Tổ chức tín dụng mất khả năng chi trả phải có tài sản bảo đảm khi muốn vay đặc biệt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo Dự thảo Thông tư mới của NHNN, thời gian vay đặc biệt của tổ chức tín dụng mất khả năng chi trả sẽ chỉ còn dưới 12 tháng thay vì 24 tháng, phải có tài sản đảm bảo.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang dự thảo Thông tư quy định về cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và tổ chức tín dụng (TCTC) khác đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Theo đó, việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất ưu đãi đến mức 0% sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Đồng tiền cho vay đặc biệt là đồng Việt Nam. Nguồn tiền cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước là từ thực hiện chức năng của ngân hàng trung ương về phát hành tiền.

Nguồn tiền cho vay đặc biệt của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là từ Quỹ dự phòng nghiệp vụ. Nguồn tiền cho vay đặc biệt của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam là từ Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.

Riêng với khoản cho vay đặc biệt hỗ trợ thanh khoản với TCTD (bao gồm cả Quỹ tín dụng nhân dân) có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trong thời gian TCTD được kiểm soát đặc biệt, bao gồm cả trường hợp TCTD đang thực hiện phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt, dự thảo Thông tư quy định thời gian cho vay tối đa dưới 12 tháng. Như vậy, thời hạn cho vay đã giảm 1 nửa so với quy định hiện hành là tối đa 2 năm.

Các quy định về cho vay đặc biệt với các TCTD được kiểm soát đặc biệt sẽ siết chặt hơn

Các quy định về cho vay đặc biệt với các TCTD được kiểm soát đặc biệt sẽ siết chặt hơn

Với các TCTD có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trong thời gian TCTD được kiểm soát đặc biệt nói trên, Thông tư cũng bổ sung quy định bên đi vay phải sử dụng tài sản bảo đảm theo thứ tự ưu tiên.

Thứ nhất, tài sản đảm bảo là giấy tờ có giá bao gồm: tín phiếu Ngân hàng Nhà nước; trái phiếu Chính phủ (gồm: tín phiếu Kho bạc, trái phiếu Kho bạc, trái phiếu công trình Trung ương, công trái xây dựng Tổ quốc); trái phiếu Chính phủ do Ngân hàng Phát triển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ chỉ định phát hành; trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh (gồm: trái phiếu do Ngân hàng Phát triển Việt Nam phát hành được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn, trái phiếu do Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn, trái phiếu do Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam phát hành được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn); trái phiếu Chính quyền địa phương do UBND TP Hà Nội, UBND TP.HCM, UBND TP Đà Nẵng phát hành;

Thứ hai, trái phiếu được phát hành bởi ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (trừ các ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc), ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (sau đây gọi là ngân hàng thương mại nhà nước);

Thứ ba, cầm cố trái phiếu được phát hành bởi TCTD (trừ các ngân hàng thương mại nhà nước nêu trên) và doanh nghiệp khác;

Thứ tư, quyền đòi nợ phát sinh từ khoản cho vay của bên đi vay đối với cá nhân, tổ chức (trừ tổ chức tín dụng).

Để thuận lợi cho việc nhận tài sản bảo đảm (cầm cố giấy tờ có giá) và giải ngân tiền cho vay đặc biệt, dự thảo Thông tư quy định Sở Giao dịch NHNN là đơn vị giải ngân thay cho NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố.