Tình tiết tăng nặng của vụ cướp phá két sắt trước mặt người giúp việc

ANTD.VN - Nguyễn Văn K. (SN 1981) và Hoàng Quốc H. (SN 1977) đã bàn bạc trước về việc chiếm đoạt tài sản của gia đình ông Hoàng Thành N. (giám đốc một doanh nghiệp). 

Chiều 21-7-2017, lợi dụng gia đình ông Hoàng Thành N. đi vắng, K. và H. mang theo một túi quà đến gõ cửa nhà ông N. và nói với bà Nguyễn Thị P. (giúp việc của nhà ông N.) là đến thăm gia đình. Không nghi ngờ gì, bà P. đã mở cửa cho K. và H. vào nhà. Sau khi vào nhà, K. và H. vờ xin nước uống rồi xông vào đe đọa và định trói bà P. Bà P. sợ hãi van xin K., H. và nói: “Các anh lấy gì thì cứ lấy, tôi chỉ là người giúp việc thôi”. K. và H. phá két sắt của gia đình, lấy đi 70 triệu đồng, 47 chỉ vàng cùng một số ngoại tệ. Tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt là 460 triệu đồng. Sau khi K., H. lấy được tài sản và bỏ đi thì bà P. mới chạy ra đường hô hoán. Một tuần sau K. và H. bị công an bắt giữ. Vấn đề đặt ra là Nguyễn Văn K. và Hoàng Quốc H. đã phạm tội gì?

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản 

Xét trong vụ việc này thì K. và H. đã có hành vi gian dối đó là tranh thủ lúc gia đình ông N. đi vắng đã mang theo túi quà, nói với bà P. là đến thăm nhằm để lừa dối bà P. Đây là chuỗi các hành vi mà K. và H. đã bàn bạc với nhau từ trước để đánh lừa bà P. bởi vì ông N. là giám đốc một doanh nghiệp nên việc có người đến thăm không phải là sự bất thường gì. Khi K. và H. mang quà đến biếu thì lập tức đã đánh lừa được bà P. mở cửa cho vào và còn cho K. và H. nước uống. Như vậy, K. và H. đã có hành vi cố ý đưa ra các thông tin không đúng sự thật nhằm mục đích để người khác tin đó là sự thật và sau đó có hành vi chiếm đoạt tài sản. Vì vậy các đối tượng này đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Hoàng Đình Toán (Lý Nhân - Hà Nam)

Phạm tội trộm cắp tài sản 

K. và H. đã phạm tội trộm cắp tài sản vì chúng có hành vi lợi dụng lúc gia đình ông N. đi vắng để lấy tài sản. Theo quy định của pháp luật, hành vi khách quan của tội trộm cắp tài sản đó là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản. “Lén lút” ở đây có nghĩa là thực hiện hành vi với mục đích không cho chủ sở hữu biết là có hành vi chiếm đoạt đang xảy ra. Trong vụ việc này, K. và H. đã lấy tài sản của ông N. khi ông N. không có mặt và không biết hành vi chiếm đoạt đang xảy ra. Mặc dù bà P. có mặt ở nhà và chứng kiến việc K. và H. lấy tài sản nhưng bà P. chỉ là người giúp việc, không phải là chủ sở hữu của những tài sản đó. 

Vũ Thúy Hằng (Đoan Hùng - Phú Thọ)

Phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản 

Theo nội dung vụ việc, thì K. và H. đã phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Đặc điểm nổi bật của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo tôi biết đó là người phạm tội ngang nhiên lấy tài sản trước mặt người quản lý tài sản mà họ không làm gì được. Tính chất công khai, trắng trợn của hành vi thể hiện ở chỗ người phạm tội không giấu giếm hành vi phạm tội của mình. Trong vụ việc này, K. và H. đã công khai lấy tài sản trước mắt người giúp việc, ngay tại nhà của ông Hoàng Thành N., do đó 2 đối tượng này đã đủ cơ sở để cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo Điều 137, Bộ luật Hình sự.

Nguyễn Tuấn Quỳnh (Hương Sơn - Hà Tĩnh)

Bình luận của luật sư

Trong vụ việc này, theo chúng tôi, Nguyễn Văn K. và Hoàng Quốc H. không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước hết ta hiểu rằng, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn gian dối. Khi đưa ra các thông tin sai sự thật, về mặt chủ quan thì người phạm tội biết được rằng đó là những thông tin sai sự thật nhưng vẫn nói và mong muốn người khác tin đó là sự thật và giao tài sản cho mình.

Tuy nhiên, trong vụ việc này hành vi mà K. và H. đánh lừa bà P. không được coi là thủ đoạn gian dối của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi, thứ nhất hành vi gian dối của K. và H. chỉ nhằm mục đích lừa bà P. ra mở cửa tạo điều kiện thuận lợi để cho chúng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản chứ không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Thứ hai, thủ đoạn gian dối của K. và H. không làm cho bà P. giao tài sản cho chúng mà việc chiếm đoạt tài sản thông qua hành vi “đe dọa và định trói bà P.” khiến bà P. hoảng sợ rồi mặc cho bọn chúng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của gia đình ông N. trong khi bà P. là người có trách nhiệm quản lý tài sản. Như vậy ta thấy, cả về khách thể lẫn hành vi khách quan mà K. và H. đã thực hiện thì không thể khẳng định K. và H. phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139, Bộ luật Hình sự.

