Chuyện tình... người điên (Kỳ cuối)

Tình yêu bỏng cháy sau cánh cửa bệnh viện tâm thần

ANTĐ - Mầm cây tình yêu có thể nảy từ bất cứ đâu, miễn là nơi ấy có những trái tim đồng điệu của những con người luôn khao khát được yêu thương, chia sẻ. Sau cánh cửa bệnh viện tâm thần, tình yêu vẫn có sức mạnh diệu kỳ.

Cuộc tình kỳ lạ của cậu học sinh Việt với cô giáo nước ngoài nơi trời Tây

Chỉ vì muốn con học hành thành đạt mà có những ông bố bà mẹ đã quyết định để con đi du học khi mới chập chững bước vào tuổi thiếu niên. Với mong ước ở một nền giáo dục tân tiến con mình sẽ thành đạt nhưng họ không ngờ chính họ đã đẩy con mình vào tình trạng bế tắc, dễ dàng sa ngã vì chưa đủ kinh nghiệm sống. Câu chuyện dưới đây của T là một ví dụ điển hình.

T năm nay 24 tuổi, nhà có hai anh em, dưới T còn có một em gái. Gia đình T vốn khá giả, bố T là giám đốc một công ty truyền thông ở Hải Dương, mẹ là kế toán. T có một người cô họ sống tại úc nên bố T quyết định gửi T sang úc học phổ thông vì muốn sau này T học đại học luôn ở bên đó. Vậy là T phải xa nhà khi mới học lớp 7. Ngày mới sang đó, cuộc sống của T diễn ra bình thường, hết học kỳ một, bố mẹ cho phép chuyển T đến sống nội trú tại trường.

Với cuộc sống mới này, T phải tự lập hoàn toàn vì không còn ai bên cạnh chăm lo cho nữa. Từ việc nhỏ nhất như sinh hoạt cá nhân đến việc chính là học tập, T phải làm một mình. Vì chưa biết đường đi nên T chỉ quanh quẩn trong trường, cả tháng mới được đón về nhà cô chơi một lần. T buồn bã, chán nản nên cũng chẳng tập trung vào học, kết quả là T luôn đứng cuối lớp về học lực. T muốn quay về Việt Nam học nhưng bố không đồng ý, T kể : “Có những chiều mùa đông, từ lớp học trở về khu ký túc xá, em nhớ nhà quay quắt. Em thèm một bữa cơm với bố mẹ nhất là tết, trong suốt thời gian học bên đó, em chưa một lần được về Việt Nam ăn tết. Nhìn các bạn cứ cuối tuần được bố mẹ đến đón về nhà em chỉ biết khóc và giận bố mẹ sao lại bỏ rơi em”. Việc học tập của T càng ngày càng sa sút đã có lúc T nghĩ đến việc để dành tiền bố mẹ cho tiêu vặt để mua vé trốn về Việt Nam.

Mọi chuyện diễn ra như vậy trong một thời gian cho đến khi T được cô giáo phụ trách Lydia chú ý đến. Nhận ra hoàn cảnh đáng thương của cậu học trò người Việt, cô thường xuyên an ủi, động viên để T đỡ nhớ nhà, dạy T biết cách thích nghi với cuộc sống tự lập. Lydia thường rời trường muộn hơn để dành chút thời gian trò chuyện tìm hiểu học trò. Sau giờ ăn tối, hai cô trò đi dạo. Ngày nghỉ, Lydia đưa T đi thăm bảo tàng hoặc đi trượt tuyết. T bắt đầu hứng thú với những điều mình chưa bao giờ biết đến. T bắt đầu có những chuyển biến tích cực. T tự tin trong cuộc sống và hăng say với bài vở trên lớp hơn và cũng có ý thức luyện tập thể thao, một điều mà khi ở nhà em chưa hề nghĩ tới. Chỉ sau một thời gian ngắn, T tăng cân và đạt được kết quả học tập tốt. Bố mẹ T sang thăm con thấy con thay đổi như vậy thì vui mừng ra mặt và cho rằng xa nhà như vậy mà có người giúp đỡ thì quả là may mắn. Nhưng bố mẹ T đã không thể ngờ được rằng, chính sự chăm sóc mà T nhận được không phải từ bố mẹ mà lại là từ cô giáo ấy, đã đẩy con trai họ rơi vào vòng xoáy tình cảm để rồi sau này họ không thôi ân hận.

