Tòa án Trọng tài thường trực ra phán quyết về vụ kiện ở Biển Đông: Trung Quốc phản ứng thế nào nếu thua kiện?

ANTĐ - Trước ngày Tòa án Trọng tài quốc tế (PCA) ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông (12-7), hầu hết các chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh có thể sẽ phải chịu kết quả tiêu cực. Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm là Trung Quốc sẽ có phản ứng như thế nào? Dưới đây là phân tích của Harry J. Kazianis, chuyên gia cao cấp về chính sách quốc phòng và biên tập viên cao cấp của tạp chí The National Interest của Mỹ.

Tàu hút cát Trung Quốc hoạt động trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông

Trung Quốc chấp nhận phán quyết

Ở kịch bản này, Bắc Kinh lên tiếng bày tỏ tức giận đối với phán quyết nhưng chỉ đơn giản nhấn mạnh đó là “chuyện đã rồi”. Trung Quốc vẫn tiếp tục xây đảo nhân tạo trên Biển Đông, biến chúng thành những căn cứ quân sự nhỏ trang bị vũ khí chống hạm, xung quanh là một lượng lớn máy bay chiến đấu và máy bay ném bom thế hệ mới, biến Biển Đông thành vùng chống tiếp cận. 

Tuy nhiên, khả năng này rất khó xảy ra. Thực tế, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và quan chức nước này đang phải chịu áp lực lớn buộc phải đưa ra phản ứng một cách mạnh mẽ và công khai nhằm phô trương sức mạnh ở cái gọi là “vùng ảnh hưởng” của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này dẫn đến 2 khả năng tiếp theo có thể kích động thách thức nguy hiểm.

Tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ)

Đây là khả năng cao nhất bởi chuyên gia Harry J. Kazianis cho rằng, Bắc Kinh đã truyền tín hiệu về động thái này trong nhiều tháng nay. Trong những thông cáo bằng văn bản hay những lời bình luận công khai, hầu hết các quan chức Trung Quốc đều nói rằng hiện chưa có kế hoạch lập ADIZ ở thời điểm này, nhưng tùy vào môi trường có tính đe dọa ở Biển Đông trong tương lai sẽ đưa ra quyết định. Theo ông Harry J. Kazianis, phán quyết chống lại Bắc Kinh có thể là cơ sở để giới lãnh đạo Trung Quốc thay đổi ý định.

Chủ tịch Trung Quốc và các lãnh đạo cấp cao nước này sẽ biện minh rằng phán quyết của tòa án quốc tế khiến họ cảm thấy bị đe dọa và Bắc Kinh buộc phải lập ADIZ do nhận thức sai lầm của những nước khác và sức ép quốc tế. Nếu xem xét đến việc Trung Quốc đã lắp đặt hệ thống phòng không và cho phép máy bay chiến đấu hoạt động tại các đảo nhân tạo ở Biển Đông, có vẻ như Trung Quốc đã sẵn sàng cho khả năng này. Một tuyên bố như vậy đủ làm gia tăng căng thẳng đáng kể trong khu vực. 

Được đà theo đuổi lợi ích riêng

Nếu biện pháp triển khai ADIZ là không đủ đối với Bắc Kinh, có thể họ sẽ thể hiện sức mạnh của mình ở tất cả các điểm nóng ở châu Á, về cơ bản là  bất tuân thủ mọi thông lệ mà theo đuổi lợi ích riêng. Ví dụ: Bắc Kinh có thể tăng lượng tuần tra trên biển và trên không ở biển Hoa Đông, khiêu khích sự tức giận của Nhật Bản. Khi đã ở đó Trung Quốc có thể sẽ tiến hành khoan dầu và khí tự nhiên ở khu vực này. Đây vốn là mối lo ngại của Tokyo ngay từ lúc khởi đầu cuộc tranh chấp.

Ngoài ra, Trung Quốc có thể gây áp lực với Đài Loan khi cắt giảm đáng kể lượng khách du lịch hay hạn chế thương mại và đầu tư với hòn đảo này nhằm hướng dư luận đến căng thẳng tại eo biển Đài Loan.

Tuy nhiên, điều nguy hiểm nhất là Bắc Kinh sẽ cải tạo bãi cạn Scarborough. Mặc dù Washington đã báo hiệu rằng sẽ có hành động khi điều máy bay chiến đấu tới khu vực này nhưng chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu tàu hút bùn Trung Quốc xuất hiện tại khu vực ngoài khơi cách bờ biển Philippines hơn 150 dặm và thực hiện công việc biến Scarborough thành căn cứ quân sự của nước này trên Biển Đông.

Châu Á sẽ có vài ngày bận rộn trước và sau ngày 12-7, thời điểm Tòa án Trọng tài thường trực ra phán quyết về vụ kiện ở Biển Đông. Có một số kịch bản quanh việc Bắc Kinh phản ứng với phán quyết của PCA và điều gì xảy ra tiếp theo có thể tạo nên một tình hình căng thẳng mới trong khu vực.