Tỉnh táo trước những giao dịch lừa trên mạng Internet

ANTĐ - Những tháng đầu năm 2016, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Hà Nội phát hiện điều tra, xử lý 19 vụ việc vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử; trong đó phối hợp các đơn vị chức năng xử lý hình sự, khởi tố 10 vụ việc với 19 đối tượng. Ngoài các mặt hàng, sản phẩm điện tử, y tế, đồ gia dụng, nổi lên hiện tượng mua bán các loại giấy tờ, tài liệu giả.

Một số nội dung, hình ảnh quảng cáo “trên trời” được đăng tải trên các trang mạng xã hội

Quảng cáo... trên trời

Chỉ huy Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Hà Nội ngày 19-6 cho biết, đơn vị vừa chuyển hồ sơ và đối tượng đến CQĐT CATP, để điều tra mở rộng vụ lừa bán điện thoại iPhone 6S được làm giả từ iPhone 6 do Trung Quốc sản xuất.

Theo cơ quan công an, các đối tượng liên quan đến vụ việc này gồm Lã Minh Đức (SN 1995), ở La Khê, Hà Đông và Lê Vũ Tuấn Đạt (SN 1995), ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đã đăng thông tin bán điện thoại iPhone 6S với giá rẻ trên địa chỉ “nhattao.com”. Thực chất, những chiếc điện thoại này có xuất xứ.. Trung Quốc, được thay đổi phần mềm và phần cứng để giả iPhone 6S thật. Chỉ đến khi người mua thực hiện việc khôi phục phần mềm hay nâng cấp thì mới xuất hiện thông báo lỗi thiết bị và phần mềm không tương thích. Lúc này, hàng giả lộ tẩy.

Theo đại diện Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, đây chỉ là một trong nhiều chiêu trò lừa đảo mà các đối tượng xấu lợi dụng thông qua giao dịch thương mại điện tử. Xu hướng phổ biến hiện nay là nhiều cá nhân mở trang web kinh doanh nhưng không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền hoặc lập tài khoản cá nhân trên các mạng xã hội Facebook, Zalo để bán hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng so với quảng cáo...

“Chúng tôi tiếp nhận nhiều đơn trình báo, phản ánh của người dân về việc bị lừa khi tham gia mua bán online. Theo đó, các đối tượng lập trang web và Facebook quảng cáo bán một số mặt hàng có tác dụng làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh với tính năng, tác dụng không khác gì thần dược. Tuy nhiên, việc trao đổi mua bán, giao dịch chỉ thực hiện qua điện thoại hoặc liên lạc qua Internet chứ người mua không biết địa chỉ người bán ở đâu. Đến khi chuyển tiền, nhận hàng, người mua mới ngã ngửa vì hàng không hề có tác dụng như quảng cáo”, đại diện Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao chia sẻ.

Điển hình như việc rao bán “nam châm cai thuốc lá”, được giới thiệu là hàng xách tay từ Mỹ, mạ vàng 24 carat, giá 1 triệu đồng/hộp. Cục nam châm này có kích cỡ bằng đầu ngón tay được quảng cáo chỉ cần đặt lên tai từ  3-4 giờ/ngày, sẽ giúp người nghiện thuốc lá bỏ thuốc chỉ trong vòng 1 tháng. Để người mua tin tưởng, “nhà phân phối” còn dựng nên một “điển hình” tên là Nam, 31 tuổi, ở Hà Nội.

Nam chia sẻ câu chuyện cai thuốc lá bằng cục nam châm kỳ diệu, chỉ sau 2 ngày sử dụng đã thấy “kinh tởm mùi thuốc lá” và không thấy thèm khi thấy người khác châm thuốc. Từ “kinh nghiệm” của mình, Nam hướng dẫn mọi người vào đường link bán hàng để mua cục nam châm cai thuốc thần kỳ trên. Nhiều người đã mua thử sản phẩm này sử dụng, kết quả chưa thấy đâu mà chỉ thấy sự bất tiện khi phải kè kè 2 cục nam châm ở tai. 

Ngoài ra còn rất nhiều chiêu trò quảng cáo… trên trời khác có dấu hiệu lừa đảo, đã và đang bị cơ quan chức năng theo sát. Như “kẹp nâng mũi Hàn Quốc”, giá chỉ 160.000 đồng/chiếc, có tác dụng nâng mũi không đau, lại không cần phẫu thuật. Thế nhưng, theo các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ thì đây là một cách làm đẹp hết sức… phản khoa học. Bởi muốn nâng cao mũi đều phải nhờ đến phẫu thuật hoặc tiêm chất làm đầy. Còn cách kẹp mũi trên không những gây ảnh hưởng hô hấp mà còn làm trầy xước da.

Trắng trợn lừa đảo

Một trò lừa phổ biến là lập trang Facebook giả mạo bán hàng trên mạng, yêu cầu người mua chuyển tiền trước, rồi chiếm đoạt. Thủ đoạn của đối tượng là rao bán hàng “xịn” với giá rẻ, giục người mua chuyển khoản trước để giữ hàng nếu không sẽ hết. 

Điển hình như vụ đối tượng Nguyễn Trọng Hòa (SN 1987), ở Sầm Sơn, Thanh Hóa lập tài khoản Facebook “Trọng Hòa (Vertu)”, rao bán các loại điện thoại di động Vertu, iPhone... với giá rẻ. Hòa yêu cầu người mua chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng trước rồi chuyển hàng, sau đó chiếm đoạt tiền của người mua. Qua điều tra, lực lượng chức năng làm rõ, Hòa đã chiếm đoạt gần 50 triệu đồng bằng trò lừa này.

Cách đây không lâu, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khám phá vụ đối tượng Trương Thị Thu Thảo (SN 1995, ở quận 3, TP.HCM), có hành vi đăng quảng cáo bán vé máy bay giá rẻ trên mạng xã hội Facebook, Zalo để lừa khách hàng chuyển tiền mua vé máy bay. Sau khi thỏa thuận việc mua bán vé máy bay giá rẻ với khách hàng, Thảo kiểm tra chuyến bay, giá vé và đặt chỗ tại website của Công ty cổ phần hàng không Vietjet và điền thông tin đặt chỗ. Sau khi phía Vietjet gửi thông tin vé máy bay đến hộp thư điện tử, Thảo tải nội dung thư xuống, sử dụng phần mềm máy tính để sửa chữa thông tin “chưa thanh toán” thành “đã xác nhận” để lấy tiền của khách. Bằng cách này, Thảo đã chiếm đoạt khoảng 100 triệu đồng.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác khi tham gia mua bán trên mạng: Chỉ nên tham gia vào các sàn giao dịch, website bán hàng uy tín, để được đảm bảo quyền lợi khi có sự cố xảy ra. Những người thường xuyên mua bán online cũng cần chú ý đến danh sách “đen” mà các thành viên tham gia mua sắm trực tuyến thông báo cho nhau để biết các địa chỉ, tên giao dịch trực tuyến có dấu hiệu lừa đảo, không có uy tín hoặc bị cấm hoạt động. Đồng thời không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu trên những website, đường link lạ, đề phòng đối tượng trộm cắp thông tin sử dụng vào mục đích xấu.