Khi vào cấp III, T chính thức chuyển đến nhà cô giáo Lydia ở để tiện hơn cho việc học tập và sinh hoạt. Ở cùng nhà, cô giáo sẽ có thời gian và điều kiện giúp đỡ T hơn. Về phía Lydia, cô luôn coi T như một cậu em trai ngoan ngoãn, tình cảm mà bấy lâu nay cô đã quen chăm sóc. Suốt 7 năm trời, Lydia đã luôn ở bên cạnh T, giúp đỡ em từ miếng ăn giấc ngủ. Nhưng tất cả mọi người đều không chú ý đến một việc, đó là tâm sinh lý của T đã thay đổi, từ một cậu bé con, giờ đây T đã là một thanh niên.

Cho đến một hôm, Lydia về nhà và vui vẻ thông báo với T rằng, cô và bạn trai đã quyết định đi đến hôn nhân. Khác với thái độ ủng hộ mà Lydia mong chờ, T bỗng giãy nảy lên phản đối và tỏ ra vô cùng tức giận. Lydia gặng hỏi lý do thì T không chịu nổi, lầm lì bỏ lên phòng. Sáng hôm sau, T bỏ học, không ăn uống gì và nhốt mình trong phòng. Lydia vô cùng lo lắng và khó xử, cô không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Cố gắng nhớ lại mọi chuyện để tìm lý do nhưng cô không tài nào giải thích được thái độ khó hiểu của T. Từ ngày mới quen T, cô chăm sóc T rất nhiệt tình và cẩn thận, cô nhớ những lần T ngã vào lòng cô khóc như một đứa trẻ, cô tin rằng T đã coi cô như người thân. Vậy sao T lại phản đối hanh phúc đang đến gần của cô? Lydia cố gắng tìm cách giải thích cho T hiểu, nhưng T một mực phản đối và dọa rằng nếu Lydia lấy chồng thì T sẽ bỏ học và đi lang thang. Lydia càng lúc càng bối rối không biết phải xử lý ra sao. Chuyện cô để học trò đến nhà ở cùng đã khiến cô và bạn trai cô nhiều lần xảy ra cãi vã. Bây giờ sắp kết hôn, cô lại gặp thêm trở ngại này.

Nói là làm, T bỏ nhà đi thật. Hôm đó là một ngày cuối tuần, Lydia đến đón T ở trường để rủ T ra ngoài ăn tối và cũng để nói rõ ràng mọi chuyện cho T hiểu. Nhưng chờ mãi mà không thấy T đâu, Lydia lo lắng đi tìm khắp nơi mà không thấy, cô đành báo cảnh sát. Cả đêm hôm đó cô không sao ngủ được, cứ mong ngóng tin tức của T. Cuối cùng cảnh sát đã tìm thấy T trong tình trạng đói khát và viêm phổi do ở ngoài trời lạnh quá lâu. T phải nằm viện ít ngày, và cũng trong suốt thời gian đó, Lydia luôn ở bên để chăm sóc an ủi T. Ngày T xuất viện cũng là ngày bạn trai Lydia chính thức hủy hôn.

Mùa hè năm 2008, T mời Lydia về Việt Nam chơi và chính thức ngỏ lời yêu Lydia. Ban đầu, Lydia nghĩ đó chỉ là tình cảm bột phát của cậu học trò, nhưng về sau cô cũng bị cuốn theo cái trẻ trung mãnh liệt của T. Họ chính thức yêu nhau. Khi biết con trai về thăm nhà và đưa cả cô giáo về cùng, bố mẹ T mừng ra mặt. Nhưng niềm vui sum họp chưa kéo dài được bao lâu thì bằng nhạy cảm của người phụ nữ, mẹ T thấy tình cảm cô trò của con mình có cái gì đó không bình thường. Chị L vẫn mong rằng trực giác của mình là sai nên nhẹ nhàng hỏi con, hy vọng có được câu trả lời như ý muốn. Nhưng câu trả lời của T như gáo nước lạnh hất thẳng vào mặt mẹ. T thú nhận rằng cậu yêu Lydia và sẽ cưới cô làm vợ. Cả nhà T hốt hoảng, lo lắng với quyết định điên rồ của T. Thấy bố mẹ phản ứng dữ dội, T lẳng lặng thu xếp quần áo, không một lời từ biệt bố mẹ, dẫn người yêu quay lại úc và không liên lạc với gia đình suốt 2 năm.

