“Tình nhân” nửa thế kỷ

ANTĐ - Tôi quen vợ chồng nhà thơ Anh Vũ và họa sĩ Nguyễn Thị Phụng tính đã hơn 10 năm. Không năm nào là tôi không lên Lạng Giang, Bắc Giang cùng với bạn bè, thăm anh chị, cho dù có khi chỉ ngồi nhâm nhi chén rượu với cái bánh đa Kế ngậy bùi vừng thơm, rồi chia tay...

“Tình nhân” nửa thế kỷ ảnh 1
Nhà thơ Anh Vũ

Mê gốm như mê gái

Một trong những điểm thích thú của tôi mỗi lần lên đây là được lang thang trong vườn tượng của anh. Lần đầu tôi đến, tượng của anh chủ yếu là ông phỗng, chú tễu, con giống, với sự cách điệu dị dạng, nhưng lại tràn ngập niềm hân hoan với trời đất. Nụ cười xởi lởi trên mặt những hình gốm đã làm tôi thấy yêu mến anh, vì đó là tâm hồn nghệ sĩ trong anh đã trao gửi cho bạn bè một cách chân tình nhất. 

Chị Phụng kể, Anh Vũ mê gốm như mê gái vậy, suốt ngày nghịch đất như trẻ con, hết nhào nặn, phá bỏ, rồi lại ngồi thừ ra. Và rồi vào một đêm, những thớ đất cứ cuộn lên như có phép lạ vậy, Anh Vũ tự nặn gương mặt mình, trong bóng tối, với nụ cười rạng rỡ và thật thà với cái răng sứt, từ hồi còn trẻ. Một chân dung nghệ sĩ tự họa rất có hồn. Đó là một tác phẩm khi đưa triển lãm đã có ngay nhà sưu tầm ôm lấy. Thế là mất, Anh Vũ cũng nói, khó mà có những đêm mê sảng như thế, và điên lên như vậy để dựng chân dung mình nữa.  

Hàng chục năm sau, Anh Vũ vẫn tiếp tục “chơi với đất” như vậy. Giờ thì đầy vườn, toàn tượng là tượng, đủ kiểu dáng đủ đề tài; chân dung văn nghệ sĩ, tượng bạn bè, và nhiều nhất là tượng Bụt, tượng Phật. Chính vì vậy, vợ chồng anh đặt tên cho khu sắp đặt của mình là vườn Bụt. Chị Phụng nghĩ chồng mình nặn tượng cho vui, nhưng anh lại có triết lý của mình về tâm linh, mỗi khi một gương mặt gốm hiện lên trong vườn. Mỗi khi nặn Phật nặn Bụt, là một lần ông tu tâm, tích đức, nghiệm lại cuộc đời, sau những tháng năm vượt qua bao sóng gió để nuôi dạy con cái. Tôi nghĩ, có lẽ chính vì thế mà 6 người con của anh chị đều trưởng thành và có 3 người đã theo nghề của bố mẹ. Hai người con trai đều làm điêu khắc giống cha, còn con gái cả là họa sĩ Vũ Anh Thư theo nghề vẽ của mẹ.

Có thể nói trong các cặp vợ chồng nghệ sĩ, khó có cặp nào lại thú vị đến vậy, nếu không nói thật là hiếm. Từ năm 1960, tại trường Trung cấp Sư phạm Nhạc họa Trung ương, tình yêu sét đánh đã gắn kết hai người từ rất sớm, cho dù cô sinh viên Nguyễn Thị Phụng (SN 1941) hơn anh chàng thư sinh Vũ Công Ứng (SN 1943, tên thật của nhà thơ Anh Vũ)  đến 2 tuổi. Thế là từ đó cứ “lăn mê ly” với nhau mọi nơi, mọi lúc, trong đời sống mưu sinh và trong màu sắc trên toan. Đám cưới năm 1964, đánh dấu một chặng đường chất chứa nửa thế kỷ của những ngày lễ tình nhân, nửa thế kỷ hạnh phúc với 6 người con của hai người. 

