Tình yêu thương vô điều kiện

ANTĐ - Thằng bé ôm mẹ gào thét, mặc cho xung quanh là không khí rộn ràng của ngày khai giảng năm học mới. Người mẹ mím chặt môi để không khóc theo con, nhẫn nại nhưng đành bất lực trong việc dỗ dành đứa bé xếp hàng cùng chúng bạn vào lớp… Đó là ngày đầu tiên đứa bé bị mắc hội chứng tự kỷ ấy vào lớp 1, bắt đầu chặng đường học cách sống trong môi trường tự lập - điều mà ở một đứa trẻ bình thường cũng phải trải qua muôn vàn khó khăn mới thích nghi được. 

Tình yêu thương vô điều kiện ảnh 1Cô Hoàng Thị Hòa đã được UBND thành phố Hà Nội tặng bằng khen “Giáo viên tiêu biểu của ngành giáo dục Thủ đô về dạy trẻ có hoàn cảnh đặc biệt 2014-2015”

Gian nan chặng đường hòa nhập

Cô Nguyễn Thị Bích Hằng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Đỉnh - quận Bắc Từ Liêm kể, khoảng 7-8 năm trở lại đây, số lượng trẻ khó khăn trong học tập, giao tiếp ngày một nhiều. Có năm nhà trường tiếp nhận cả chục học sinh “đặc biệt” vào lớp 1. Mỗi đứa trẻ là một tính cách khác nhau. Có đứa luôn chân luôn tay nghịch cả ngày không biết mệt, có đứa chỉ ngồi im quay mặt vào tường, không chuyện trò, có đứa chỉ thích trèo lên cửa sổ đứng, đứa khác mặc cho bạn bè xung quanh làm gì thì làm, cứ hễ đến lớp là lăn ra ngủ, ngủ cả ngày.

Nhưng cũng có trường hợp lại rất ngoan ngoãn, hòa nhã vui vẻ với thầy cô và bạn bè nhưng hễ phải học là… hoảng loạn… Và thế là, chính các thầy cô giáo là người thay mẹ, thay cha dạy dỗ, kèm cặp, dìu “những đứa trẻ không đổ vừa khuôn” ấy bước những bước chập chững đầu tiên trên con đường học làm người.

Cô Nguyễn Thị Ánh Hường, giáo viên khối 3 của trường Tiểu học Xuân Đỉnh vẫn rưng rưng nước mắt khi nhớ về cậu học trò đặc biệt đầu tiên mà cô dạy. Cậu học trò tên Thanh (tên nhân vật đã được thay đổi). Thanh khôi ngô, thông minh nhưng có nhiều hành động kỳ quặc, đặc biệt là nết ăn và dễ nổi nóng với bạn bè, cho dù là những việc nhỏ nhặt không đâu. Cậu học trò đó khiến cô Hường nhiều đêm mất ngủ với câu hỏi phải làm sao để đưa Thanh vào nền nếp, cư xử với chúng bạn hòa nhã hơn.

Sau rồi cô cũng tìm được giải pháp, ngoài trao đổi với gia đình về hành vi của con, cô thường xuyên gần gũi, hỏi han, nhẹ nhàng khuyên nhủ, dạy con cách cư xử với bạn bè. Mưa dầm thấm lâu, dần dần cô đã  hiểu những điều Thanh mong muốn nói mà không thể hiện được bằng lời. 

Gần 10 năm công tác ở trường Tiểu học Xuân Đỉnh nhưng cô giáo Hoàng Thị Hòa cũng có tới 7-8 năm kinh nghiệm dạy dỗ và chăm sóc những đứa trẻ đặc biệt. Thành tích và những nỗ lực cống hiến đó của cô Hoàng Thị Hòa đã từng được UBND TP Hà Nội trao tặng Bằng khen “Giáo viên tiêu biểu của ngành giáo dục Thủ đô về dạy trẻ có hoàn cảnh đặc biệt 2014-2015”. Học sinh đặc biệt đầu tiên mà cô Hoàng Thị Hòa tiếp nhận là Mạnh, đứa trẻ cô đơn nhưng đầy ắp tình cảm. “Bố mẹ chia tay, Mạnh ở với bố và bà nội.

