Tòa án Hiến pháp Nga công nhận tính hợp Hiến của "Hiệp ước Thống nhất"

ANTĐ - Ngày 19-3, Tòa án Hiến pháp Nga đã ra phán quyết cho rằng "Hiệp ước Thống nhất", sáp nhập nước Cộng hòa tự trị Crimea, với tư cách là một chủ thể thuộc Liên bang Nga, phù hợp với Hiến pháp của nước này.  

Tòa án Hiến pháp Nga, có trụ sở tại thành phố St. Petersburg, đã tổ chức một phiên họp khẩn cấp sau khi Tổng thống Vladimir Putin chính thức yêu cầu đánh giá tính hợp hiến của thỏa thuận lịch sử đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký với các nhà lãnh đạo Crimea một ngày trước đó.

Theo Chánh án Toà án Hiến pháp Nga Valery Zorkin, tất cả 19 thẩm phán thuộc Tòa án Hiến pháp Nga đã nhất trí thông qua phán quyết trên. Phát biểu với báo giới sau phiên họp, ông Zorkin khẳng định rằng: “Tòa án Hiến pháp công nhận hiệp ước này tuân thủ đúng Hiến pháp của Nga.”

Động thái này đã mở đường cho Tổng thống Putin chuyển ngay hiệp ước trên cùng với dự thảo sửa đổi Hiến pháp lên Quốc hội để thông qua. Ngoài ra, Tổng thống Nga cũng đã chuyển cho Đuma quốc gia (Hạ viện) dự luật về thành lập hai chủ thể liên bang mới.

Tổng thống Putin đã giao nhiệm vụ cho Bộ Lao động và Bảo vệ xã hội nước này trong thời gian ngắn nhất tăng lương hưu lên khoảng gấp đôi cho người dân Crimea bằng mức áp dụng ở Nga, vì ông cho rằng tất cả người Nga cần phải được hưởng những điều kiện như nhau.

Các nhà lãnh đạo Nga và Crimea chúc mừng nhau sau lễ ký kết "Hiệp ước Thống nhất"

Cùng ngày, Hội đồng an ninh và quốc phòng Ukraine (NSDC) đã mở phiên thảo luận, tập trung vào các vấn đề mà Ukraine gọi là "mối đe dọa đối với an ninh quốc gia" Ukraine và các biện pháp vô hiệu hóa những mối đe dọa chính trị trong và ngoài nước”, sau khi Nga ký hiệp ước sáp nhập Crimea.

Trước đó, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk đã lệnh cho Phó Thủ tướng thứ nhất Vitalyi Yarema và quyền Bộ trưởng Quốc phòng Igor Tenyuk bay đến Crimea để "giải quyết tình hình" sau  khi nhận được thông tin có binh sỹ nước này thiệt mạng.

Một số nguồn tin đã đưa, các vụ nổ súng đã diễn ra trên bán đảo Crimea làm một lính tự vệ Crimea và một binh sỹ Ukraine thiệt mạng, một người bị thương. Tuy nhiên, hai quan chức được Kiev cử đến đến nắm tình hình đã không được phép vào khu vực hiện do lực lượng tự vệ Crimea kiểm soát.

Tình hình bán đảo Crimea trở nên căng thẳng hơn, sau khi chính quyền địa phương ký hiệp ước với Nga về việc sáp nhập bán đảo này vào lãnh thổ Nga. Đồng thời tuyên bố quốc hữu hóa tất cả tài sản của Ukraine hiện diện trên lãnh thổ Crimea.

Phía Kiev đã phản đối hành động này và tuyên bố không chấp nhận sự chia tách của bán đảo Crimea. Ukraine tuyên bố vẫn duy trì các căn cứ quân sự của nước này trên bán đảo Crimea, với tổng quân số vào khoảng 22.000 người.