Theo chúng tôi, K. và H. cũng không phạm tội trộm cắp tài sản. Trong tình huống này, K. và H. đã chiếm đoạt tài sản lúc gia đình ông N. không có ở nhà tức là chủ sở hữu không có mặt và không biết hành vi của K. và H., nhưng tài sản lúc này đang có người quản lý đó là bà P. Bà P. là người giúp việc nên khi gia đình ông N. không có nhà thì bà P. có nhiệm vụ trông coi nhà cửa và quản lý tài sản giúp ông N. K. và H. đã cố tình mua quà đến và nói dối bà P. rằng đến thăm gia đình chứng tỏ K. và H. nhận thức rõ rằng tài sản đang có người trông coi quản lý mà hành vi của K. và H. lại không hề có ý thức lén lút mà hết sức công khai. Đó là đe dọa và định trói bà P. lại. Do vậy, hành vi của K. và H. không thể cấu thành tội phạm trộm cắp tài sản theo Điều 138, Bộ luật Hình sự. 

K. và H. cũng không phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, bởi K. và H. phải chiếm đoạt tài sản khi mà chủ sở hữu không có điều kiện ngăn cản ví như là 1 người trèo lên cột điện sửa điện mà bị ăn trộm lấy mất xe máy, dù biết bị lấy nhưng không thể ngăn cản được. Nhưng trong trường hợp này, trước khi công khai chiếm đoạt tài sản K. và H. đã đe dọa và định trói bà P. lại chứng tỏ bà P. vẫn có điều kiện ngăn cản nhưng lại bị K. và H. ngăn chặn bằng cách định sử dụng vũ lực và lời đe dọa làm bà P. sợ hãi và không ngăn cản được việc chiếm đoạt tài sản của K. và H. Vì vậy, hành vi của K. và H. không thuộc cấu thành tội phạm được miêu tả của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản Điều 137, Bộ luật Hình sự.

Theo chúng tôi, trong vụ việc này, Nguyễn Văn K. và Hoàng Quốc H. đã phạm tội cướp tài sản theo Điều 133, Bộ luật Hình sự. Theo quy định của pháp luật, khách thể của tội cướp tài sản là xâm hại đến cả quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản. Như vậy, để xác định được đúng loại tội phạm là cướp tài sản hay tội phạm xâm phạm sở hữu khác thì việc xác định đúng khách thể và đối tượng bị tội phạm xâm hại có ý nghĩa rất quan trọng.

Trước hết về quan hệ sở hữu, thì đối tượng bị xâm hại là 460 triệu đồng - tổng giá trị tài sản mà K. và H. đã chiếm đoạt. Tiếp đó là về quan hệ nhân thân, cần phải xác định hành vi nào được coi là xâm phạm đến nhân thân, ở đây bà P. chính là đối tượng bị xâm hại về nhân thân vì bà P. đã sợ hãi van xin K. và H. thể hiện bà P. không phải bị xâm hại về mặt sức khỏe bằng hành vi vũ lực mà bà P. bị gây sợ hãi về mặt tinh thần. Về mặt khách quan, tội cướp tài sản là tội phạm có cấu thành hình thức nên dấu hiệu hành vi khách quan chính là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. 

Có thể thấy được hành vi được mô tả trong tội cướp tài sản gồm: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự. Xét trong vụ việc này, K. và H. đã bàn bạc trước về việc chiếm đoạt tài sản của gia đình ông Hoàng Thanh N. chứng tỏ K. và H. đã lên kế hoạch rất kỹ càng từ trước rồi mới thực hiện, đây chính là một dấu hiệu hành vi của đồng phạm.

Và khi vào nhà ông N. thì K. và H. đã có hành vi đe dọa bà P. và định sử dụng vũ lực trên thực tế là định trói bà P. lại nếu bà P không van xin và nói: “Các anh muốn lấy gì thì cứ lấy, tôi chỉ là người giúp việc thôi”. Như vậy, hành vi của K. và H. đã xâm phạm đến quyền nhân thân của bà P. Ngoài ra thông qua biểu hiện hoảng sợ của bà P. và thông qua việc K. và H. đe dọa và định trói bà P. trong hoàn cảnh không có ai như vậy thì có thể thấy hành vi sử dụng vũ lực hoàn toàn có thể xảy ra và sẽ xảy ra nếu bà P. không van xin. Do đó ta khẳng định K. và H. đã có hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc đối với bà P. làm bà P. hoảng sợ và lâm vào tình trạng không thể chống cự được.

Cũng cần phải khẳng định rằng, mặc dù bà P không phải là chủ sở hữu số tài sản mà H. và K. chiếm đoạt, bà P. chỉ là người giúp việc; nhưng bà P. sẽ là người quản lý tài sản giúp chủ nhà - là gia đình ông N. trong khi gia đình ông N. không có nhà nên bà P. cũng là người được coi là sẽ cản trở hành vi chiếm đoạt của H và K. Do đó, H. và K. đã có ý định trói bà P. lại. Như vậy, những hành vi của H. và K. đã phù hợp với dấu hiệu hành vi của tội cướp tài sản đã nêu ở trên.

Về mặt chủ quan của tội phạm, tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. K. và H. hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện hành vi đó, thậm chí đã có sự bàn bạc từ trước chứng tỏ kế hoạch đã hoàn chỉnh. Việc lựa chọn hành động mà pháp luật cấm của K. và H. ở đây là nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Hành vi khách quan của tội phạm đã được miêu tả ở trên chỉ trở thành hành vi phạm tội nếu nó nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Số tài sản mà K. và H. đã chiếm đoạt được chính là tình tiết định khung tăng nặng được quy định tại điểm B, Khoản 3, Điều 133, Bộ luật Hình sự “Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng”.

Như vậy, có cơ sở để khẳng định K. và H. là đồng phạm tội cướp tài sản theo điểm B, Khoản 3, Điều 133, Bộ luật Hình sự. 

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)