Tinh thần tình nguyện ở Indonesia - tâm dịch Covid-19 toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Indonesia đã lập kỷ lục không mong muốn: vượt qua Brazil, trở thành nước đứng đầu thế giới về số ca tử vong vì Covid-19 trong ngày. Nhưng trong những ngày này, ngày càng có nhiều người tình nguyện chung tay phòng chống đại dịch.
Nhiều người sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng khi đại dịch tàn phá Indonesia

Nhiều người sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng khi đại dịch tàn phá Indonesia

Làm việc từ trái tim

11 ngày qua, Wisnu Sopian đã đi khắp các con đường ở Cipanas, thuộc tỉnh Tây Java của Indonesia, trên chiếc xe máy của mình. Nhưng đây không phải là những tháng ngày ngao du, chàng sinh viên đại học 25 tuổi đang giao thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày đến nhà của những bệnh nhân Covid-19 tự cách ly.

Wisnu đã tình nguyện trở thành một người giao hàng không công trong thị trấn sau khi anh nhận thấy rằng rất nhiều người quen gặp khó khăn trong quá trình tự cách ly, từ khó khăn về tài chính đến việc sống một mình mà không có ai giúp đỡ. “Tôi thấy nhiều nơi nổi lên phong trào giúp đỡ lẫn nhau, nhưng nơi tôi ở không có ai cả. Tôi nghĩ mình cứ tự làm vì chính quyền địa phương còn rất nhiều việc khác để chống dịch”, Wisnu Sopian nói.

Ngày 8-7, Wisnu đã đăng số điện thoại của mình lên Twitter để các bệnh nhân ở Cipanas có thể nhắn tin cho anh nếu họ cần thực phẩm chính, sữa và bỉm cho trẻ em hoặc các nhu cầu hàng ngày khác. Chiều hôm đó, một tin nhắn đến từ một bệnh nhân sống cách nhà 33km nên anh đã tự dùng tiền của mình để mua thực phẩm và giao tận nơi. Sau thông báo đó, Wisnu nhận quyên góp của mọi người để giúp giao hàng cho 3 hoặc 4 người mỗi ngày. Anh đã nhận được khoảng 9 triệu rupiah tiền ủng hộ và đã chi hơn một nửa số tiền đó. Có những lần anh giao ở nơi cách xa 40km, nhưng khoảng cách không thành vấn đề.

Tại một khu dân cư ở Bogor, ngoại ô Thủ đô Jakarta, một gia đình vừa mất người thân vì Covid-19. Ngồi trước người cha đã khuất, một cô gái trẻ khóc nức nở khi một nhóm người cẩn thận bọc thi thể ông sau khi đã khử trùng. Âm thanh đau buồn này đã quá quen thuộc với Muhammad Jauhar, 32 tuổi, là thành viên của đội hỗ trợ các gia đình trong khu vực. “Chúng tôi làm nhiều công việc khác nhau trong lực lượng đặc nhiệm này, tôi lái xe cứu thương chở những người đã khuất và chuẩn bị nhiều thứ - bao gồm cả quan tài và tấm vải liệm. Tôi cũng chuẩn bị cho việc dọn dẹp, gói và chuyển thi thể đến nghĩa trang”, anh nói.

Công việc chính của Jauhar là đạo diễn truyền hình nhưng khi Indonesia phải vật lộn với số ca tử vong vì Covid-19, anh đã tình nguyện tham gia việc chôn cất nạn nhân. Tại các khu chôn lấp bệnh nhân đại dịch, những phu mộ làm việc suốt đêm để kịp hoàn thành khối lượng công việc. Những tình nguyện viên như Jauhar hiện là một phần thiết yếu của ngành tang lễ Indonesia. “Ảnh hưởng của Covid-19 là rất lớn, số người chết ở Bogor thực sự rất cao. Chúng tôi không nhận bất kỳ khoản thanh toán nào mà làm việc từ trái tim mình”.

Quá tải khám bệnh từ xa

Khi các bệnh viện quá tải buộc phải từ chối người bệnh, ngày càng có nhiều người chết khi cách ly tại nhà. Nhiều người thậm chí chưa bao giờ có cơ hội được chuyên gia y tế hỏi thăm. Ahmad Arif, một trong những người đồng sáng lập của nhóm Lapor Covid-19, chuyên thu thập và đối chiếu dữ liệu liên quan đến đại dịch cho biết: “Hầu hết những người tử vong trong tình trạng cách ly đều gặp khó khăn khi tiếp cận các bệnh viện. Chúng tôi thấy rằng, những cái chết này là một dấu hiệu cho thấy sự sụp đổ của các dịch vụ y tế”.

Hiện nay, trong số những người cung cấp dịch vụ y tế từ xa miễn phí có bác sĩ Riyo Pungki Irawan, làm việc tại Yogyakarta, người đã tập hợp một nhóm khoảng 30 chuyên gia y tế trên khắp đất nước sử dụng các ứng dụng nhắn tin để phục vụ cho hàng nghìn bệnh nhân Covid-19 tự cách ly.

“Trong một ngày, tôi có thể nhận được tới 500 tin nhắn trên WhatsApp”, vị bác sĩ trẻ 25 tuổi cho biết. Khối lượng tin nhắn khổng lồ đã buộc anh phải giới hạn giờ khám bệnh từ xa 1 ngày 1 tiếng, vào 7-8h sáng hàng ngày. “Tôi vẫn phải đến bệnh viện buổi sáng rồi làm việc đến tối muộn. Sức có hạn, tôi thực sự đã quá tải”.

Để giải quyết tình trạng khan hiếm giường bệnh, chính quyền Indonesia đã biến các căn hộ, tòa nhà chính phủ, sân vận động thể thao và bãi đỗ xe bệnh viện ở những khu vực có nguy cơ cao thành các phòng cách ly hoặc điều trị. Indonesia cũng đã nhận được máy thở, vaccine, bình dưỡng khí, bộ dụng cụ xét nghiệm và các thiết bị y tế khác từ các đối tác thương mại như Mỹ, Australia, Ấn Độ, Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất và Singapore.

Nhưng bác sĩ Riyo cho biết, thêm giường bệnh và thiết bị y tế sẽ không hữu ích nếu các bác sĩ và y tá tuyến đầu tiếp tục tử vong vì Covid-19 trong khi các ca bệnh vẫn tiếp tục gia tăng. Đến nay, 1.439 nhân viên y tế nước này đã tử vong kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Trong tháng 7, Indonesia đã vượt qua Ấn Độ về số ca nhiễm mới Covid-19 hàng ngày cao nhất và đánh đổ kỷ lục của Brazil về số ca tử vong trong ngày cao nhất thế giới. Nhà dịch tễ học Dicky Budiman từ Đại học Griffith ở Australia dự đoán rằng, làn sóng hiện tại ở quốc gia Đông Nam Á này sẽ đạt đỉnh vào khoảng cuối tháng 7 hoặc giữa tháng 8 và đường cong có thể sẽ bị san phẳng vào cuối tháng 9.