Tình người trong cơn lũ dữ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Miền Trung vừa trải qua trận lụt lịch sử khi bão chồng bão, lũ trồng lũ. Giữa thiên tai khắc nghiệt đã tỏa sáng tình người, nhân rộng các giá trị cộng đồng để cùng vượt qua khó khăn, gieo mầm hy vọng, hướng về tương lai.

Thiếu tá Chu Quốc Dũng, Phó Tổng biên tập Báo ANTĐ chia sẻ, động viên bà con ở rốn lũ ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình

Thiếu tá Chu Quốc Dũng, Phó Tổng biên tập Báo ANTĐ chia sẻ, động viên bà con ở rốn lũ ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình

Những gì còn lại…

Đường vào vùng rốn lũ đã thông xe, bùn đất được xúc vào những bao tải để bên đường chờ bốc đi. Nhưng dấu vết của trận lũ lụt lịch sử vẫn hiện nguyên hình ở những bức tường loang ngấn nước dọc đường và một thứ mùi tanh nồng trong gió. Ở Nhà văn hóa thôn Bắc Cổ Hiền (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), một trong những địa phương bị ngập sâu, cô lập, bà con vừa dọn dẹp vừa hỏi thăm nhau. Câu chuyện nào cũng bắt đầu bằng câu hỏi: “Nhà mi còn cái chi?”.

Bà Nguyễn Thị Bảy kể lại mà như chực khóc: “Nhà tôi mới mua được hơn 20 con gà. Nước lũ lên nhanh, nhìn chúng nằm chết xụi lơ mà xót ruột. Nhà có 2 bà già và mấy cháu nhỏ, cõng nhau chạy nước mà nhìn đâu cũng cảm thấy bất lực. Cái gì cũng trôi mất cả rồi…”. Chúng tôi nghe mà thấy mắt cay cay. Không xót xa sao được, vùng đất gió Lào khắc nghiệt, những ngày mùa, ở trong nhà còn cảm thấy như thiêu, như đốt. Thế mà người dân vẫn ra đồng gặt lúa dưới nắng rát bỏng da.

Công an xã Quảng Hòa chèo thuyền đi hỗ trợ người dân

Công an xã Quảng Hòa chèo thuyền đi hỗ trợ người dân

Đằng sau mỗi con gà, con vịt, những cây lúa trĩu hạt là cả chuỗi ngày chăm bón với bàn tay rát bỏng và vị mặn mồ hôi. Những người đàn ông thì bình tĩnh hơn. Họ bần thần đứng nhìn ra những cánh đồng vẫn còn ngập nước. Quần xắn ngang đầu gối, đôi dép một bên đã bong quai, Trưởng thôn Trương Đình Xuân bốc từng nắm thóc hỏng do bị ngâm nước nói: “Thóc gạo không trôi thì cũng hỏng hết rồi. Sắn ngâm nước lâu cũng chẳng dùng được nữa. Ở thôn năm nay nhiều nhà phấn đấu thoát nghèo, đầu tư cây giống, con giống, giờ lũ cuốn sạch chẳng còn gì. Nghĩ mà xót xa”.

Hình ảnh xúc động khi hai em nhỏ được CAX Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn dùng ca nô đưa khỏi vùng ngập sâu

Hình ảnh xúc động khi hai em nhỏ được CAX Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn dùng ca nô đưa khỏi vùng ngập sâu

Ở vùng quê còn nghèo ấy, người dân để dành cả chục năm mới xây được mái nhà kiên cố. Nhà nhỏ, chủ yếu là 1 tầng. Để tránh lũ lụt, nhà được xây cao để làm thêm tầng gác lửng. Năm nay nước lũ lên nhanh không tưởng, chỉ kịp chạy người chứ tài sản đồ đạc coi như phó mặc. Những căn nhà cũ ngâm nước lâu ngày, tường chỉ chực mủn ra. Ông Phạm Văn Hai chỉ vào căn nhà nhỏ ngay bên bờ ruộng của mình nói: “Tôi phải đi ở nhờ mấy hôm nay rồi. Nhà xây lâu, tường ngâm nước bóc từng mảng vữa chỉ chực sập nên không dám ở”. Khó khăn bủa vây, nhưng ở nơi đây tràn ngập tình người. Người miền Trung cần cù chăm chỉ, dù cực nhọc thế nào cũng không than trách. Tất cả cùng nhau dọn dẹp, sẻ chia từng chai nước, hộp sữa.

Đằng sau những chiến sỹ công an ấy là gia đình của họ mà đa số cũng đang ngập trong biển nước. Họ thậm chí còn phải dặn gia đình bớt gọi điện để dành pin nghe cuộc gọi, đọc tin nhắn của dân. Họ trực chiến suốt ngày đêm, nhường từng gói mỳ tôm, từng chai nước cho các cụ già, em nhỏ. Bởi lẽ, hạnh phúc của người chiến sỹ công an đơn giản là sự bình yên của nhân dân. Điều đơn giản ấy được đánh đổi bằng những hạnh phúc riêng tư và cả những gian nan, nguy hiểm. Nắm chặt bàn tay ấm áp của những đồng đội, chúng tôi không khỏi xúc động trước sự bình dị của các anh. Lũ rút đi rồi, các anh lại xắn tay cùng bà con dọn dẹp, tổ chức lại cuộc sống. Những cán bộ, chiến sỹ công an lại sát cánh cùng đồng bào để gieo những hạt mầm hy vọng về tương lai.

