Tình trạng người về "hưu non" tăng đến mức báo động

ANTD.VN - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bày tỏ lo ngại trước thực trạng lao động nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng tăng cao: 85.000 người nhận trong tháng 5 và trong 5 tháng có gần 300.000 người. Điều này có nghĩa là  người đóng bảo hiểm xã hội rất nhiều nhưng lại chẳng mấy người được hưởng lương hưu.

Người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần tăng báo động

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), hiện nay số lượng người lao động làm chế độ để nhận trợ cấp 1 lần đang tăng cao, lũy kế 5 tháng đầu năm 2018 đã lên tới gần 300.000 người.

Theo thống kế của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, những năm gần đây, trung bình có khoảng 700.000 người nhận bảo hiểm xã hội một lần. Đáng nói là, số lượng người nhận bảo hiểm xã hội một lần đang xấp xỉ với số người tham gia mới. Phần lớn lao động bị mất việc, đời sống khó khăn nên không tha thiết với việc tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tức là không có lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống an sinh xã hội của quốc gia.

Lý giải nguyên nhân của hiện tượng trên, ông Lê Đình Quảng cho biết, số lượng người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần gia tăng do việc làm không bền vững, nhiều ngành nghề có xu hướng không sử dụng lao đọng có thâm niên cao như dệt may, da giày, thủy sản…

Đa số người lao đọng chọn giải pháp nhận bảo hiểm xã hội một lần vì không có lựa chọn khác, không tìm được việc làm phù hợp hoặc không có thu nhập ổn định”.

Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm xã hội chưa thực sự hấp dẫn và linh hoạt cũng là nguyên nhân. Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định, người lao động phải đóng ít nhất 20 năm bảo hiểm xã hội mới nhận được lương hưu. Thời gian như vậy quá dài.  

Trong khi đó, quy định cho người lao động được hưởng chính sách bảo hiểm xã hội một lần lại quá dễ dàng cho nên người lao động không mấy mặn mà với việc tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội.