Tổ chức ASIAD 2019: Cần sớm có câu trả lời

ANTĐ - Những lo ngại về việc bội chi gấp nhiều lần con số dự trù 150 triệu USD của Bộ VH-TT&DL khiến dư luận băn khoăn đặt câu hỏi: Có nên bỏ cuộc hay tiếp tục tổ chức ASIAD 18 năm 2019?

Trước tiên cần phải thừa nhận, chúng ta đã được quốc tế đánh giá cao khi bỏ nhiều công sức để giành quyền đăng cai đại hội và nếu tổ chức thành công, lợi ích to lớn, rộng khắp mà nó mang lại là không thể phủ nhận. Ngược lại, nếu chọn cách bỏ cuộc sau khi hăng hái xin đăng cai, không chỉ ngành thể thao mất đi cơ hội lịch sử (phải mất rất nhiều năm nữa mới có thể được tín nhiệm trao quyền tổ chức), mà hình ảnh, vị thế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng không nhỏ trong mắt bạn bè quốc tế. Khi đó cái bị mất lớn hơn rất nhiều so với nỗi lo kinh phí phụ trội hiện tại.

Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm của ông Lê Như Tiến - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội rằng, đăng cai ASIAD 18 là cơ hội để tôn vinh, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và lúc này không nên đặt vấn đề nên hay không nên nữa. Vấn đề là chúng ta sẽ tổ chức như thế nào để tiết kiệm, hiệu quả nhất và tránh rủi ro.

Cần tổ chức ASIAD 2019 sao cho tiết kiệm, hiệu quả và tránh rủi ro

Những hoài nghi của các đại biểu quốc hội cùng băn khoăn của dư luận xoay quanh con số tổng kinh phí dự trù mà Bộ VH-TT&DL đưa ra có thể bị đội lên, và nhất là sau cách trả lời chung chung, thiếu thuyết phục của người đứng đầu đơn vị chủ trì đề án tổ chức ASIAD trong phiên chất vấn hôm 18-3 vừa qua.

Ít nhiều đã có những lạc quan nhất định sau khi Bộ VH-TT&DL tiếp thu ý kiến từ các bên. Nỗi lo tốn kém phần nào được giảm tải sau thông tin được ông Hoàng Vĩnh Giang – Phó chủ tịch Ủy ban Olympic, một trong những người chấp bút đề án ASIAD, đưa ra liên quan đến 2 hạng mục “ngốn” tiền nhất là sân đua xe đạp lòng chảo – môn bắt buộc phải có (dự kiến cắt giảm từ 500 triệu USD xuống còn 200 triệu USD, 100% do vốn nước ngoài) và dự án xây làng VĐV (dự kiến khoảng 1.350 tỷ nhưng sẽ xã hội hóa toàn bộ, ngân sách Nhà nước không phải chi đồng nào).

Thế nhưng vẫn còn đó những câu hỏi lớn như: Hiện có bao nhiêu cơ sở hạ tầng có thể tận dụng? Nâng cấp hết bao nhiêu? Bao nhiêu cơ sở xây mới? Tổng chi phí thế nào, lấy từ đâu? Bao nhiêu từ ngân sách, bao nhiêu từ xã hội hóa?. Hay như việc một loạt công trình xây mới, nâng cấp sau ASIAD sẽ được xử lý, tận dụng thế nào khi sự lãng phí các nhà thi đấu, sân vận động trong tổ chức SEA Games 2003 và Asian Indoor Games 2009 đã lộ rõ... đòi hỏi những người lên đề án phải tính toán kỹ càng, từ đó đưa ra lộ trình đầu tư và giải pháp đi kèm.

ASIAD 2019 chỉ còn 5 năm để chuẩn bị và những người có trách nhiệm cần sớm trả lời thỏa đáng những vấn đề trên trước người dân.