Tình người "nở hoa" ở vùng đất bóng tối

ANTĐ - Hành trình của một cô gái trẻ tìm kiếm tình yêu và những ký ức sót lại với người cha đã khuất tại vùng đất Trung Phi, nơi bị bao trùm bởi chiến tranh, dịch bệnh, đói nghèo nhưng cũng đầy ắp những màu sắc văn hóa rực rỡ được mô tả đầy cảm xúc trong cuốn tiểu thuyết “Kinshasa - Không niềm hân hoan dưới mặt trời rực rỡ” của tác giả Quỳnh Lê. 

Tình người "nở hoa" ở vùng đất bóng tối ảnh 1

Nơi tận cùng của đói nghèo

Cuốn tiểu thuyết này cũng ít nhiều mang màu sắc du ký được thể hiện bằng vốn hiểu biết và sự đồng cảm của tác giả Quỳnh Lê, vì cô đã có 4 năm gắn bó với một phần của Lục địa đen. 

Tính chất du ký được hé mở ngay từ cái tên yêu kiều - Kinshasa, Thủ đô của nước Cộng hòa Dân chủ Congo, quốc gia có diện tích lớn thứ hai ở châu Phi. Với đa phần chúng ta, hẳn rất ít người từng đặt chân đến đây vì quốc gia này vẫn bị xem là một trong những khu vực kém phát triển nhất ở châu Phi với những dịch bệnh, đói nghèo, những cuộc xung đột, bạo động diễn ra triền miên.

Kinshasa trong mắt cô gái trẻ Pha Lê là một “thành phố của sự trầm uất” với những con đường ngập rác, những đứa trẻ mồ côi, người tàn tật, những bệnh viện bẩn thỉu, những trường học tan hoang, những viên chức cả ngày chỉ nạp năng lượng bằng một chai Coca-cola vì không có tiền ăn trưa.

Tình người "nở hoa" ở vùng đất bóng tối ảnh 2

Đó là nơi bạn có thể dễ dàng bắt gặp một đứa trẻ gầy gò sẵn sàng lao ra đường chặn những chiếc xe ô tô đang lao vun vút để xin ăn, hay mời chào người ta mua một miếng thịt mỏng dính mà chúng vừa được ai đó thuê bán hộ. Sự kiệt cùng của đất nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có vào loại bậc nhất thế giới này được cho là hệ quả của gần 200 năm thuộc địa của Bỉ và hơn 20 năm dưới chế độ độc tài của Mobutu. 

Thế nhưng, trong bức màn tăm tối ấy, Kinshasa vẫn hiện ra như một xứ sở đầy màu sắc. Đó là những người phụ nữ trong những chiếc váy vải pagne rực rỡ, những khu phố luôn đầy ắp nhạc công biểu diễn những bản nhạc sôi động quyến rũ lòng người… Với người Congo, “âm nhạc vừa là điểm tựa, vừa là máu chảy trong huyết quản của họ”. Và trong tận cùng của đói nghèo, người Congo vẫn không mất đi tinh thần lạc quan, tin yêu với cuộc sống.  

Chuyện tình xuyên biên giới

Lẽ dĩ nhiên Kinshasa không đơn thuần là câu chuyện về một thành phố, một quốc gia, về sự đa dạng văn hóa mà còn là nơi chứng kiến mối tình mãnh liệt, tình cảm gia đình cũng như tình người “nở hoa” giữa mảnh đất chết. Xuyên suốt trong tác phẩm là câu chuyện tình đầy ly kỳ giữa Pha Lê - cô gái đang ở trong sự đổ vỡ giữa những mối quan hệ với Phan, một chàng trai lịch lãm gốc Việt sống đầy lý tưởng, hoài bão.

Mô-típ “chuyện tình xuyên biên giới” có lẽ không mới bởi độc giả đã thấy thấp thoáng trong những cuốn tiểu thuyết trước đây của Dương Thụy, Hà Kin… nhưng trong tác phẩm này lại mang một vẻ đẹp lý tưởng, đáng mơ ước hơn bởi nó được thắp sáng giữa một thành phố tưởng chừng bị nhấn chìm bởi bóng tối và sự tuyệt vọng.

Bằng tình yêu và sự ủng hộ của Phan, Pha Lê đã tìm thấy sợi dây kết nối tới vùng ký ức bí ẩn của người cha đã khuất, để rồi thấy rằng mình chưa bao giờ cô độc tại nơi này, giữa một thành phố nơi những con người thuộc những màu da khác nhau, dân tộc khác nhau cùng chung sống. Thế nhưng những biến cố, bất hạnh không ngừng buông tha cô, giống như cuộc sống bấp bênh của những con người Kinshasa vậy. 

Có lẽ điều chưa hoàn hảo lắm ở cuốn tiểu thuyết này chính là diễn biến câu chuyện bị đẩy lên hơi quá gấp gáp, nhiều khi quá không thực, khiến cho nhân vật không có đủ khoảng lắng để bộc lộ bản thân cũng như nhìn lại chính mình. Gấp cuốn sách lại, có người sẽ thấy hụt hẫng, thậm chí buồn bực vì Kinshasa rốt cuộc không thể hân hoan dưới ánh mặt trời. Nhưng nếu có một lần đặt chân tới vùng đất bóng tối, có lẽ chúng ta sẽ đồng ý với tác giả: “Thành phố này vừa là một người phụ nữ, một dòng sông lại vừa là một ngôn ngữ. Nó luôn có chuyện để kể. Mỗi ngày, mỗi khoảnh khắc trôi qua đều giống như một đoạn trong vở kịch cuộc đời hay một phần của phép nhiệm màu”.