Tình tiết tăng nặng khi tên cướp manh động đạp ngã, khiến nạn nhân sảy thai

ANTD.VN - Hoàng Xuân H (SN 1994) là đối tượng không nghề nghiệp, do tham gia cá độ bóng đá nên H nợ một số tiền lớn. Để kiếm tiền, H quyết định đi cướp tài sản. Trên đường tìm con mồi, Hoàng Xuân H phát hiện chị Nguyễn Vân A (SN 1989) đang đi xe máy một mình nên đã áp sát rồi đạp ngã chị A để cướp chiếc túi xách bên trong có chiếc điện thoại iPhone X và 20 triệu đồng. 

(Ảnh minh họa)

Nội dung vụ việc

Tại thời điểm bị cướp, chị A đang mang thai tháng thứ 6. Sau khi bị H đạp ngã, chị A đã được người đi đường đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng do tác động mạnh nên đã bị sảy thai. Sau khi gây án, Hoàng Xuân H tẩu thoát khỏi hiện trường và đem tài sản đi tiêu thụ, một thời gian sau thì bị công an bắt giữ. Hoàng Xuân H đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Vấn đề đặt ra là, hành vi đạp ngã thai phụ để cướp tài sản dẫn đến nạn nhân sảy thai thì Hoàng Xuân H sẽ bị truy cứu những tội danh gì?

Ý kiến bạn đọc

Đây là hành vi giết người

Tôi cho rằng phụ nữ đang mang thai là giai đoạn trong cơ thể họ đang hình thành và phát triển sự sống mới (bào thai). Việc chị Nguyễn Vân A bị Hoàng Xuân H đạp ngã dẫn tới bị hỏng thai thì đây chính là hành vi giết người. Chị A đã mang thai đến tháng thứ 6, sắp tới thời kỳ sinh nở và thai nhi trong bụng chị A đã là một cơ thể sống bình thường. Hành động đạp ngã chị A để cướp tài sản của Hoàng Xuân H đã gây ra nguy hiểm cho nạn nhân và con mình.

Và hậu quả của hành vi đó đã khiến chị A hỏng thai. Nếu như H không thực hiện hành vi của mình thì con chị A đã ra đời và trưởng thành như một người bình thường. Do đó hành vi của Hoàng Xuân H đồng nghĩa với việc đã xâm phạm đến quyền được sống của bào thai đó. Do vậy, ngoài hành vi cướp tài sản cần phải xử lý Hoàng Xuân H về tội giết người.

      Trần Đông Hà (Thuỷ Nguyên - Hải Phòng)

Tội cướp của và cố ý gây thương tích

Theo tôi, hành vi đạp xe máy để cướp tài sản của Hoàng Xuân H làm cho chị Nguyễn Vân A bị hỏng thai tức là đã đã cố ý làm tổn hại đến sức khỏe của chị A. Khi người phụ nữ đang mang thai cũng là người không có khả năng hoặc hạn chế khả năng tự vệ, chỉ cần có tác động tiêu cực từ bên ngoài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường, gây nguy hiểm đối với thai nhi và sức khỏe của người mẹ. Hơn nữa phụ nữ đang có thai là chủ thể được pháp luật quan tâm, bảo vệ một cách đặc biệt.

Cụ thể, tại điểm c, khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác có quy định, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc trường hợp đối với phụ nữ có thai thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Do đó, tôi cho rằng, ngoài hành vi về tội xâm phạm sở hữu cần phải xét xử H về tội cố ý gây thương tích.

Nguyễn Thị Thuỷ (Sóc Sơn - Hà Nội) 

Chỉ phạm tội cướp tài sản

Tôi cho rằng mục đích ban đầu của Hoàng Xuân H chỉ là cướp tài sản của chị Nguyễn Vân A. Quá trình cướp tài sản của chị A đương nhiên H buộc phải sử dụng vũ lực để đạt được mục đích của mình. Do đó việc chị A đang có thai và bị sẩy thai là kết quả của hành động dùng vũ lực của H để cướp tài sản.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự liên quan đến tội cướp tài sản, nếu hậu quả xảy ra là thiệt hại về sức khỏe thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản với tình tiết gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Trong trường hợp này, sau khi có căn cứ vào kết quả giám định sức khỏe của chị A thì theo tôi đó cũng chỉ là tình tiết tăng nặng cho hành vi phạm tội của H và H chỉ phạm vào một tội cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015.