Mạnh khát khao tình cảm yêu thương của mẹ, nhưng em không thể thể hiện bằng lời nói. Những ngày đầu đến lớp, Mạnh gào khóc đòi về, dỗ dành thế nào cô cũng không tiếp cận được với Mạnh. Tròn 1 tuần Mạnh quậy phá trong lớp khiến cả lớp bị ảnh hưởng, không biết làm thế nào, cô đành phải gọi điện cho mẹ em đến đón về. Hôm sau cậu học trò đó đi học bình thường và cũng sau lần đó, cô giáo mới tiếp cận được Mạnh và hiểu rằng, Mạnh nhớ mẹ, muốn mẹ đón về và khi Mạnh thấy cô gọi điện cho mẹ, tức là cô đã hiểu được mong muốn của em” - cô Hoàng Thị Hòa kể về cậu học trò đầu tiên, giờ đây đang học lớp 8.

Cần nhất là sự cảm thông

Cô Nguyễn Thị Ánh Hường chia sẻ, điều gian nan nhất với một đứa trẻ tự kỷ khi học hòa nhập không phải đến từ phía nhà trường hay giáo viên mà đôi khi đến từ phía gia đình, cha mẹ. Có những gia đình, không chấp nhận chuyện con mình “đặc biệt”, bởi xét về tổng thể đứa trẻ ấy bình thường, nhưng lại có những hành vi “kỳ quặc”. Vậy là, chính cô giáo phải tư vấn, vận động, thuyết phục ngược lại cho cha mẹ học sinh để đưa con mình đi kiểm tra tâm lý, từ đó có những biện pháp để điều chỉnh thích hợp kịp thời cho trẻ. Ngoài chuyện tư vấn cho cha mẹ học sinh, các thầy cô cũng đóng vai trò người dung hòa mọi sự cố xảy ra trong lớp mỗi khi đứa trẻ ấy trót gây ra.

Có khi là chuyện phụ huynh trong lớp bất bình vì “một đứa trẻ bình thường thì không thể học với trẻ tự kỷ được vì gần mực thì đen”, lại có không ít phụ huynh không muốn con mình ngồi cạnh, chơi chung với một bạn bị tự kỷ… Chuyện kỳ thị đôi khi chỉ ngấm ngầm khó chịu, nhưng cũng có lúc là làn sóng dữ dội, tại sao không cho trẻ học trường chuyên biệt, tại sao không dồn vào một lớp cho đỡ phiền hà… và các thầy cô giáo phải trực tiếp đương đầu với làn sóng đó. Không hiểu sao, càng ngày trẻ mắc các hội chứng tự kỷ càng nhiều, trong khi chưa có một giáo trình cụ thể được ban hành chính thức nào thì các thầy cô giáo phải tự đọc tài liệu, tự tìm hiểu trên mạng.

Vài ba năm trở lại đây, trường Tiểu học Xuân Đỉnh đã liên kết với một trung tâm kỹ năng sống, mời các giáo viên tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý giáo dục tư vấn về cùng giảng dạy ở những tiết học đặc biệt. Cùng với đó, hàng năm phòng giáo dục các quận, huyện đều tổ chức các lớp tập huấn, tuy nhiên giữa lý thuyết và thực tế đôi khi còn cách nhau cả quãng đường dài. Bởi lẽ, trăm đứa trẻ mắc các hội chứng này là trăm dạng khác nhau. Có trẻ chẳng cần học cũng đọc viết làu làu, có trẻ không học toán nhưng tiếng Anh thì đọc thông viết thạo, lại cũng có em có thể cộng nhẩm đến phép tính hàng nghìn… nhưng lại chẳng thể nói được một câu giao tiếp trôi chảy, hoặc thể hiện tình cảm với bạn bè, người thân…

