Tình yêu trẻ tự kỷ (2): Nỗi lòng của giáo viên với những học trò đặc biệt

ANTD.VN - Tình thương yêu, sự chăm sóc từ gia đình là điều rất cần thiết trong quá trình hỗ trợ phát triển bản thân cho trẻ tự kỉ. Nhưng để các bạn nhỏ có thể hoà nhập một cách nhanh chóng và đúng hướng thì cần thêm sự hỗ trợ của những giáo viên đặc biệt ở các trung tâm chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ.

Có một nghề giáo đặc biệt

Có nghề giáo "chẳng giống ai", khi những người dạy không đứng trên bục giảng, không có giáo án và cũng chẳng có khái niệm nghỉ hè. Đó là những cô giáo dạy trẻ tự kỷ: Các cô vừa là người dạy dỗ, là người bạn tâm giao, vừa như mẹ hiền dạy cho học trò của mình những kỹ năng sống đơn giản nhất mà bất kỳ đứa trẻ bình thường nào cũng cần biết.

Mỗi ngày qua đi, “những người thầy người cô đặc biệt” đều phải nỗ lực, cố gắng từng chút với niềm hy vọng chưa bao giờ tắt về một ngày, các em học sinh của mình có thể giống như các bạn khác, trở thành những đứa trẻ có thể đến trường để học tập, vui chơi, lớn lên và trưởng thành.

Những bài học ngày đầu tiên của bé, cô giáo dạy cách cầm nắm và nhận biết

Tình yêu trẻ tự kỷ (2): Nỗi lòng của giáo viên với những học trò đặc biệt ảnh 2

Những bức tranh bé có thể nhìn thấy, nhưng không biết cách để gọi tên

Để dạy dỗ các bé tự kỷ, giáo viên phải thật sự yêu trẻ, sẵn sàng biểu đạt tình cảm của mình. Họ cần có tâm huyết với nghề thì mới đủ kiên nhẫn để dạy dỗ các bé. Đăc biệt, họ cần có những kỹ năng chuyên môn để khai thác hết tiềm năng và có thể giúp trẻ hòa nhập với xã hôi.

Vốn là sinh viên Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, song sau khi ra trường, chị Bùi Thị Hồng (SN 1983, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) đã quyết định học thêm chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm dành cho trẻ tự kỷ. Sau khi học, chị Hồng đã chọn hướng đi mới chính là sự nghiệp của mình.

“Ban đầu, tôi băn khoăn lắm! Công việc vừa vất vả, vừa đòi hỏi nhiều kỹ năng. Nhưng ngay từ nhỏ, tôi đã rất thích chơi với trẻ con, nhìn thấy những bạn nhỏ đặc biệt này mình vừa thương, vừa xót xa. Chính vì thế, tôi đã chọn hướng đi này”, chị Hồng chia sẻ.

Còn đối với chị Phạm Thị Vy - nữ giáo viên gắn bó với công việc gần 4 năm - thì đây là một nghề có áp lực công việc cao, bởi đối tượng học đặc biệt, trong khi không có một chương trình giáo dục cụ thể nào mà hầu hết các giáo viên phải tự nghiên cứu tâm lí và tính cách riêng của từng bé, để có một bài giảng phù hợp.

Tình yêu trẻ tự kỷ (1): 'Trái tim thép' của bậc làm cha mẹ

"Điều quan trọng khi làm công việc này là phải có sự kiên trì, nhẫn nại và cần có lòng yêu thương trẻ vô điều kiện”, chị Vy trải lòng.

Là giáo viên, ai cũng mong rằng ngày Nhà giáo sẽ nhận được những món quà chân thành và lời chúc của học sinh. Nhưng với các cô dạy trẻ tự kỷ, 20-11 cũng là một ngày bình thường như bao ngày khác. 

Cô Nguyễn Thị Hương (SN 1995; trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) tâm sự: “Đối với tôi, đã qua 5 năm gắn bó với nghề giáo đặc biệt này, nhưng chưa bao giờ tôi được nghe những lời chúc hay nhận những bó hoa tươi thắm từ học sinh của mình vào ngày lễ 20-11. Nhưng nếu các con tiến bộ hơn so với trước dù chỉ một chút thì đó là những món quà ý nghĩa nhất, tôi cảm thấy như ngày nào cũng là 20-11".

Trải lòng với những kỷ niệm buồn vui

Phải nhìn thấy tiết học của các cặp cô - trò, mọi người mới phần nào hiểu hết những khó khăn và sự vất vả của nghề giáo đặc biệt này. Mỗi thành viên ở lớp có tính cách và phản ứng khác hẳn nhau. Vì thế, cách xử lý và cách dạy của mỗi cô cũng không ai giống ai.

Có những bạn nhỏ mặc dù đã lớn nhưng vẫn không chịu hợp tác, vừa nôn trớ, la hét, tự đánh bản thân… Cũng chính vì những lí do đó mà ở trung tâm giáo dục chuyên biệt, ngoài dạy kiến thức, giáo viên còn dạy trẻ những kỹ năng đơn giản nhất như cầm đồ vật, lau tay, rửa chân, hay nhận biết những đồ vật cần thiết... 

Cô Diệu Linh (SN 1998, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Đó là những việc làm đơn giản với đứa trẻ bình thường, nhưng với trẻ tự kỷ, để dạy các em biết tự lau tay và rửa chân khi bẩn thì các cô phải kiên trì nhiều tuần, thậm chí tới cả tháng trời. Để cho các con phân biệt và gọi tên những đồ vật quen thuộc, các cô phải dạy rất nhiều lần trong khoảng thời gian dài, có khi lên đến nửa năm”.

