Tình người trong cơn hoạn nạn

ANTĐ - Thế giới bàng hoàng trước thảm kịch 6 vụ tấn công liên hoàn xảy ra tại Paris (Pháp) khiến ít nhất 129 người thiệt mạng. Chính lúc khó khăn này, người dân Pháp càng thể hiện tình đoàn kết và khí chất dân tộc kiên cường. 
Tình người trong cơn hoạn nạn ảnh 1

Người dân Pháp xếp hàng hiến máu cứu các nạn nhân bị thương

Xếp hàng dài để được hiến máu

Một đêm sau khi xảy ra cuộc tấn công tồi tệ nhất tại Pháp kể từ Thế chiến thứ hai, sáng 14-11, người dân Pháp đã xuống đường tham gia hiến máu cứu khoảng 300 nạn nhân đang bị thương. Theo một số phương tiện truyền thông, những hàng dài người đứng trước bệnh viện, đặc biệt tại Bệnh viện Saint-Louis, gần nơi xảy ra các cuộc tấn công ở trung tâm Paris. 

Camile Ruiz, 26 tuổi trả lời Telegraph rằng, hiến máu là cách thiết thực nhất mà cô có thể làm để giúp đỡ các nạn nhân. Trang Metro của Anh dẫn lời một phụ nữ cho hay: “Tôi chưa bao giờ hiến máu, nhưng nếu mọi người sẵn sàng làm mọi thứ để giúp đỡ nạn nhân thì tôi cũng có thể”. Trên Twitter, Alana Anderson - một phóng viên ở London (Anh) đã viết, có nơi người dân phải xếp hàng tới 3 tiếng đồng hồ để được lấy máu. 

Ông Philippe Bierlin - người đứng đầu Ngân hàng máu quốc gia Pháp cho biết, nguồn máu dự trữ của Pháp đủ để cung cấp cho các nạn nhân, nhưng họ vẫn cần bổ sung. “Chúng ta cần huy động các nguồn cung máu để đối phó với các cuộc tấn công tàn khốc” - ông Bierlin cho hay. Chỉ một tiếng sau khi mở cửa đã có 100 người tới trung tâm này, các bệnh viện khác cũng chật cứng người tình nguyện hiến máu. 

Miễn phí taxi và nghỉ tạm qua đêm

Giữa không khí nặng nề bao trùm kể từ Ngày thứ sáu đen tối, cư dân Paris khiến bạn bè thế giới thán phục trước tình người trong cơn hoạn nạn. Người dân Paris lan truyền trên mạng xã hội cụm từ (hashtag) #PorteOuverte để thông báo những địa điểm sẵn sàng mở cửa đón du khách và dân thường trú ẩn sau khủng bố, bất chấp nỗi sợ hãi những kẻ tấn công cực đoan trà trộn.

“Cửa mở đấy” xuất phát từ tên nhà thờ “La Porte Ouverte Chrétienne” nằm ở thành phố Mulhouse, miền đông bắc nước Pháp. Trên tài khoản Twitter, một người tên Anna Nemtsova đã ghi địa chỉ nhà ở gần Belleville ở Paris và số điện thoại để người bị nạn cần chỗ ở có thể liên lạc và ở tạm trong nhà mình. Các lái xe taxi Paris cũng tắt đồng hồ tính cước và mời khách đi xe miễn phí để bảo đảm an toàn.

Tình người trong cơn hoạn nạn ảnh 2

Người Pháp đau đớn sau vụ tấn công khủng bố

Không sợ hãi trước cái ác

Người Pháp cũng không hề run sợ trước khủng bố. Họ tập trung ở Quảng trường Place de la République vào tối 14-11. “Tôi đến đây với các con để thể hiện rằng chúng tôi không sợ hãi” - Raphaella Giraudi nói. Suốt buổi tối thứ bảy, nhiều người đến quảng trường này và đứng trước bức tượng Marianne - một biểu tượng của nước Pháp. Họ thắp nến, ghi lại lời chia buồn hay để lại những bài thơ như hành động tưởng nhớ tới các nạn nhân xấu số.

“Những kẻ khủng bố đã thua” - Maxime Lauret, 19 tuổi cùng 2 người bạn tới quảng trường này cho biết - “bởi vì, rất nhiều người đã xuống đường”. Trước đó, Chính phủ Pháp khuyến cáo người dân nên ở nhà để được an toàn. Ông Yannick Mercier, 49 tuổi, một thợ sửa ống nước có mặt tại Quảng trường Place de la République cho biết: “Tôi rất mừng khi thấy mọi người không sợ hãi”.

