Tình thương không xóa được tội ác

ANTĐ - Dù đã dự nhiều phiên tòa, gặp nhiều cảnh ngộ éo le, nhưng tôi vẫn bị ám ảnh mỗi khi nhìn thấy những người mẹ, người cha của các nạn nhân, thậm chí là của bị cáo đau đớn vật vã bên hành lang phòng xử. Căm hận phẫn uất, hay đắng cay tủi hổ, họ đều có chung tâm trạng tuyệt vọng và bất lực, vì biết mình không thể nào cứu vãn được hậu quả đã xảy ra… 

Bà Nhung vật vã khóc bên ngoài phòng xử án

Nỗi đau của hai người mẹ

Khi chiếc xe chở can phạm của Đội dẫn giải, Trại tạm giam số 1 đỗ trước cổng, nhác thấy đám thanh niên gây ra cái chết cho con trai mình lục tục bước xuống, bà Phùng Thị Nhung (mẹ của bị hại Hoàng Văn Mạnh) đã khóc nấc, rồi ú ớ đổ vật xuống nền nhà. Kể từ lúc ấy cho tới khi kết thúc buổi xử án, người mẹ khổ đau và tuyệt vọng này không lúc nào ngừng rơi nước mắt.

Câu chuyện bắt đầu từ tối 25-8-2010. Hôm đó, nhóm đối tượng Thuận, Thắng, Toàn,  Phương và Chương, đều trú tại xã Lê Thanh (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội), điều khiển xe máy rủ nhau đi ăn chè. Khi đến tỉnh lộ 419, cả nhóm gặp anh Nguyễn Văn Quý (SN 1985), điều khiển xe máy chở cháu họ là anh Hoàng Văn Mạnh (SN 1990), đều ở xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức. Thấy nhóm Thắng đi xe máy nghênh ngang, anh Quý bóp còi rồi nhấn ga vượt lên. Sẽ chẳng có gì xảy ra nếu như Thắng không nổi máu yêng hùng, rồ ga đuổi theo anh Quý. Dù chẳng quen, hay có thâm thù gì nhưng nhóm của Thắng muốn ra oai nên hò nhau đuổi đánh. Đến thôn Đoan Nữ, xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, Toàn thò tay túm ngực áo anh Mạnh giật lại, khiến xe máy anh Quý đổ vật ra đường, lao xuống mương nước. Anh Mạnh bị hất văng khỏi xe, đập đầu vào cột mốc ven đường và tử vong sau đó. Hành vi trên của nhóm Thắng đã bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt đúng người đúng tội, song điều đó không thể làm nguôi ngoai nỗi đau của bà Nhung. Việc nhìn thấy những kẻ cướp đi tính mạng đứa con duy nhất, chỗ dựa duy nhất lúc về già của mình dường như quá sức chịu đựng, bà Nhung không thể dự hết phiên tòa mà bỏ ra hành lang khóc xé gan xé ruột.

Cũng “mất” con dù nó còn đứng ngay trước mặt, chị Nguyễn Thị Thanh, ở xã Minh Châu, huyện Ba Vì, TP Hà Nội  chưa tới mức tuyệt vọng như bà Nhung nhưng vẫn đau khổ không kém. Con trai chị, Nguyễn Duy Phong (SN 1995) bị TAND TP Hà Nội tuyên án 7 năm tù. Con đường đưa Phong vào  vòng lao lý khi còn là một học sinh lớp 10 hết sức điên rồ. Chán học, Phong thường xuyên trốn tiết đi chơi bi-a ăn tiền. Một lần thua đậm, bị “chủ nợ” thúc ép, Phong đã dùng dao tước đi mạng sống của anh Nguyễn Tuấn Anh (SN 1995, trú tại thôn Chu Quyến, xã Chu Minh, huyện Ba Vì). Cánh cửa tương lai đã đóng sập khi Phong mới 16 tuổi. Hôm diễn ra phiên tòa, thấy Phong đứng trước vành móng ngựa, chị Thanh khóc nức nở. Đôi vai gầy guộc của người phụ nữ lam lũ rung rung từng hồi, rồi đôi chân khuỵu xuống, không nhìn con, chị cất lời cầu xin phía bị hại hãy tha thứ cho đứa con dại dột của mình.

