Triển lãm ảnh Kiến trúc Hà Nội xưa và nay:

Tính nghệ thuật chưa... "tới"

ANTD.VN - Xuyên suốt triển lãm ảnh “Kiến trúc Hà Nội xưa và nay cùng sự phát triển của Thủ đô”, công chúng sẽ thấy lại một Hà Nội của những ngày tháng cũ xen lẫn với những mới mẻ đan xen trong quá trình hội nhập một đô thị ngày một đổi thay bởi quy hoạch, kiến trúc và xây dựng.

Kiến trúc đền Thượng    

Xưa - Nay: Đối lập

Với nhiều nhiếp ảnh gia Việt Nam và nước ngoài, Hà Nội như một kho báu cất giữ những vẻ đẹp kiến trúc, họ dùng ngôn ngữ nhiếp ảnh để nâng niu và làm phong phú hơn kho báu này. Các công trình xây dựng được thể hiện qua các tác phẩm nhiếp ảnh trong triển lãm với nhiều nét đẹp từ các phối cảnh kiến trúc khác nhau, phần nào phản ánh được nội dung cốt lõi lẫn những giá trị của công trình mà các kiến trúc sư mong nuốn thể hiện.

Hà Nội trở nên đẹp và lung linh với các công trình hiện đại. Rất dễ bắt gặp trong triển lãm những tác phẩm được đặt tên thể hiện sự mới mẻ. Ví như “Việt Nam đổi mới”; “Phố mới”, “Khu đô thị mới”… - tác phẩm ảnh “nóng hổi” cập nhật đúng tính chất kiến trúc đương đại: “Sự phát triển hài hòa”, những tác phẩm ảnh chụp cầu Đông Trù, cầu Nhật Tân, khách sạn sang trọng lấp lánh sáng ánh đèn.

Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực thành phố Hà Nội, lần thứ VI - năm 2017 với chủ đề “Kiến trúc Hà Nội xưa và nay cùng sự phát triển của Thủ đô” có 1.446 tác phẩm của 233 tác giả trong khu vực đã tham gia dự thi. Ngày 13-7, Ban giám khảo đã tuyển chọn được 132 ảnh triển lãm tại Nhà triển lãm Hà Nội 45 Tràng Tiền, Hà Nội. Trong đó có 10 ảnh đoạt giải gồm 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích.

Mặc dù có số lượng ảnh không nhiều nhưng kiến trúc Hà Nội xưa được hiện lên qua đời sống tâm linh và cuộc sống sinh hoạt thường nhật đặc trưng. Với “Kiến trúc đền Thượng”; “Long Biên - cây cầu huyền thoại”, mái ngói, cổng chùa, cầu chùa…, con người xuất hiện trong những bức ảnh phong cảnh thiên nhiên, di tích lịch sử như một nét chấm phá, khiến bức ảnh chạm vào cảm xúc người thưởng lãm nghệ thuật.

Bức ảnh “Ngã tư Hàng Khay” (tác giả Lê Đức Kim) đã đem đến sự giao thoa vẻ đẹp kiến trúc Pháp giữa trung tâm Thủ đô tấp nập; bức ảnh “Phố trong làng” tác giả Tạ Công Dân… Các tác giả đã đi rất nhiều để tìm ra nơi có kiến trúc vừa đối lập, vừa hài hòa giữa hiện đại và truyền thống đã tạo nên một không gian kiến trúc mang đầy sắc thái dân tộc.

Bên cạnh đó, triển lãm còn có các tác phẩm về những mô hình kiến trúc chú trọng vào không gian xanh - sạch - đẹp, như một điều tất yếu với một đô thị đang vươn mình, ô nhiễm môi trường và khói bụi, kiến trúc xanh được đông đảo người dân hưởng ứng.

Ký ức: Bằng hình ảnh

Nhiếp ảnh gia Đinh Quang Thành (84 tuổi), một người gắn bó lâu năm với Thủ đô Hà Nội cho rằng: “Điểm sáng lớn nhất của triển lãm là đề tài chuyên biệt, có tính gợi mở”. Ông thích những tác phẩm về Hà Nội xưa hơn. Bởi qua những bức ảnh đó, người xem có thể thấy cả một quá trình thăng trầm của văn hóa, lịch sử. 

Có điều, ít tác giả tham gia triển lãm ảnh lần này đi sâu vào các chi tiết. Nhiều nét kiến trúc tiêu biểu vắng bóng trong triển lãm như kiến trúc mái “chồng diêm” độc đáo của kiến trúc Phật giáo, Chùa Một Cột, chạm khắc rồng thời Lý, Hoàng thành Thăng Long… Nhiều ý kiến nhận xét, triển lãm mang tính chất giới thiệu về Hà Nội thì đã làm tròn, còn về nghệ thuật dường như “chưa tới”.

Cái “tới” ở đây không đòi hỏi ở trang thiết bị, mô-típ mà ở tâm hồn và góc nhìn. Những nhiếp ảnh gia tham gia đã có sự hăng hái, lòng yêu mến với Hà Nội. Nhưng bản thân kiến trúc không phải tìm ra những cái lạ, bản thân kiến trúc Hà Nội đã duyên dáng, đậm đà. Kiến trúc sư như một nghệ sĩ phụng sự nghệ thuật.

Tác phẩm nhiếp ảnh kiến trúc phải đẹp hơn, cao hơn, sinh động hơn bởi chung quanh công trình kiến trúc còn có thiên nhiên như nắng, gió, mây trời, cây cối…; hồn cốt tinh hoa, phong thái con người làm chất liệu cho nhiếp ảnh gia sáng tác. Đồng thời, nếu các nhiếp ảnh gia dày công nghiên cứu tư liệu về văn hóa, lịch sử Hà Nội, các tác phẩm sẽ sâu lắng, để lại ấn tượng nhiều hơn.

Trong xã hội đô thị phát triển nhanh như hiện nay, nhiều kiến trúc có giá trị bị quên lãng nhưng cũng có nhiều công trình hiện đại được xây mới, thêm vào bức tranh kiến trúc Hà Nội. Theo ông Cao Minh, Trưởng Ban Lý luận phê bình Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Nội: “Những kiến trúc này cũng tỏ rõ những giá trị vì phù hợp với cuộc sống tiện nghi.

Tuy nhiên, mỗi nền văn hóa cần lưu giữ những kiến trúc mang bản sắc văn hóa của dân tộc đó”. Chia sẻ về lý do Liên hoan Ảnh nghệ thuật “Kiến trúc Hà Nội xưa và nay cùng sự phát triển của Thủ đô” không trao giải Nhất, ông Cao Minh nói: “Đây là điều bình thường, việc không trao giải nhất cũng là kỳ vọng các nghệ sĩ trong những lần dự giải sau”.