Nhiều lần bố mẹ T sang úc tìm con nhưng không được, họ không biết T ở đâu, tìm đến chỗ Lydia cũng không thấy nên đành bất lực quay về Việt Nam. Ông nội T từ ngày biết chuyện thằng cháu đích tôn yêu cô giáo người nước ngoài hơn đến 14 tuổi thì buồn phiền rồi lâm bệnh nặng. Lấy cớ ông nội sắp mất, bố mẹ T nhờ Lydia nhắn cho T biết tin để trở về cho ông gặp lần cuối. Nhưng khi T vừa về đến nhà, lập tức bố mẹ cậu xé ngay quyển hộ chiếu rồi nhốt T lại. Biết bị lừa, T điên cuồng phản ứng. Mặc cho T khóc lóc van xin, bố mẹ T vẫn nhất quyết nhốt con trong nhà không cho cậu liên lạc với bất kỳ ai. Suốt 6 tháng trời sống trong sự giám sát của bố mẹ, T như biến thành một con người khác, cậu trở nên bất mãn không nói chuyện với ai trong nhà, sống như một cái bóng.

Chú T từ miền Nam ra chơi thấy tình cảnh của cháu như vậy bèn quyết định đón T vào Sài Gòn sống, phần để cho T khuây khỏa, phần cũng muốn làm cho cậu quen dần với cuộc sống bên ngoài chứ không thể sống mãi trong nhà được. T như chim sổ lồng vì đã thoát khỏi sự kìm kẹp của bố mẹ. Hơn nữa cuộc sống sôi động của Sài Gòn khiến cậu hứng thú hơn. T lại giỏi tiếng Anh nên nhanh chóng kết bạn được với giới trẻ ở đó. Có bạn bè T có thêm nhiều cuộc vui, và trong các cuộc vui đó, ma túy đã tìm đến với cậu. T lén lút tìm cách liên lạc lại với Lydia và tình yêu của họ lại có dịp bùng cháy.

Thấy cháu có biểu hiện không bình thường, chú T quyết định theo dõi và ông ngỡ ngàng chứng kiến cảnh T cùng bạn bè phê thuốc nằm la liệt trên sàn trong tiếng nhạc đinh tai nhức óc. Tìm hiểu ra ông mới biết tối nào T cũng tụ tập cùng đám bạn mới quen lên sàn đập đá. Ông chú vội vã đưa cậu trở lại quê nhà và nói hết sự tình cho bố mẹ T biết một lần nữa T lại bị cách ly. Lần này tình trạng của T còn thê thảm hơn. Bởi cậu không đơn thuần bị mất tự do liên lạc với người yêu, mà cậu đã bị lệ thuộc vào thứ ma túy tổng hợp chết người. Trong vòng nửa năm, T đã bị nó hủy hoại cả thể xác lẫn tinh thần.

Vì danh dự, bố mẹ T không dám đưa con đi cai nghiện tập trung mà mời bác sĩ về nhà vừa hết 1 tuần cắt thuốc thì cậu bắt đầu có biểu hiện loạn thần. Sau một thời gian chạy chữa tại nhà không có kết quả, bố mẹ cậu buộc phải đưa con vào viện. T điều trị một thời gian thì được xuất viện nhưng vẫn phải duy trì uống thuốc. Nghe xong câu chuyện dẫn đến nguyên nhân T lao vào ma túy và giờ là mang bệnh vào thân, bác sĩ Dũng đã giải thích cho bố mẹ T hiểu về bệnh tình cũng như tâm lý của T. Cuối cùng bố mẹ T đành phải để cho T hàng ngày liên lạc với người yêu. Khi gặp chúng tôi tại phòng riêng của bác sĩ Dũng, T vui vẻ thông báo rằng mùa hè này T sẽ lại sang úc. Cậu đã ăn được ngủ được và quan trọng là bệnh trạng của cậu đã đi vào ổn định.

Từ sinh viên giỏi thành kẻ tâm thần

Như nhiều người mẹ có con bị mắc bệnh tâm thần khác, chị Lê Thị Lan đến cầu cứu bác sĩ Nguyễn Văn Dũng (Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai) chữa bệnh cho con mình. Nhưng với trường hợp của con chị, mọi việc khó khăn hơn rất nhiều bởi cơ thể Cường - con chị kháng các loại thuốc. Nước mắt ngắn dài, chị Lan kể lại câu chuyện buồn của gia đình chị.

Vợ chồng chị đều là công chức nhà nước, có hai người con, một trai một gái. Từ nhỏ, các con chị đều ngoan ngoãn, chăm học đặc biệt là cậu con trai Nguyễn Văn Cường, lúc nào cũng đứng nhất nhì lớp. Việc học hành của con, chị không bao giờ phải nhắc nhở, thúc giục. Cường yêu thích nghề luật, ước mơ trở thành luật sư nên đã cố công dùi mài kinh sử để thi đỗ vào trường Đại học Luật. Hai năm đầu ở trường đại học, Cường luôn là sinh viên giỏi, ngoài tập trung vào các môn học trên lớp, cậu còn mua thêm nhiều loại sách tham khảo để đọc và say mê tiểu thuyết trinh thám, phim hình sự. Ngoài giờ học trên lớp, cứ có thời gian trống là Cường lại đến tòa án xin theo dõi các phiên xử để học tập, trau dồi thêm kinh nghiệm thực tế.

