Tố cáo nặc danh nhưng có bằng chứng thì phải xác minh, xử lý

ANTD.VN - Đồng tình quan điểm không giải quyết đơn tố cáo nặc danh nhưng đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị nếu tố cáo nặc danh có cung cấp bằng chứng chứng minh vi phạm thì cần tiếp nhận, xác minh, tránh để lọt hành vi phạm tội.

Chiều 23-11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi).

Bàn về quy định cho người bị tố cáo, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) cho rằng các biện pháp như dự thảo luật là chưa đủ. Giám đốc Công an Nghệ An ví dụ: "Trước kỳ bầu cử, bổ nhiệm cán bộ, do động cơ 'không thích thì đạp đổ' nên viết đơn thư tố cáo nặc danh người ta. Vì vậy đề nghị Quốc hội cân nhắc biện pháp bảo vệ người bị tố cáo". 

Bày tỏ đồng tình, đại biểu Võ Thị Như Hoa (đoàn TP Đà Nẵng) cho rằng khi chưa có kết luận người bị tố cáo có hành vi vi phạm pháp luật thì họ phải được đối xử như người bình thường. 

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị cân nhắc biện pháp bảo vệ người bị tố cáo

Trước băn khoăn: "Có nên giải quyết tố cáo công chức, viên chức đã nghỉ hưu không”, ông Nguyễn Hữu Cầu cho là nên giải quyết vì nhiều cán bộ cận kề nghỉ hưu không vượt qua được cám dỗ, làm trái chức vụ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín Đảng, Nhà nước.

"Tại sao thực tiễn có vấn đề như vậy mà luật pháp chúng ta lại không điều chỉnh?", Giám đốc Công an Nghệ An đặt vấn đề.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đồng tình với đề nghị bổ sung đối tượng người đã nghỉ hưu vào phạm vi tố cáo, vì “không thể cứ hạ cánh là đã an toàn”.

Đại biểu Phạm Văn Hòa đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi)

Về đơn tố cáo nặc danh, đại biểu Phạm Văn Hòa thống nhất quan điểm không xem xét, giải quyết loại đơn này để tránh tình trạng tố cáo không đúng sự thật, đề cao trách nhiệm của người tố cáo, hạn chế lợi dụng quyền tố cáo để trả thù riêng làm ảnh hưởng uy tín, danh dự người khác.

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Hòa cho biết thực tiễn có trường hợp do sự trả thù, bị trù dập, ngại va chạm nên người tố cáo không nêu rõ họ tên, địa chỉ nhưng trong đơn tố cáo có nội dung rõ ràng, cụ thể gửi kèm nhiều bằng chứng như hình ảnh, video, ghi âm, ghi hình, tài liệu… chứng minh vi phạm thì người tiếp nhận tố cáo phải báo cáo thủ trưởng xem xét điều tra, xác minh.

"Nếu đúng như đơn tố cáo thì cần thực hiện theo quy trình tố cáo, như vậy sẽ không để sót hành vi phạm tội", ông Hòa kiến nghị. 

Về thời hiệu giải quyết tố cáo, dự thảo luật đưa ra 2 phương án để Quốc hội cho ý kiến. Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu ủng hộ phương án 1 là có quy định thời hiệu xử lý tố cáo, vì theo ông, nếu không quy định thời hiệu sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi giải quyết, thời gian xảy ra lâu làm mất thời gian xác minh.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa lại ủng hộ phương án 2 là không quy định thời hiệu tố cáo để tạo điều kiện cho việc phát hiện, đấu tranh, phòng chống hành vi vi phạm pháp luật.

"Thực tế khi ở cơ quan đơn vị thì không có tố cáo, nhưng khi chuyển cơ quan khác hoặc nghỉ việc, nghỉ hưu thì bị đồng nghiệp cũ tố cáo vì khi cùng cơ quan ngại mất lòng, sợ trù dập nên không tố cáo", ông Phạm Văn Hòa nói.