Tình người trong cơn hoạn nạn ảnh 3

Người dân ở Quảng trường Trafalgar, London (Anh) tưởng niệm nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công tại Paris 

Thế giới hướng về Pháp

Trong khi người dân trên toàn thế giới thể hiện cảm xúc về cuộc tấn công ở Paris thông qua những dòng chia sẻ trên các trang mạng xã hội thì Jean Julien, 32 tuổi, một họa sỹ người Pháp đã quyết định cầm cọ để vẽ. Bức vẽ này đã nhanh chóng trở thành một biểu tượng đoàn kết dành cho người dân Pháp cũng như toàn thế giới.

Tấm ảnh chụp bức vẽ được Julien đăng tải trên Instagram vào tối 13-11 đã nhận được ít nhất 129.000 lượt thích trên Instagram và 48.000 lượt chia sẻ trên Twitter cũng như vô số lượt chia sẻ khác. “Tôi không thể nói là mình hạnh phúc, bởi đó thực sự là một bi kịch hết sức khủng khiếp. Tôi chỉ biết rằng có một cái gì đó thật tích cực khi tất cả mọi người vẫn mang tinh thần đoàn kết, hòa bình giữa những đau đớn và hoảng loạn này”, Julien cho biết.

Dõi theo nước Pháp những ngày đau thương này, nhiều lãnh đạo thế giới đều bày tỏ sự phẫn nộ trước hành động khủng bố, đồng thời gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến người dân và Chính phủ Pháp. Người dân khắp nơi cũng bày tỏ sự ủng hộ đến người dân Pháp. Các trang mạng xã hội tràn ngập dòng chữ PrayForParis, PriezPourParis (Cầu nguyện cho Paris) kèm hình ảnh tháp Eiffel. Thành viên trong cộng đồng mạng cũng chèn màu xanh, trắng, đỏ lên hình đại diện tài khoản. Nhiều công trình kiến trúc nổi bật như Trung tâm Thương mại Thế giới New York, Tòa thị chính San Francisco, tháp CN Tower Toronto của Canada… đã chiếu sáng màu cờ Pháp. 

Nhiều ngôi sao thế giới cũng chia sẻ nỗi đau với gia đình các nạn nhân đã thiệt mạng. Thông qua trang mạng xã hội, David Beckham, cầu thủ bóng đá người Anh đăng tải ảnh tháp Eiffel, biểu tượng của Paris, kèm dòng chia sẻ: “Khi mặt trời bừng sáng tại thành phố xinh đẹp này, chúng ta hãy tưởng nhớ đến những người đã ra đi và gia đình của họ đã mất đi người thân yêu nhất… Chúng tôi luôn nghĩ về các bạn… Cầu nguyện cho Paris”.

Trong khi đó, nữ diễn viên người Mỹ, Kate Hudson viết lại câu nói nổi tiếng của Mahatma Gandhi, nhà lãnh đạo Ấn Độ: “Không có con đường nào dẫn đến hòa bình bởi hòa bình chính là con đường”, kèm theo đó là hình ảnh tháp Eiffel. Siêu mẫu người Mỹ Bella Hadid viết: “Chúng ta đang chứng kiến nhiều sự tàn phá khắp thế giới. Tôi yêu Paris, yêu tất cả các bạn và luôn nghĩ về các bạn”. Nữ ca sĩ Taylor Swift đăng ảnh cô nhìn về dòng sông Seine của Pháp với dòng chia sẻ: “Cầu nguyện cho Paris. Trái tim của chúng tôi gần như tan vỡ và luôn hướng về các bạn”. Nhiều nghệ sĩ khác cũng gửi lời cầu nguyện đến Paris.

Thời báo Time của Mỹ đã đưa ra một số hướng dẫn để người dân có thể giúp đỡ người Pháp thời gian này, như: quyên góp tiền cho Hội Chữ thập đỏ, quyên tiền cho Tổ chức Bác sĩ không biên giới, đóng góp cho 2 tổ chức viện trợ khẩn cấp nội địa Pháp là Secours Catholique - Caritas France và French Secours Populaire… 

Đại sứ Pháp tại Việt Nam JEAN-NOËL POIRIER

“Chúng tôi rất xúc động”

“Chúng tôi đã nhận những lời hỏi thăm, chia sẻ đoàn kết của người dân Việt Nam trong suốt buổi sáng hôm nay. Tình đoàn kết của người dân Việt Nam đối với nước Pháp khiến chúng tôi rất xúc động” - Đại sứ Pháp tại Việt Nam JEAN-NOËL POIRIER phát biểu trong cuộc họp báo ngày 14-11. 

Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM, EMMANUEL LY-BATALLAN

“Cần sự sẻ chia, đoàn kết”
“Chúng tôi biết điều người Pháp cần nhất lúc này chính là một sự chia sẻ, kết nối và ở cạnh nhau như một cộng đồng. Bọn khủng bố muốn khiến cho nước Pháp sợ hãi, người dân không thể sống trong yên bình, nhưng như Tổng thống Pháp đã nói, chúng tôi sẽ đối diện với khó khăn và vượt qua được”.