Thấy con say mê nghề nghiệp, không đàn đúm bạn bè, vợ chồng chị Lan rất yên tâm, tự hào về con. Cho đến một ngày, cô giáo của Cường điện thoại cho chị phản ánh, Cường thường xuyên có biểu hiện mất tập trung, hay nói lảm nhảm một mình, giao tiếp với mọi người rất hạn chế, hầu như lảng tránh mỗi khi có ai muốn lại gần trò chuyện. Lúc đầu, chị Lan còn bán tín bán nghi vì chị hoàn toàn không nhận thấy những biểu hiện này khi cậu con trai ở nhà. Vợ chồng chị để ý theo dõi con suốt một tuần sau đó và bất ngờ nhận ra những thay đổi không bình thường. Mỗi ngày, sau giờ học, Cường trở về nhà, thay vì chơi thể thao, vệ sinh cá nhân thì cậu đóng cửa ở lì trong phòng đọc sách, xem phim và không ngừng bắt trước lời thoại, hành động của các nhân vật y như trong tiểu thuyết, phim ảnh.

Sau bữa ăn, Cường lại vào phòng đóng cửa, cậu thức thâu đêm để “thực hành” những gì mình đã thu nạp được từ trường lớp, phòng xử án cho đến phim ảnh... Nhiều lần, vợ chồng chị Lan cố kéo con ra khỏi trạng thái “hôn mê sau trong nghề nghiệp” nhưng cậu con trai chẳng buồn đáp lại, cậu như đã thuộc về một thế giới hoàn toàn khác.

Cường không thể tiếp tục theo học, cậu bỏ nhà đi lang thang. Khó khăn, vất vả lắm vợ chồng chị Lan mới có thể giữ yên được con ở trong nhà. Đứng bên ngoài cửa phòng, nghe cậu con trai hết nhập vai luật sư, công an, thẩm phán, kiểm soát viên... lại giả làm tội phạm, rồi la hét, gào thét váng nhà,vợ chồng chị Lan không cầm được nước mắt.

Tình yêu - điều kỳ diệu cứu rỗi những linh hồn “điên loạn”

Vợ chồng chị Lan đã đưa con đi nhiều nơi để chữa bệnh. Nhưng đến đâu các bác sĩ cũng lắc đầu với trường hợp của Cường. Bởi lẽ cơ thể cậu kháng đa thuốc. Với các đơn thuốc được chỉ định cho bệnh tình của Cường, cứ uống vào là cả người cậu lại bị phù, lở loét, lên các cơn co giật hoặc chân tay mềm nhũn, mất cảm giác, buộc phải ngưng dùng thuốc khẩn cấp. Có lần, sau khi uống thuốc, Cường đột ngột bị méo mồm, lên cơn co giật khiến vợ chồng chị Lan phải đưa con vào viện cấp cứu. Nhìn cậu con trai khỏe mạnh, khôi ngô, tuấn tú ngày nào giờ như một người tàn phế cả thể chất lẫn tinh thần, chị Lan vô cùng đau đớn. Nhưng Đông, Tây y đều đã cầu cứu hết cả mà bệnh tình của con vẫn không thuyên giảm, chị Lan đành đưa con về quê ở Ninh Bình với hi vọng cuộc sống bình lặng ở làng quê có thể giúp Cường giảm bớt căng thẳng, rối loạn.

Gần 7 năm đã trôi qua, cậu con trai duy nhất của vợ chồng chị Lan vẫn ngơ ngẩn, hoang dại. Không chấp nhận bệnh tình của con rơi vào cảnh vô phương cứu chữa, một lần nữa chị quay lại tìm bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, chị hi vọng sau thời gian dài, y học ngày càng phát triển, có thêm nhiều loại thuốc điều trị bệnh, có thể tương thích với cơ thể của con chị... Và số phận đã mỉm cười với gia đình chị. Tại đây, sau khi thử phản ứng, cơ thể Cường đã đáp ứng một số loại thuốc. Những ngày tháng nằm viện, Cường được y tá Hoa hết sức chăm sóc động viên.

