọa. Tuy nhiên, việc xin phép ở đây thuần túy chỉ mang ý nghĩa thông báo... Từ đó có thể thấy, chánh văn phòng, thậm chí ngay cả chánh án cũng không phải là người có quyền cho phép hay không cho phép phóng viên hoạt động, tác nghiệp tại phiên xét xử.

Quy định của Luật Báo chí (sửa đổi, bổ sung năm 1999) đã nêu rõ, nhà báo có quyền hoạt động báo chí trên lãnh thổ Việt Nam; hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của Chính phủ; khai thác và được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; hưởng một số chế độ ưu tiên cần thiết trong hoạt động báo chí theo quy định của Chính phủ; được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp.

Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nghề nghiệp đúng pháp luật… Nhận xét về những “hạt sạn” tại một số cơ quan xét xử hiện nay, một lãnh đạo của Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, không phải các cơ quan và những người có trách nhiệm ở đó không nhận thức được việc làm của mình. Cái chính là “căn bệnh” hành chính đã ăn sâu, bám rễ vào tư tưởng của họ. Một khi cơ quan xét xử không tự mình “trút bỏ” cái tư tưởng ấy thì chẳng biết đến khi nào sự tối thượng của pháp luật mới được bảo đảm!?

Minh Long