Ông Trương Đình Xuân bảo: “Trong cuộc sống ni, có trải qua vất vả, nhọc nhằn, càng khó khăn càng nuôi bền ý chí. Quê dù nghèo thì vẫn là quê, bão lũ rồi cũng qua, mưa giông rồi sẽ tạnh. Bắt đầu làm lại cuộc sống thôi”. Những ngày qua, cả nước hướng về miền Trung ruột thịt để sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh. Hàng đoàn xe cứu trợ vẫn chạy suốt ngày đêm từ cả 2 đầu đất nước vào với miền Trung.

Trong số đó, Báo An ninh Thủ đô đã 3 lần đến với đồng bào. Xúc động khi nhận 150 suất quà là tiền mặt của Báo, ông Trương Đình Xuân tâm sự: “Món quà thật đáng quý với chúng tôi. Lúc này, dân không sợ đói, mà cần tiền mặt để chuẩn bị cho cuộc sống. Để trở lại bình thường, người dân lúc này mong mỏi nhất là chính sách hỗ trợ cây giống, con giống để làm lại từ đầu”.

Trưởng thôn Trương Đình Xuân buồn rầu trước những hạt thóc thối, hỏng do bị ngâm nước lụt lâu ngày

Trưởng thôn Trương Đình Xuân buồn rầu trước những hạt thóc thối, hỏng do bị ngâm nước lụt lâu ngày

Hạnh phúc giản đơn của người lính

Giờ nước đã rút, nhưng đến các làng quê, người dân vẫn nhắc đến các cán bộ, chiến sĩ công an đã không quản hiểm nguy, nhiều ngày liền ngâm mình trong lũ để ứng cứu dân đến nơi an toàn, bảo vệ tài sản, tính mạng cho bà con.

Trong những ngày mưa lũ, hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Quảng Bình đã trắng đêm để cứu dân, cứu tài sản. Đêm 19-10, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo và trực tiếp cùng CAH Lệ Thủy tiếp ứng 4 ca nô công suất lớn cao tốc đến địa bàn tâm lũ Lệ Thủy và Quảng Ninh để cứu dân. Đó là câu chuyện của Thượng tá Lê Văn Hóa - Trưởng Công an thị xã Ba Đồn và cán bộ, chiến sĩ đã đưa hàng trăm người dân vượt lũ đến nơi an toàn.

Công an thị xã Ba Đồn cũng đã đưa 3 sản phụ vượt lũ sinh con. Câu chuyện bình dị, xúc động về 5 cán bộ chiến sỹ Công an xã Quảng Hòa (thị xã Ba Đồn) đẩy thuyền đưa em bé sơ sinh 1 tháng tuổi thoát khỏi vùng ngập sâu được Báo An ninh Thủ đô đăng tải cũng đã được chia sẻ rộng rãi và lan tỏa trên mạng xã hội. Đó còn là câu chuyện của Đại tá Phan Thanh Sơn -Trưởng CAH Quảng Trạch cùng cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị giữa đêm tối mịt mùng vượt lũ sông Gianh để cứu nạn, cứu hộ an toàn nhiều gia đình khi nước lên nhanh ngập gần chạm nóc nhà. Đặc biệt, các anh đã vượt lũ để đưa nhiều sản phụ chuyển dạ đến bệnh viện sinh nở an toàn.

Đằng sau những chiến sỹ công an ấy là gia đình của họ mà đa số cũng đang ngập trong biển nước. Họ thậm chí còn phải dặn gia đình bớt gọi điện để dành pin để nghe cuộc gọi, đọc tin nhắn của dân. Họ trực chiến suốt ngày đêm, nhường từng gói mỳ tôm, từng chai nước cho các cụ già, em nhỏ. Bởi lẽ, hạnh phúc của người chiến sỹ công an đơn giản là sự bình yên của nhân dân. Điều đơn giản ấy được đánh đổi bằng những hạnh phúc riêng tư và cả những gian nan, nguy hiểm. Nắm chặt bàn tay ấm áp của những đồng đội, chúng tôi không khỏi xúc động trước sự bình dị của các anh. Lũ rút đi rồi, các anh lại xắn tay cùng bà con dọn dẹp, tổ chức lại cuộc sống. Những cán bộ, chiến sỹ công an lại sát cánh cùng đồng bào để gieo những hạt mầm hy vọng về tương lai.

Hai trận mưa lũ trong tháng 10-2020 đã gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng về người và tài sản ở tỉnh Quảng Bình. Trong đó, ước tổng giá trị thiệt hại về tài sản toàn tỉnh do hai đợt mưa lũ gây ra là 3.511,674 tỷ đồng. Đợt mưa lũ thứ nhất từ ngày 7 đến 11-10-2020 đã làm 2 người chết và 9 người bị thương. Mưa lũ đã làm 20.006 nhà ở bị ngập và 57 nhà bị hư hỏng; 106 điểm trường bị ảnh hưởng, 367 phòng chức năng bị ngập, 30 phòng học bị hư hỏng; 17 trạm y tế bị ngập và 2 trạm hư hỏng… Ước tính tổng giá trị thiệt hại là 655,664 tỷ đồng.

Đợt mưa lũ thứ hai từ ngày 16 đến 22-10-2020, đã làm chết 23 người và bị thương 188 người. Mưa lũ đã làm 106.220 nhà ở bị ngập; 1.679 nhà bị hư hỏng, trong đó có 104 nhà hư hỏng hoàn toàn; 286 điểm trường học bị ảnh hưởng, 2.414 phòng chức năng bị ngập và 811 phòng học hư hỏng; 73 trạm y tế bị ngập, 6 trạm bị hư hỏng... Ước tính tổng giá trị thiệt hại là 2.856,024 tỷ đồng.