Bằng tình thương của người thầy thuốc, cô đã kéo Cường về với thực tại không còn những cơn ảo giác khiến Cường la hét đập phá. Cường đã ăn được, ngủ được, mỗi lúc bị kích động chỉ cần y tá Hoa đến là Cường lại ngoan ngoãn. Và chỉ có Hoa mới cho cậu uống thuốc được. Nhiều lần do không phải phiên trực của cô, Cường nhất định không chịu cho y tá khác tiêm thuốc, buộc lòng mẹ cậu phải gọi điện cho Hoa nghe tiếng Hoa qua điện thoại Cường mới cho tiêm. Thấy anh chàng bệnh nhân khôi ngô, tuấn tú, ngoài những lúc bị kích động thì hiền khô, nói chuyện rất hay và hiểu biết nên dần dần Hoa cũng cảm mến và thấy cần phải có trách nhiệm với bệnh tật của Cường hơn.

Về phần Cường thì sau 6 tháng điều trị, bệnh tật của cậu đã ổn định hơn rất nhiều. Cậu đã tự chăm sóc được bản thân không còn cần phải nhờ đến mẹ nữa. Những lúc rảnh rỗi, Hoa dẫn Cường đi dạo trong sân bệnh viện rồi đọc báo cho Cường nghe. Cô biết có một tình cảm khác lạ đang nhen nhóm trong lòng mình. Tình cảm đó Hoa buộc phải chôn chặt trong lòng, không dám thổ lộ vì cô biết cô không vượt qua nổi thị phi và sức ép của cha mẹ và mọi người. Cô nói với Cường cô phải đi công tác xa một thời gian. Lúc đầu Cường không chịu nhưng nghe Hoa phân tích Cường cũng đồng ý. Còn Hoa thì gạt nỗi buồn, chuyển công tác khác.

Cho đến bây giờ, Cường đã hoàn toàn khỏi bệnh và đã ra viện. Ngoài công lao của đội ngũ y bác sĩ, không thể phủ nhận một điều rằng, tình yêu là một liều thuốc thần diệu nhất cho tinh thần của không ít bệnh nhân như Cường. Tình yêu giúp cho những bệnh nhân tâm thần vượt qua những khó khăn trên con đường để quay trở lại với cuộc sống bình thường. Mối tình của Cường và Hoa là những câu chuyện còn bỏ lửng, chưa có hồi kết. Cũng có thể, sau khi Cường ra viện và chuyển công tác, họ sẽ tìm được hạnh phúc mới cho mình, và những tình cảm vừa mới nhen nhóm sẽ mãi là những kỷ niệm đẹp được lưu giữ trong ký ức của hai người.

Cũng có thể, họ nhận ra rằng họ không thể sống thiếu nhau trong cuộc đời này bởi một lẽ cả cuộc đời miệt mài tìm kiếm, dễ gì tìm được một nửa đồng điệu của tâm hồn mình? Và đương nhiên, tình yêu đó sẽ làm nên sức mạnh giúp họ vượt qua bất kỳ rào cản nào, để họ tìm được hạnh phúc ở một điểm dừng là một đám cưới. Dù kết cục cuộc tình ấy có thế nào đi nữa, chúng tôi luôn tin rằng, với những người trong cuộc như Hoa, như Cường, họ sẽ luôn biết trân trọng quãng thời gian đẹp đẽ mà họ đã có cùng nhau trong bệnh viện tâm thần. Cuộc đời luôn phong phú, đa dạng và đầy màu sắc và đương nhiên quý vị độc giả cũng sẽ có riêng cho mình một kết cục như quý vị mong muốn và hy vọng.

Vĩ thanh

Trong những ngày thực hiện loạt phóng sự này, chúng tôi đã được nghe rất nhiều câu chuyện cảm động và sức mạnh kỳ diệu của tình yêu trong bệnh viện tâm thần. Chỉ qua vài số báo ngắn ngủi, chúng tôi không thể chuyển tải hết tới quý vị độc giả của Đang Yêu tất cả những câu chuyện mà chúng tôi đã được mắt thấy, tai nghe trong bệnh viện tâm thần. Nhưng chúng tôi tin rằng, qua những câu chuyện mà chúng tôi đã từng chia sẻ với quý vị, tất cả chúng ta sẽ cùng tin vào sự vĩ đại của tình yêu, sức mạnh và sự bất diệt của tình yêu - thứ tình cảm đã tồn tại hàng nghìn năm qua cùng với sự tồn tại và phát triển của loài người. Và đương nhiên, tình cảm đặc biệt đó đang, sẽ tồn tại chỉ cho tới khi con người không còn tồn tại trên cõi đời này nữa, như một câu thơ ai đó đã từng viết “người với người sống để yêu nhau”.