Tinh thần doanh nghiệp đã được xốc lại

ANTĐ - Là người phát biểu cuối cùng trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội sáng 31-10, đồng thời đại diện cho tiếng nói khách quan từ phía doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc (ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho biết, tinh thần doanh nhân Việt Nam đã được xốc lại.

Tinh thần doanh nghiệp đã được xốc lại ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với ĐBQH bên hành lang Quốc hội ngày 31-10

Để dẫn chứng cho nhận định nói trên, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, khảo sát của VCCI cho thấy chỉ số niềm tin vào môi trường kinh doanh quý II-2014 đã tốt hơn so với quý I và cả năm 2013. Xu hướng này tiếp tục được thể hiện trong 6 tháng cuối năm khi phần lớn doanh nghiệp được khảo sát cho biết sẽ duy trì hoặc mở rộng quy mô kinh doanh.

Ông Vũ Tiến Lộc cho biết thêm, các tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB, IMF, Diễn đàn Kinh tế Thế giới... đều có chung nhận định, công cuộc cải cách thể chế kinh tế ở Việt Nam đã đi đúng hướng. Giữa tháng 10 này, Tờ báo điện tử có uy tín ở Nhật Bản - The Daily NNA đã công bố, lần đầu tiên Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc để chiếm giữ vị trí số 1 trong bảng xếp hạng các quốc gia được lựa chọn đặt cơ sở sản xuất ở nước ngoài của doanh nghiệp Nhật Bản, qua khảo sát 23.000 doanh nghiệp. Và mới đây, KPMG (Công ty kiểm toán hàng đầu thế giới) cũng đưa ra kết quả: Việt Nam đã từ vị trí thứ 12 vươn lên thứ 4 trong các thị trường hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư Mỹ.

Tuy vậy, ĐB Vũ Tiến Lộc cũng nhấn mạnh, tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong nước thời gian qua vẫn khó khăn khi chỉ có 30% doanh nghiệp có lãi, số doanh nghiệp thành lập mới tương đương số doanh nghiệp giải thể, phá sản. Nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh vẫn thực sự là một thách thức to lớn. Chính phủ cần tiếp tục có giải pháp hỗ trợ đủ mạnh để doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vượt qua khó khăn. Đặc biệt, cần tiếp tục cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo phương châm “thoái sức của Nhà nước ra khỏi lĩnh vực hành chính công, thoái vốn của Nhà nước ra lĩnh vực kinh doanh”.

Trước đó, thảo luận tại hội trường, các ĐBQH tiếp tục tập trung phân tích những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế và giải pháp tháo gỡ. Nhiều ý kiến lo ngại về tình hình nợ công, nợ xấu, năng suất lao động thấp, hay trăn trở về vấn đề cải cách tiền lương cho người lao động… Đặc biệt, ĐB  Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho biết, theo công bố mới nhất của Tổ chức minh bạch quốc tế, chỉ số tham nhũng trong khu vực công tại Việt Nam vẫn rất nghiêm trọng, xếp thứ 116 /177 quốc gia và vùng lãnh thổ, chỉ đạt 3/10 điểm. “Nhiều công trình dự án được đầu tư xây dựng là hệ quả của căn bệnh “thích hoành tráng”, căn bệnh “thèm ngân sách”. Những công trình này tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng nhưng công năng và hiệu quả sử dụng khiêm tốn, thậm chí có những công trình vừa khai trương đã khai tử, bỏ hoang hóa, sử dụng không đúng mục đích…” – ĐB Lê Như Tiến nói.

Vấn đề quản lý nhà công vụ, nhất là tình trạng cố ý chiếm đoạt, biến nhà công vụ thành nhà tư vụ của nhiều cán bộ về hưu cũng được một số ĐBQH quan tâm. ĐB Lê Như Tiến cho rằng, hàng chục nghìn nhà công vụ đang được sử dụng sai mục đích, nếu Chính phủ xử lý nghiêm, thu hồi để cho thuê, bán, đưa vào ngân sách Nhà nước, đồng thời cắt giảm hàng trăm công trình chưa cần thiết, điều chỉnh hàng nghìn công trình quá “hoành tráng”, chống thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản… thì sẽ có thêm hàng chục nghìn tỷ đồng bổ sung cho ngân sách, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển và cải cách tiền lương theo lộ trình đã lỗi hẹn 2 năm qua.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh): Tính toán kỹ vẫn có thể tăng lương được

Đúng là ngân sách đang rất khó khăn nhưng việc điều chỉnh tiền lương vẫn có thể thực hiện được nếu tính toán khoa học và cơ cấu lại nguồn chi một cách hợp lý. Trong trường hợp không thể tăng hết lương cho toàn bộ thì cũng có thể tính tới phương án tăng từng phần theo từng đối tượng ưu tiên với tỷ lệ tăng khác nhau, trong đó ưu tiên tăng lương cho khu vực thu nhập thấp trước. Chẳng hạn, trong đợt tăng đầu tiên có thể xét ưu tiên tăng lương cho người lao động thu nhập thấp dưới 5 triệu đồng/tháng. Ứng với từng nhóm cụ thể sẽ có tỷ lệ tăng lương khác nhau, dao động từ 2-5%. 
Lộ trình tăng lương đã hoãn 2 năm qua. Nếu tiếp tục trì hoãn tăng lương, người lao động không có thu nhập đảm bảo mức sống hàng ngày thì sẽ ảnh hưởng tới chất lượng và năng suất lao động. Hiện tại, trong các khoản chi ngân sách, có tới 67% dành cho chi thường xuyên (chi lương, công tác hành chính, đi công tác nước ngoài…). Nếu chúng ta chắt chiu, tiết giảm các khoản chi không cần thiết thì có thể dành chi trả lương.