- Chủ quán Internet 'kiếm thêm' bằng việc cho vay lãi nặng
- Lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở năm 2025 là 4,7%/năm
- Người phụ nữ cho vay tiền với lãi suất lên tới 442%/năm
“Ma trận” tín dụng đen
Cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng, vay vốn làm ăn của người dân tăng cao. Đây cũng là thời cơ mà các đối tượng tội phạm triệt để lợi dụng, tung các chiêu trò trong hoạt động cho vay lãi nặng. Điều đáng nói là loại tội phạm này đã có sự biến tướng trong phạm vi, phương thức hoạt động từ môi trường thực tế lên không gian mạng, khiến không ít người dân rơi vào “ma trận”, sập bẫy tín dụng đen.
Mới đây, qua công tác điều tra, nắm tình hình, Công an TP Thanh Hóa đã phát hiện và huy động lực lượng đồng loạt bắt giữ 13 người liên quan đến "tín dụng đen", cùng trú TP Thanh Hóa và huyện Quảng Xương. Khám xét khẩn cấp chỗ ở của những người này, lực lượng công an thu giữ 12 điện thoại di động, 37 giấy vay nợ, 4 xe ô tô, 477 triệu đồng tiền mặt và nhiều giấy tờ liên quan đến việc vay mượn tiền với mức lãi suất "cắt cổ".
Đối tượng Nguyễn Minh Tùng cùng 4 đồng phạm tại toà |
Mở rộng vụ án, Công an TP Thanh Hóa bắt giữ thêm 4 bị can khác trong đường dây. Qua đấu tranh, nhóm này khai nhận, bọn chúng đã tổ chức cho nhiều người vay tiền với mức lãi suất từ 3.000 đồng đến 20.000 đồng/triệu đồng/ngày (tương đương với 100% - 600%), qua đó thu lời bất chính hơn 1 tỉ đồng. Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bạc Liêu vừa triệt phá thành công đường dây cho vay lãi nặng do Nguyễn Minh Tùng, SN 1991, trú thành phố Hải Phòng cầm đầu.
Theo đó, sau khi vào Bạc Liêu sinh sống, Tùng đã liên hệ với 4 đối tượng khác tạo lập 3 tài khoản trên internet để quản lý, theo dõi mọi hoạt động cho vay, thu lãi. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, các đối tượng đã cho hàng chục người dân vay tiền với lãi suất từ 300 - 900%/năm. Người dân hãy tỉnh táo trước các chiêu trò thủ đoạn cho vay của tội phạm hoạt động tín dụng đen là nội dung mà cơ quan công an muốn khuyến cáo.
Dễ vay, khó thoát
Theo cơ quan chức năng, các nhóm đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng với quy mô nhỏ lẻ thường bắt đầu từ việc dán tờ rơi quảng cáo ở những nơi công cộng như trên tường rào, trụ điện... để dụ dỗ, “bẫy” người dân vào tín dụng đen. “Một điều dễ nhận thấy là dù hoạt động theo phương thức nào, các đối tượng tội phạm đều có chung thủ đoạn đòi nợ người vay không còn khả năng trả bằng cách đe dọa, khủng bố tinh thần, tạt sơn nơi ở, ném chất bẩn, thậm chí hành hung để cưỡng đoạt tài sản. Thời gian gần đây, các đối tượng đã manh nha hoạt động trở lại và có sự chuyển đổi phương thức, cách thức cho vay thông qua các phần mềm, ứng dụng trực tuyến trên điện thoại di động, các website, mạng xã hội Facebook, Zalo”, Thiếu tá Đoàn Văn Linh – Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an phân tích thủ đoạn của tội phạm tín dụng đen gần đây.
Khi người vay truy cập vào các ứng dụng hoặc trang web vay tiền, sẽ được yêu cầu tạo một tài khoản bằng cách cung cấp thông tin cá nhân, danh bạ điện thoại, hoặc chụp 2 mặt thẻ Căn cước. Sau khi hoàn tất các điều kiện, tiền vay sẽ được chuyển vào tài khoản nhưng chỉ nhận được 2/3 số tiền, số còn lại trừ lãi và phí dịch vụ.
Chưa dừng lại ở đó, chúng còn tinh vi khi tạo lập và liên kết hàng chục các ứng dụng, trang web vay tiền khác nhau, để khi người vay không có khả năng chi trả, sẽ giới thiệu sang ứng dụng khác để vay tiền trả nợ, dần dần người vay rơi vào “vòng xoắn ốc” giữa các ứng dụng vay với mức lãi suất tăng lên theo bội số nhân. Trần lãi suất ngân hàng chỉ khoảng 9%/năm nhưng tín dụng đen hiện có lãi suất từ 100 - 300%/năm, thậm chí lên đến 700%/năm.
Dễ vay, khó thoát là cái giá chung mà nhiều người dân trót rơi vào bẫy của tín dụng đen |
Cũng theo đánh giá của Thiếu tá Đoàn Văn Linh, dễ vay, khó thoát là cái giá chung mà nhiều người dân nhẹ dạ, cả tin đã trót rơi vào bẫy của tín dụng đen. Biến tướng ngày càng tinh vi của tội phạm này không chỉ là nỗi “ám ảnh” của người vay, khiến nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khốn cùng, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động bình thường trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Đây cũng chính là nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm hoạt động mang tính côn đồ, bạo lực như: giết người, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự tại địa phương.
Để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trên, lực lượng chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phát tờ rơi, dán áp-phích để người dân nâng cao cảnh giác, phòng ngừa. Đồng thời, cung cấp số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận tin báo tố giác về tội phạm tín dụng đen. Nắm bắt được thủ đoạn này, bên cạnh hoạt động đấu tranh với tội phạm của lực lượng Công an, mỗi người dân hãy nêu cao tinh thần cảnh khác, tránh sa vào cái bẫy được giăng sẵn.