Tĩnh tâm để lựa chọn điều quan trọng

ANTD.VN - Cậu bé Fuji mồ côi cha mẹ từ nhỏ được một vị thiền sư nhận về nuôi cho làm việc bếp núc, trồng rau nuôi gà, tối tối thì được vào lớp học cùng các học trò khác. Fuji là một cậu bé vô cùng chăm chỉ, việc gì cũng làm không nề hà sớm tối. 

Ai cũng thấy suốt từ sáng sớm tinh mơ cho tới khi đêm xuống, Fuji không lúc nào ngơi tay, cậu gần như lúc nào cũng đầu tắt mặt tối mà hàng ngày công việc cũng chỉ có vậy. Càng ngày Fuji càng trở nên nóng vội, hay cáu gắt vì quá bận việc và cậu cũng không còn thời gian để vào lớp học.

Một ngày nọ, không thể chịu đựng thêm, Fuji vào gặp vị thiền sư và nói: “Thưa sư phụ, con thực sự quá mệt mỏi rồi, con cứ làm mãi mà không khá lên được, công việc vẫn cứ không ra đâu vào đâu, con cũng không còn thời gian để học nữa, con cũng không hiểu nổi là tại sao?”.

Vị thiền sư nhìn cậu bé một hồi rồi lấy ra một cái bát đặt xuống bàn, ông lại lấy ra một nắm hạt dẻ cho đầy vào trong bát, xong ông lại lấy thêm nắm gạo bỏ vào, các hạt gạo nhỏ chảy xuống bát lấp đầy những lỗ hổng của hạt dẻ, rồi ông lấy bình nước rót vào bát khiến cho các khe hở nào còn lại của hạt dẻ và gạo đều bị lấp đầy hết cả. Fuji cứ há hốc mồm nhìn vị thiền sư làm bởi cậu cứ nghĩ cái bát đã đầy ắp hạt dẻ rồi thì sao mà còn cho gì vào được, ai dè.

Vị thiền sư dừng tay hỏi Fuji: “Theo con cái bát đã đầy chưa?”, Fuji gật đầu: “Thưa sư phụ đầy lắm rồi ạ, không thể cho gì thêm”, vị thiền sư lắc đầu, lấy ra một muỗng muối thả vào bát, ngay lập tức muối chìm xuống vào nước rồi nói: “Nhưng đây không phải là điều ta muốn nói với con mà là ngược lại”. Nói rồi, vị thiền sư đổ hết những thứ trong bát ra và ông cho lại những thứ vừa cho lúc nãy vào bát nhưng theo thứ tự ngược lại. Ông cho muối rồi đổ nước và cho gạo, bát nước tràn đầy ra ngoài, ông nói: “Giờ con có thể cho hạt dẻ vào bát nữa không?”, Fuji lắc đầu: “Quá đầy rồi sư phụ”.

Vị thiền sư gật đầu bảo: “Nếu tâm trí của con là một cái bát, mà cái bát của con toàn những thứ nhỏ nhặt như gạo, muối thì làm sao những thứ lớn hơn như hạt dẻ có thể cho được vào đây?”.

Cậu bé Fuji lúc ấy mới vỡ lẽ ra mình đã sai ở đâu, vị thiền sư ôn tồn nói tiếp: “Con để cho những việc nhỏ lấn chiếm hết tâm trí, khiến con bận rộn luôn luôn nhưng cuối cùng lại chẳng được việc gì mà lại làm lỡ những chuyện lớn, có ý nghĩa với mình, như vậy gọi là bận rộn một cách mù quáng. Mà khi con mù quáng con sẽ nắm chắc thất bại, càng thất bại càng khổ sở và càng khổ sở thì lại càng bận rộn, cuối cùng con quay vòng trong một mớ bòng bong do chính mình tạo nên. Vì vậy, hãy biết tĩnh tâm, để biết lựa chọn làm cái gì trước và cái gì sau, biết nhận ra cái gì là quan trọng nhất với mình để không trở thành người mù quáng. Lúc ấy, cuộc sống của con sẽ nhẹ nhàng trôi”.