Nghề giáo viên xưa nay vốn là công việc đầy khó nhọc, dạy dỗ uốn nắn một đứa trẻ bình thường đã khó, nhưng dạy những trẻ mang hội chứng tự kỷ còn khó hơn gấp trăm, gấp nghìn lần. Nói theo lời cô Hoàng Thị Hòa thì ngoài chuyên môn vững vàng, sự nhẫn nại, tinh thần trách nhiệm thì còn cần tình yêu thương vô điều kiện của thầy cô đối với trẻ. Chỉ có sự gần gũi và tình cảm chân thành nhất của thầy cô giáo mới khiến cho đứa trẻ đó cảm thấy tự tin hòa nhập với môi trường và xã hội.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội: Chưa có đãi ngộ riêng với giáo viên dạy trẻ tự kỷ

Tình yêu thương vô điều kiện ảnh 2
Hiện tại ở Hà Nội chỉ có 3 trường chuyên biệt dành cho học sinh bị khuyết tật. Với những trường này, giáo viên sẽ được hưởng chế độ chính sách theo quy định như hưởng mức trợ cấp đứng lớp 70% thay vì 35% như giáo viên bình thường.

Tuy nhiên, với những trường hợp lớp có trẻ mắc các chứng tự kỷ, tăng động… thì giáo viên chưa được hưởng chế độ đãi ngộ đặc biệt. Theo quy định của ngành, với những lớp có từ 2 đến 4 trường hợp học sinh gặp các vấn đề này thì nhà trường phải bố trí tăng cường giáo viên hỗ trợ. Tuy nhiên, không phải lớp nào cũng có giáo viên tăng cường ở tất cả các 
hoạt động. 

Hiện, Hà Nội đang đề xuất việc bổ sung nhân viên hỗ trợ chăm sóc trẻ khuyết tật cho các trường chuyên biệt, còn đối với các trường hòa nhập thì vấn đề chăm sóc trẻ khuyết tật, tự kỷ… vẫn chỉ phụ thuộc vào kinh nghiệm, tình thương của các giáo viên và có sự phối hợp của phụ huynh, ban giám hiệu. 

Bà Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng trường tiểu học Thành Công B, Ba Đình, Hà Nội: Giáo viên thành những chuyên gia bất đắc dĩ

Tình yêu thương vô điều kiện ảnh 3

Qua nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, tình trạng học sinh tăng động kém tập trung hay mắc chứng tự kỷ ngày càng tăng về số lượng. Nếu chỉ đẩy các em vào các trường hoặc trung tâm chuyên biệt thì chắc chắn sẽ quá tải và không phù hợp với yêu cầu giáo dục hòa nhập hiện nay của nước ta. Chính vì vậy, các giáo viên tiểu học hiện nay đều phải tự tìm tòi, học hỏi để có thể đảm nhiệm được nhiệm vụ giáo dục trẻ tự kỷ, tăng động.

Nhiều chuyên gia nước ngoài tới trường chúng tôi làm việc, họ đã phải ngạc nhiên và thốt lên rằng chính các cô mới là chuyên gia. Giáo viên tiểu học hiện nay chưa được đào tạo chuyên sâu đối với việc chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ, đồng thời cũng chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào về chế độ, chính sách. Kinh nghiệm cho thấy, dạy 1 trẻ tự kỷ vất vả bằng dạy 50 học sinh bình thường.

Theo tôi, để có thể giúp các em hòa nhập, phát triển thì rất cần có sự phối hợp của gia đình và nhà trường. Nếu gia đình phó mặc cho nhà trường thì dù giáo viên có tâm huyết đến đâu, việc giáo dục trẻ tiến bộ cũng khó có thể thành công. 

Duy Anh