Đứt ruột vì con dại

Trong phiên tòa xử nhóm đối tượng Thuận, Thắng, Toàn,  Phương và Chương, tôi đã không thấy các bị cáo rơi một giọt nước mắt nào. Sự vô cảm hiển hiện trên những khuôn mặt non choẹt ở một góc độ nào đó càng khiến người ta cảm thương cho những đấng sinh thành trót sinh ra đứa con “trời đánh”. Ân hận, cay đắng, tủi hổ, xót xa, dằn vặt, những ông bố, bà mẹ tội nghiệp của các bị cáo chỉ biết cúi gằm mặt xuống khổ tâm và nghĩ rồi chúng nó sẽ ra sao khi tương lai chôn vùi trong song sắt trại giam. Trong những người cha khốn khổ ấy, có lẽ ông Vũ Văn Thông (bố bị cáo Thuận) là người khiến chúng tôi chú ý hơn cả. Trong phiên tòa, ông Thông thấp thỏm, lo âu, đứng ngồi không yên. Ôm khư khư cái túi xách vào lòng đi như chạy trốn khỏi phòng xử, ông bảo: “Thôi để bà nhà tôi đại diện chứ tôi cũng chẳng biết gì, chẳng còn tâm trí đâu mà nói”, ông vẫn sốc khi nghĩ về tội ác của con mình. 

Ngồi bệt xuống nền xi-măng trước sân tòa, phải rít đến mấy hơi thuốc để lấy bình tĩnh, ông mới rầu rầu tâm sự: “Làm cha, làm mẹ nào có ai dạy con làm điều ác. Khổ lắm chú ạ, con dại cái mang. Nhà nghèo, đáng lẽ chúng nó phải biết thương bố mẹ… Đằng này…”. Nhà ông Thông chỉ trông vào 4 sào ruộng, làm chẳng đủ ăn. Để có đồng ra đồng vào, hàng ngày, cứ 5h sáng, ông lại phải bắt xe buýt lên trung tâm lấy tăm rồi cầm tờ chứng nhận của Hội Người mù đi bán. Cứ bán được 10.000 đồng thì ông Thông được 2.000 đồng. Cho dù cả ngày có khi đi hết phố nọ, đường kia cũng chỉ bán được vài chục nghìn đồng nhưng vẫn phải làm. Ăn chẳng dám ăn. Cuốc bộ bán tăm đến gãy đầu gối, đến bữa, gặp ghế đá, hay vỉa hè có bóng cây là ông  lôi chai nước cùng cái bánh mì ra là xong bữa. Ấy thế mà thằng Thuận chẳng biết thương bố mẹ. “Tôi biết con tôi làm thế là sai, lòng tôi đau lắm, nhưng có lẽ tôi đau một thì bên bị hại đau gấp mười…”, ông Thông đưa tay quệt những giọt nước mắt trên má, nói.

Cùng nỗi đau làm cha có con mang trọng tội như ông Thông, anh Nguyễn Duy Thắng (SN 1974, bố của bị cáo Phong) cũng không khỏi bàng hoàng tâm sự, là một trong những hộ khó khăn về kinh tế, anh phải khăn gói đi làm phu hồ thuê hết nơi này đến nơi khác. Lúc không có việc thì lên tận Phú Thọ, Lào Cai… làm nghề khai thác cát thuê trên sông. Mọi việc ở nhà anh đều phó mặc cho vợ. Ngày nhận được tin con trai mình ở quê phạm tội giết người, anh Thắng bủn rủn chân tay, vội bỏ việc để về. Nhưng tình thương không xóa được tội ác. Giá như, những đứa con tội lỗi kia cũng biết nghĩ cho cha mẹ của chính mình. 

(Một số người liên quan đã được đổi tên)