Cho bé chơi, nhưng vẫn phải học. Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được

Các bạn nhỏ được hướng dẫn cách đánh vần và cách phát âm cho đúng

Cô giáo Trần Thị Thùy Trang với kinh nghiệm 3 năm giảng dạy chia sẻ: “Mỗi bạn nhỏ là một tính cách khác nhau và tiếp nhận cách dạy không giống nhau. Có nhiều em vào đây trong tình trạng chống đối với người lạ, mà cụ thể là các cô giáo, bằng cách la hét, khóc lóc rồi quay lưng, che mặt, ăn vạ… Những trường hợp cô giáo 'chịu trận' như bị các con cào cấu, đi vệ sinh hay nôn trớ lên người là những câu chuyện quá đỗi bình thường tại đây. Phản ứng thông thường ấy của trẻ tự kỉ diễn ra rất tự nhiên, lí do cũng rất dễ hiểu nhưng vô cùng khó để giải quyết”.

Ngoài những khó khăn ở trên lớp, cô giáo Nguyễn Phương còn thấy nhiều trắc trở ở quá trình trao đổi với phụ huynh, công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Bởi theo cô Phương, có không ít phụ huynh ngại khi nói chuyện với giáo viên về bệnh của con mình, hoặc ngại cho mọi người biết con mình bị tự kỷ.

Khi đưa con đi học, họ chỉ đứng ở phía xa và để trẻ tự vào lớp. Chính vì thế, cô giáo không trao đổi đươc tình hình học tập của bé.

"Việc kết hợp các phương pháp giáo dục giữa gia đình và nhà trường còn gặp rất nhiều trở ngại. Chúng tôi sẵn sàng chủ động, và chúng tôi mong muốn các phụ huynh cũng vậy!", cô Phương bày tỏ.

Sau mỗi giờ học, bé được cô giáo cho ngồi xổm để giảm tăng động và tăng khả năng tập trung

Mặc dù mỗi ngày lên lớp, các cô giáo đều phải đối mặt với những vất vả, nhưng các bé cũng mang lại không ít niềm vui, niềm xúc động lớn lao cho những giáo viên của mình.

Cô Nguyễn Ly (SN 1997, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) kể về một học sinh 4 tuổi mình đang dạy: “Những ngày đầu tiên đến lớp, bé chỉ biết khóc và bắt cô bế. Nhiều khi bé cứ tưởng cô là mẹ nên cứ đòi bú sữa. Mình phải mất rất nhiều thời gian giải thích để con hiểu, dù con cứ lao đến mình. Đến giờ cũng đã nửa năm, bé đã biết nói những câu giao tiếp cơ bản, nhận biết được nhiều thứ, biết chào cô và bố mẹ sau mỗi giờ tan trường. Nhìn bé cười, phụ huynh cười mà lòng mình cũng vui theo”.

Còn với cô Thanh Loan (24 tuổi), sau 4 năm gắn bó với công việc dạy những bạn nhỏ đặc biệt, cô cũng đã nhận lại không ít niềm vui.

“Mình nhận dạy bé từ những ngày đầu tiên, khi mà con còn chưa nói được từ nào, chưa ý thức được việc vệ sinh cá nhân. Sau một thời gian, cháu đã có thể 'tốt nghiệp' và chuẩn bị bước vào lớp 1. Đặc biệt, vào ngày 8-3 vừa rồi, tôi rất xúc động khi được bé gọi điện và chúc mừng cô. Những lời chúc còn chưa hoàn chỉnh nhưng đó cũng là động lực và niềm tin để cho tôi cố gắng hơn”, cô Loan xúc động nhớ lại.

"Với các thầy cô, dù gắn bó với trẻ rất lâu, có nhiều kỷ niệm, nhưng các cô không hề mong muốn trẻ ở lại mãi trung tâm, cũng không hy vọng một ngày nào đó đón bé trở lại. Hạnh phúc nhất chính là nhìn thấy các con có thể 'tốt nghiệp' và hòa nhập với cuộc sống bình thường”, cô Loan chia sẻ.

Dưới đây là video clip ghi lại chia sẻ của các cô giáo ở trung tâm chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ:

Trẻ tự kỷ có thể hòa nhập tốt với xã hội là điều mà gia đình, nhà trường và xã hội luôn mong muốn. Để làm được như vậy, mỗi bé cần có sự quan tâm, yêu thương, hi sinh của các bậc cha mẹ, cùng với nền tảng giáo dục đặc biệt từ các trung tâm chuyên biệt.

Thế giới đã chứng kiến không ít vĩ nhân mắc chứng tự kỷ, như: Albert Einstein, Thomas Jefferson, Charles Darwin... Nhờ sự kiên trì, nhẫn nại của cha mẹ cùng sự dạy dỗ từ thầy cô, họ đã khai thác được những tiềm năng vốn có và phát triển bản thân trở thành những thiên tài.

Với loạt 2 bài vừa qua về trẻ tự kỷ, hy vọng các em sẽ luôn được quan tâm, chăm sóc đúng đắn để trẻ tự kỷ phát triển tốt, trở thành những người góp ích cho xã hội.

Tình yêu trẻ tự kỷ (1): 'Trái tim thép' của bậc làm cha mẹ