Tình người Hà Nội những ngày sơ tán và bên hầm tránh bom

ANTD.VN - Ngày 5-8-1964, Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc bằng máy bay. Dự đoán Mỹ có thể đánh phá Hà Nội nên năm 1965, chính quyền thành phố đã ra lệnh sơ tán. 

Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội bị ném bom trong đợt không kích tháng 12-1972

Người già, trẻ con và tất cả những ai không có nhiệm vụ đều phải rời khỏi thành phố. Các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học và các đơn vị không trực tiếp sản xuất cũng được lệnh phải rời khỏi thành phố. Ở lại chỉ có cán bộ, công nhân trực tiếp sản xuất và các đơn vị vũ trang có nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Thủ đô. 

Trong 2 năm 1965 và 1966, hơn 50 vạn người đi sơ tán nên thành phố vắng hơn. Vắng nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn, mọi hoạt động vẫn diễn ra trong tinh thần cảnh giác. Để đảm bảo tính mạng và  hạn chế thương vong cho người dân khi máy bay Mỹ ném bom Hà Nội, chính quyền thành phố cho đào rất nhiều hầm cá nhân (khi đó gọi tăng xê) ở hai bên hè dọc các tuyến phố, cứ 10m có một hầm.

Hầm là hai ống cống chồng lên nhau, chôn xuống đất. Mỗi ống cao khoảng 80 phân đúc bằng xỉ than trộn với vôi và xi măng, nắp xi măng có lỗ thông hơi, khi người xuống trú ẩn kéo nắp đậy lại để chặn mảnh bom rơi xuống. Không chỉ có hầm cá nhân, tại các địa điểm công cộng, đông người qua lại như hồ Hoàn Kiếm, bến xe Kim Liên, bến Nứa, ga Hàng Cỏ, thành phố cho đào rất nhiều hầm rộng cho nhiều người trú. Ngay trong khách sạn Thống Nhất (nay là Metropole) người ta cũng đào hầm cho khách trú khi có báo động.

Hầm công cộng xây chìm dưới đất hình chữ L có hai cửa lên xuống (thời đó gọi là hầm chữ chi), sở dĩ các hầm xây chữ L vì nếu không may máy bay ném bom mảnh bắn vào đầu này thì người trú ở đầu kia vẫn an toàn. Khi người đi đường nghe còi báo động và tiếng phát ra từ loa truyền thanh “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội... cây số về hướng...

Đồng bào nhanh chóng xuống hầm  trú ẩn, các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu” là gần như ngay lập tức mọi người nhanh chóng xuống hầm trú ẩn. Dù thành phố vắng hơn nhưng vẫn còn một số quán phở bám trụ phục vụ người ở lại trong đó có phở Thìn ở phố Đinh Tiên Hoàng (người ta hay gọi là phở Thìn Bờ Hồ). Không ít  lần khách đang ăn, còi báo động rú lên khách bê cả bát phở xuống hầm ăn tiếp.

Còn ông Thìn rứ rứ con dao thái thịt lên trời như dọa máy bay rồi cũng xuống hầm cá nhân gần quán. Còi báo yên, khách lên ăn tiếp như không có chuyện gì xảy ra và ông Thìn không quên múc thêm môi nước đang ùng ục vào bát cho khách. “Chiến tranh thì bát phở cũng phải nóng”, ông Thìn luôn nói vậy. 

Vào mùa mưa bão, hầm lõng bõng nước. Nhưng khi còi báo động rú lên thì dù hầm đầy nước cũng phải xuống trú. Ai sợ ướt quần áo lừng khừng lập tức thế nào cũng có tiếng quát: “Xuống hầm nhanh, đứng trên bờ làm mục tiêu cho máy bay à!” thế là lập tức người kia phải xuống. Lại có thanh niên không sợ ướt nhưng thích đứng trên nhìn lên trời xem máy bay MiG đuổi máy bay F-4 cũng bị quát bắt xuống. Hết báo động trèo lên mặc quần áo ướt  đạp xe đi làm hay đi bộ về nhà. Vì nhiều hầm cá nhân ở vị trí trũng thấp, quanh năm võng nước nên các gia đình gần đó tự nguyện hàng ngày múc cạn nước để hầm khô ráo.

Thời chiến nhưng cuộc sống ở Hà Nội vẫn diễn ra gần như bình thường, tầu điện vẫn leng keng. Khi tầu đang chạy, nếu có báo động thì lái tầu sẽ phanh cho tầu dừng và khách cũng không quá hoảng loạn, họ bình tĩnh xuống tầu tản ra xung quanh tìm hầm trú. Có khi  hai người cùng trú một hầm.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Từng có anh chàng trú cùng hầm với cô gái, rồi quen nhau và tình yêu nảy nở. Còi báo yên, khách lại lên và tầu lại chạy. Loa truyền thanh lại phát những bài hát cổ vũ quân và dân ta đánh Mỹ và cả những bài hát tình lãng mạng. Tối tối Bờ Hồ vẫn có trai thanh gái lịch đi chơi và họ ngồi gần hầm công cộng tâm sự, nếu có máy bay thì xuống hầm tâm sự dưới đó. 

Dù cuộc sống vẫn diễn ra nhưng trong thâm tâm người ở lại thành phố và cả người đi sơ tán luôn hướng về nhau. Mỗi khi còi báo động, người trú dưới hầm không lo nhiều cho mình mà lại lo cho con cái ở nơi sơ tán. Hết báo động là hỏi nhau hay nghe loa truyền thanh hôm nay máy bay Mỹ ném bom đánh phá ở đâu.

Còn người nơi sơ tán cũng nghe đài để biết máy bay Mỹ có ném bom Hà Nội không và bom rơi ở phố nào. Và trong tuần, các ông bố bà mẹ hay các anh chị lớn trong nhà chuẩn bị sẵn gạo, mì, chai nước mắm, tí mỡ và thêm vài cái bánh mì để ngày nghỉ đạp xe đi thăm con, thăm em.

Chiến tranh đã qua, đất nước đã hòa bình, cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng với lớp người cao tuổi, thật khó có thể quên về những trận bom Mỹ trút xuống Hà Nội những năm 1966, 1967, đặc biệt là những trận bom B-52 của Mỹ trong 12 ngày đêm cuối năm 1972. Câu thơ “Bạch Mai, Yên Viên. Vọng, Láng. An Dương/ Phố đầy khăn tang/ Đêm không đèn tối mịt” của Lưu Quang Vũ trong bài “Khâm Thiên” sao nỡ quên. Ám ảnh về hầm tránh bom và cũng không thể quên những ngày chiến tranh người Hà Nội chia sẻ, giúp đỡ nhau để vượt qua khó khăn và bom đạn.