Đoàn Hồng Anh (Cẩm Phả - Quảng Ninh )

Bình luận của luật sư

Trong vụ việc này, trước hết có thể khẳng định, hành vi của Hoàng Xuân H đã phạm vào tội “Cướp tài sản” theo Điều 133 Bộ luật Hình sự. Theo đó hành vi cướp tài sản được mô tả như sau: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dừng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù... Trong vụ án này, nếu sau khi điều tra, xác minh, cơ quan pháp luật đủ căn cứ kết luận đối tượng H đã có hành vi dùng vũ lực, đạp ngã chị A cùng xe máy khiến chị A lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản (là chiếc iPhone X và 20 triệu đồng) thì hành vi của Hoàng Xuân H đã có dấu hiệu của tội cướp tài sản.

Về hành vi đạp ngã chị A khi chị đang mang thai để cướp tài sản dẫn đến chị A bị sảy thai, có ý kiến cho rằng đây là hành vi giết người. Tuy nhiên, căn cứ theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội giết người thì giết người là hành vi cố ý tước bỏ quyền sống của người khác một cách trái pháp luật. Khách thể của tội giết người là tính mạng của con người.

Đối tượng tác động của tội giết người là thân thể con người đang sống được tính từ thời điểm được sinh ra cho đến khi chết đi. Thai nhi không được xem là một con người đang sống cho đến khi được sinh ra và còn sống. Hành vi xâm hại thai nhi không được xem là hành vi giết người. Do đó trong vụ việc này hành vi đạp ngã xe chị A của H dẫn đến việc chị A bị hỏng thai không được xem là hành vi giết người.

Về ý kiến cho rằng cần phải xem xét hành vi của H khi đạp ngã chị A để cướp tài sản dẫn đến chị A bị sảy thai là tội cố ý gây thương tích. Trong một vụ án cướp tài sản, có thể có trường hợp xét xử cả về tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, trong trường hợp này, phải chứng minh về mặt ý chí, người phạm tội đã cố tình gây ra thương tích cho nạn nhân, mặc dù nạn nhân đã ở trong tình trạng “không thể chống cự được”.

Hoặc mục đích của kẻ phạm tội, ngoài cướp tài sản, còn cố ý gây ra thương tích cho nạn nhân. Ví dụ khi A có thù với B, đến đánh B, gây thương tích cho B mục đích cho hả giận, ngay sau đó, thấy B có tài sản thì chiếm đoạt luôn. Trong trường hợp này, A sẽ phải chịu trách nhiệm về cả hai tội: cố ý gây thương tích và cướp tài sản.

Còn trong trường hợp A đánh B, gây thương tích cho B chỉ với một mục đích là chiếm đoạt tài sản thì chỉ xử về tội cướp tài sản, áp dụng các tình tiết định khung tăng nặng liên quan đến thương tích của B. Như vậy, trong trường hợp việc sử dụng vũ lực khi thực hiện hành vi cướp tài sản gây ra thương tích, ảnh hưởng đến sức khỏe của nạn nhân (thậm chí làm nạn nhân chết) thì sẽ bị áp dụng các tình tiết định khung tặng nặng quy định trong tội cướp. 

Trong vụ án này có ý kiến cho rằng khi H cướp tài sản của chị A, có thể lúc đó H không biết nạn nhân đang có thai nên không thể áp dụng tình tiết định khung. Tuy nhiên, theo tinh thần Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về tình tiết “phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già” thì đối với những trường hợp phạm tội do lỗi cố ý, không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của bị cáo có nhận biết được hay không nhận biết được người bị xâm hại là trẻ em, phụ nữ có thai, người già. Theo quy định của pháp luật hành vi cướp tài sản là lỗi cố ý, do đó trong vụ việc này Hoàng Xuân H sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội đối với phụ nữ có thai” mà không phụ thuộc vào việc khi phạm tội H có biết nạn nhân có thai hay không.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng luật sư Hùng Mạnh)