Tổ công tác đặc biệt đã kiến nghị Thủ tướng hơn 300 nhiệm vụ cần chỉ đạo các bộ, ngành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong 5 năm qua, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã tiến hành 104 cuộc kiểm tra tại các bộ ngành, địa phương; đồng thời báo cáo kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng hơn 300 nhiệm vụ cụ thể…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng báo cáo tại hội nghị sáng 16-3

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng báo cáo tại hội nghị sáng 16-3

Sáng nay, 16-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo tóm tắt một số nét về kết quả 5 năm của Tổ công tác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, ngày 19/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1642/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Tổ công tác).

Đây là sáng kiến của Thủ tướng, là một mô hình thiết chế thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng, lần đầu tiên được thành lập.

Trong 5 năm qua, mỗi tháng Tổ công tác tổ chức từ 2-3 buổi làm việc với các bộ, cơ quan, địa phương. Đến nay đã tiến hành 104 cuộc kiểm tra với hàng trăm lượt làm việc với 80 bộ, cơ quan, địa phương; tổ chức 16 buổi làm việc với các Hiệp hội để lắng nghe phản hồi chính sách, những khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Tổng cộng đã có hơn 300 nhiệm vụ cụ thể được Tổ công tác báo cáo kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để giao các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện.

Đặc biệt, nhiều vấn đề được dư luận quan tâm, bức xúc, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp chậm được xử lý, giải quyết đã được Tổ công tác phát hiện, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đôn đốc giải quyết kịp thời (như xử lý hơn 24.000 container phế liệu nhập khẩu tồn đọng; hay việc một mặt hàng có 2- 3 bộ hay đơn vị thuộc bộ quản lý, cá biệt nhất là sản xuất sô-cô-la cần 13 giấy phép chuyên ngành...).

Ngoài ra, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử được thúc đẩy mạnh mẽ. Việc đưa vào vận hành 4 hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp; giúp cắt giảm 16.200 tỷ đồng/năm chi phí xã hội...