“Nụ cười”- Chân dung tự họa của nhà thơ Anh Vũ

Cặp đôi hội họa và thi ca

Khoảng mấy năm gần đây, nhiều người khá ngạc nhiên khi hay tin họa sĩ Nguyễn Thị Phụng sau khi về hưu đã cho xuất bản tập thơ đầu tay. Đó là tập thơ “SEN” và đã gây được dư luận trong giới văn chương. Tuy vậy, trong hành trình lãng du với thơ ca, Anh Vũ không thấy bất ngờ khi vợ mình cũng làm thơ. Ngay từ thuở đứng trong hàng ngũ những người sáng lập Hội Văn nghệ Bắc Giang, nhà thơ Anh Vũ đã phát hiện ra cách thẩm thơ của vợ mình. Nhất là chất thơ dịu dàng, đồng quê, qua màu sắc và những tác phẩm hội họa nổi tiếng như: “Chiều quê”, “Mục đồng”, “Tắm tất niên”, “Hoa sen” và “Trâu”... Chúng đã làm nên một tên tuổi, họa sĩ Nguyễn Thị Phụng xứ Kinh Bắc này. Vậy nên sau này chị làm thơ và gây được sự chú ý của dư luận là điều dễ hiểu.   

Từ đó, nhà thơ Anh Vũ đã có thể cùng vợ đàm đạo cả ngày không hết chuyện, nào là tranh, nào là tượng, nào là thơ hay trường ca. Còn chị Phụng đã tâm sự câu chuyện đến với thơ ca của mình rằng, khi người ta học hội họa thì có thêm một con mắt thứ ba, và con mắt của tâm cảm này đưa chị đến với thơ. Chị rất nhớ những vần thơ đằm thắm của chồng, có những câu mang nặng nỗi niềm của sự sẻ chia trong cuộc sống hạnh phúc: “Những cơn mưa... - Cuốn anh về những đam mê - Những vụng về - Của một thời ... gõ cửa - Một thời ngọn lửa -.... bừng cháy trái tim anh”. Đó là những câu thơ của thời màu tím xưa vẫn vẹn nguyên nỗi nhớ, mà tình yêu thủy chung của hai người là vật báu trong một gia đình, không bao giờ mất đi.

Lúc này anh nheo mắt nhìn tôi rồi bất ngờ hẹn, sang năm con cái trong nhà định tổ chức đám cưới vàng cho vợ chồng anh, tôi phải có mặt. Tôi giật mình, thì ra hạnh phúc gia đình anh đã trọn nửa thế kỷ, bắt đầu từ tình yêu sét đánh thuở nào. Lúc này chị Phụng vào chào tôi rồi cắp rổ lá thuốc sang nhà hàng xóm. Chị hẹn nhớ đợi chị về mua cho hai anh em cái bánh đa ở ngoài chợ, để uống rượu cho đỡ nhạt miệng. Dáng chị gày gò lụi cụi suốt ngày ở ngoài vườn Bụt. Anh Vũ bật mí, thật ra bên quanh những bức tượng Phật là những cây thuốc mà vợ anh trồng đã nhiều năm để hái sao cho những người ốm đau quanh vùng quê nhà. Tượng là của chồng. Còn cỏ cây hoa lá là của vợ. Chúng đã sống bên nhau nửa thế kỷ giống như hạnh phúc của hai vợ chồng. 

Vậy là từ vườn Bụt này, hai vợ chồng nhà thơ đều lấy đó để tu nhân, tích đức cho con cháu. Ngắm hàng trăm tượng Bụt của Anh Vũ tôi như đang sống với những con người được sinh ra từ đất, họ đang trò chuyện và muốn chia sẻ cùng tôi bao điều mà tôi chưa từng nghe. Rồi nữa những cỏ hoa trong vườn Bụt đang rì rào trong gió đồng thổi vào mát rượi. Âm thanh tràn ngập trong vườn Bụt. Những ca khúc của tình yêu cuộc sống đang cất lên những lời ngợi ca cho đám cưới vàng sắp tới của một cặp tình nhân hội họa và thơ ca.