Tình người xuyên biên giới của người Việt giữa đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cộng đồng người Việt tại nhiều quốc gia trên thế giới đã tương thân tương ái, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn và hỗ trợ người dân nước sở tại chống dịch. Hành động sẻ chia, đoàn kết cao đẹp đó đã thắp lên ngọn lửa ấm về tình người cao quý của dân tộc Việt Nam trong khó khăn, hoạn nạn.
Anh Nguyễn Anh Nam (SN 1981), Trưởng nhóm hỗ trợ người Việt vượt qua Covid-19, hiện đang là giảng viên trường Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông, thành phố Vladivostok, tỉnh Pimorye, Liên bang Nga tặng quà các bác sĩ bệnh viện tuyến đầu của Pimorye

Anh Nguyễn Anh Nam (SN 1981), Trưởng nhóm hỗ trợ người Việt vượt qua Covid-19, hiện đang là giảng viên trường Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông, thành phố Vladivostok, tỉnh Pimorye, Liên bang Nga tặng quà các bác sĩ bệnh viện tuyến đầu của Pimorye

May và phát khẩu trang miễn phí

Mới 8h sáng, khi chị Vương Thúy An (SN 1984), Chủ tịch Tổ chức phi Chính phủ Làm cha mẹ CZ tại Cộng hòa Czech đang ngủ thì có điện thoại của Thị trưởng một thành phố nhỏ cách Praha (Cộng hòa Czech) khoảng 100km nói: Ông đang sang lấy vải quyên góp của nhóm để mang về cho những thợ may Việt Nam chỗ ông ở may khẩu trang. 7h tối. Trời rất lạnh. Một phụ nữ trung tuổi mang túi khẩu trang đã may xong đến nhà cho chị kịp gửi đến các bác sĩ ở bệnh viện tuyến đầu chống dịch. Hay một người Việt khác gửi cho nhóm của chị An 1.000m vải… - Đó là lịch trình một ngày của chị Thúy An khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại nước này vào hồi đầu năm 2020. Chị bận rộn đến nỗi, chỉ cần mở mắt là sẽ lập tức “vồ” lấy điện thoại, cắm mặt vào máy tính, không kịp chải đầu lẫn rửa mặt. Chồng chị gần như lo hết mọi chuyện nội trợ, dạy con học… để vợ có thể tập trung giải quyết công việc với mọi người.

Chị Vương Thúy An kể, thời điểm tháng 3-2020, cũng như hầu hết các nước trên thế giới, Czech nhanh chóng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đa số người Việt sang Czech làm móng, cắt tóc, mở cửa hàng thực phẩm, bách hóa tổng hợp hoặc làm nghề dịch vụ. Do vậy, dịch bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của họ. Tuy nhiên, cộng đồng người Việt tại Czech rất tuân thủ yêu cầu của Chính phủ Czech về việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, sử dụng nước sát khuẩn tay thường xuyên để phòng, chống dịch.

Trước tình hình khẩu trang ngày càng khan hiếm, các bệnh viện thiếu khẩu trang cho các bác sĩ, ngày 15-3-2020, nhóm “Làm cha mẹ CZ” của chị đã kêu gọi mọi người may khẩu trang vừa để bản thân và gia đình sử dụng trong chống dịch, vừa tặng lại cho những người đang thiếu. Chỉ trong 1 ngày phát động, hàng trăm người Việt khắp Cộng hòa Czech đã nhiệt tình hưởng ứng. Ở nhiều tỉnh thành, người Việt lập thành nhóm khoảng 2-3 người, mượn máy khâu, nhận vải do nhóm hỗ trợ để may khẩu trang. “Có người thì gửi tiền, có người tình nguyện đi mua vải, chia vải may, nhận lại khẩu trang. Một nhóm nhận nhiệm vụ phân loại, kiểm tra khẩu trang đạt chất lượng về y tế rồi gửi vào các bệnh viện để khử trùng cho các bác sĩ tuyến đầu sử dụng và tặng cho những người còn thiếu” - chị An kể.

Sự đồng lòng, đồng sức của cộng đồng người Việt ở Czech không chỉ giúp đỡ, hỗ trợ cho chính đồng bào mình mà còn giúp cho người dân bản địa và các nhân viên y tế ở các bệnh viện tuyến đầu chống dịch. Sau 1 tháng, số khẩu trang được phát ra là 30.000 chiếc. Nhiều bệnh viện, người dân nước sở tại cũng đăng ký nhận khẩu trang. Ngoài ra, nhóm cũng đã gửi 2.400 chiếc khẩu trang sang châu Phi để giúp đỡ người dân ở đây dập dịch. Đến tháng 10-2020, dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Czech với con số lây nhiễm cao hơn rất nhiều. Nhóm “Làm cha mẹ CZ” một lần nữa kêu gọi cộng đồng người Việt hỗ trợ bằng cách chung tay quyên góp vật chất như đồ ăn nhanh, cà phê, bánh kẹo, nước ngọt… để hỗ trợ các nhân viên y tế chữa trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Ở nhiều quốc gia khác, cộng đồng người Việt vẫn luôn đoàn kết để vượt qua khó khăn do dịch bệnh. Thời điểm Bỉ bùng phát dịch, chị Nguyễn Thị Ngạn, sống tại Thủ đô Brussell đã miệt mài may hàng trăm chiếc khẩu trang để tặng bà con, cộng đồng người Việt tại Bỉ. Tại Ukraine, nhằm giúp bà con người Việt có khẩu trang phòng bệnh, Ban quản trị Làng Sen và làng Staritkogo và các xưởng may tại đây đã tặng hơn 3.500 khẩu trang cho bà con người Việt, phối hợp với nhóm tình nguyện viên phun thuốc khử trùng những khu vực có người Việt sinh sống. Hội Văn hóa Việt Nam tại Thụy Điển đã đặt mua 22.000 khẩu trang từ Việt Nam sang để phát miễn phí cho người Việt. Ở Thụy Sỹ, cộng đồng người Việt đã quên góp khẩu trang, cung cấp miễn phí đồ ăn, nước uống, cùng làm clip thể hiện sự chia sẻ, động viên đến những người tuyến đầu chống dịch…

Cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Czech may, phát khẩu trang cho bác sĩ

Cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Czech may, phát khẩu trang cho bác sĩ

Hỗ trợ đồng bào tiếp cận thông tin và dịch vụ y tế

Cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại Pimorye, Liên bang Nga luôn biết ơn anh Nguyễn Anh Nam (SN 1981), Trưởng nhóm hỗ trợ người Việt vượt qua Covid-19, hiện đang là giảng viên trường Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông, thành phố Vladivostok, tỉnh Pimorye, Liên bang Nga vì những nỗ lực mà anh và nhóm của mình đã làm cho họ.

Cộng đồng người Việt tại tỉnh Pimorye, Nga có khoảng 1.500 người, đa số đều làm việc tại các chợ hoặc làm công nhân xây dựng, vốn ngôn ngữ bản địa thấp nên rất khó tiếp cận thông tin về tình hình dịch bệnh trên báo chí và phương tiện thông tin đại chúng Nga. Khi mắc bệnh, họ gặp khó khăn khi gọi cấp cứu. Nhận thấy tình hình nghiêm trọng đó, anh Nam đã lập một nhóm cộng đồng người Việt tại tỉnh Pimorye với mục đích cung cấp tình hình dịch bệnh tại Nga và những khuyến cáo y tế mà Chính phủ nước sở tại đưa ra để bà con người Việt nắm được, từ đó đề phòng dịch bệnh cho mình. Sau một thời gian thành lập, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Pimorye, Nga đã kết hợp với nhóm của anh để kêu gọi sinh viên tình nguyện hỗ trợ cộng đồng người Việt vượt qua dịch bệnh.

Để hỗ trợ các bác sĩ tăng cường thể lực, nhóm đã kêu gọi bà con quyên góp, mua khẩu trang, mì tôm, cà phê... trực tiếp tặng cho bác sĩ ở bệnh viện chịu trách nhiệm chữa Covid-19. Điều này rất đáng quý trong hoàn cảnh dịch bùng phát và họ phải làm việc quá tải, khẩu trang rất hiếm và được bán rất đắt trên thị trường. Toàn bộ người Việt ở tỉnh Pimorye đồng hành cùng bác sĩ chống dịch. Theo anh Nam, trong lúc khó khăn thì tình đoàn kết và sẻ chia của cộng đồng người Việt càng thể hiện rõ nét. Ai kêu thiếu khẩu trang, thiếu thuốc, có người còn đi mấy chục cây số mang đến tận nhà cho họ. Những người nằm viện không quen ăn đồ ăn của Nga, mọi người lại tập trung nấu nướng hoặc mua đồ ăn gửi vào bệnh viện. “Có người hỏi, tôi có sợ nhiễm bệnh không? Nói thật là chúng tôi cũng sợ chứ, nhưng nếu không làm, bà con bị nhiễm bệnh còn nguy hiểm hơn. Chúng tôi đeo khẩu trang, găng tay, thậm chí còn phải sử dụng quần áo bảo hộ khi tiếp xúc với người bệnh hoặc vào bệnh viện. Chúng tôi không mua được nước diệt khuẩn thì dùng cồn 90 độ để xịt khắp người…” - anh Nam nói.

Không những thế, kiều bào các nước không chỉ giúp đồng bào mình mà còn hỗ trợ quê hương trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Như vợ chồng anh Nguyễn Thế Huỳnh (Phó Chủ tịch Hội Văn hóa Việt Nam tại Thụy Điển) đã phối hợp cùng các bác sĩ người Việt tại Thụy Điển lập đường dây nóng cho bà con người Việt gọi điện tư vấn khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, đồng thời kêu gọi bà con kiều bào gửi tiền về Việt Nam đóng góp tiền hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh mua máy trợ thở trong đợt dịch hồi tháng 5 vừa qua. Chị Ngô Thu Lư đã cố gắng tìm cách liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore giúp cho một số kiều bào về nước khi dịch bùng phát. Tại Hàn Quốc, cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc cung cấp các thông tin về tình hình dịch tại Hàn Quốc cho người lao động Việt Nam, kêu gọi mọi người hạn chế đông người, chấp hành nghiêm theo quy định về phòng chống dịch của nước sở tại, đồng thời hỗ trợ mua vé máy bay cho người lao động Hàn Quốc được về nước…

Tết đang đến gần, nhưng tình hình dịch bệnh tại các nước trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Có lẽ, năm nay, người Việt ở nước ngoài sẽ không thể về quê đón Tết cùng gia đình như dự định, cũng không thể cùng nhau sum họp và tổ chức ăn Tết truyền thống như mọi năm, nhưng trong bữa cơm tất niên chào đón năm mới của họ vẫn sẽ có món bánh chưng, dưa hành, canh măng mọc hay món giò lụa… và gọi điện về quê chúc Tết bạn bè, người thân, gia đình. Trong lời chúc đầu năm mới, bên cạnh sức khỏe, tiền tài, danh vọng còn là lời dặn dò và cầu mong tình hình dịch bệnh sẽ nhanh chóng qua đi.