Vụ khởi tố nữ giám đốc doanh nghiệp khai thác cát trái phép gây thiệt hại hơn 8 tỷ đồng:

Tinh ma đến mấy, vẫn "lộ sáng"

ANTD.VN - “Về hồ sơ giấy tờ pháp lý, tương đối khó để “bẻ” được các cá nhân Công ty TNHH thương mại và xây dựng Anh Tùng vì chúng đều được làm chặt chẽ”, điều tra viên Phòng CSKT, Công an Hà Nội, chia sẻ cái khó trong vụ án đối tượng Phạm Thị Nguyệt Nga bị khởi tố điều tra về hành vi vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên (ANTĐ số ra ngày 12-11 đã thông tin).

Tinh ma đến mấy, vẫn "lộ sáng" ảnh 1

CQĐT đọc Lệnh khám xét đối với bà Phạm Thị Nguyệt Nga

“Kín” thủ tục, giấy tờ

Trước thời điểm bị các lực lượng CSGT đường thủy, CSCĐ (Bộ Công an), phối hợp cùng Công an Hà Nội bắt quả tang về hành vi khai thác, mua bán cát trái phép, trong “thế giới ngầm” khai thác cát trên sông Hồng, Công ty TNHH thương mại và xây dựng Anh Tùng là cái tên… đáng nể.

Bởi, để được cấp phép khai thác, nạo vét tài nguyên cát ở cả đoạn sông rộng khu vực giáp ranh Bắc Từ Liêm - Đông Anh - Mê Linh, không thể thiếu cái “tài” của bà Phạm Thị Nguyệt Nga (SN 1960) - Giám đốc Công ty Anh Tùng.

Sáng 14-4-2015, các lực lượng chức năng thuộc Bộ Công an và Công an Hà Nội bất ngờ tập kích điểm nạo vét, khai thác cát của doanh nghiệp này trên tuyến sông Hồng, thuộc địa phận các phường Thượng Cát, Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) và xã Liên Hà (huyện Đan Phượng).

Tổng cộng, gần 29 phương tiện vận tải đang chờ giao dịch mua bán cát, với khối lượng gần 1.500m3. Điều tra mở rộng, cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản tạm giữ gần 14.000m3 cát tại Bãi Bạc, thuộc phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, cũng của Công ty Anh Tùng. Tất cả đều có dấu hiệu vi phạm.

Một câu hỏi đặt ra là, vì sao giữa thanh thiên bạch nhật, từng ấy vi phạm lại có thể diễn ra công khai mà không bị phát hiện, ngăn chặn? Câu trả lời là: trông thấy hiện tượng khai thác, nạo vét, hút cát dễ, nhưng để chứng minh hành vi ấy là vi phạm, lại không hề đơn giản!

Như trường hợp Công ty Tùng Anh; lực lượng chức năng đã phải mất hàng tháng trời trinh sát, thu thập tài liệu. Khai thác, nạo vét ở vị trí “yết hầu” sông Hồng như trên, Công ty Anh Tùng đã chuẩn bị bộ hồ sơ… không thể đầy đủ hơn. Từ hồ sơ khảo sát dự án, đến phê duyệt của Cục Đường thủy nội địa, rồi Giấy phép của UBND thành phố Hà Nội. Một căn cứ pháp lý quan trọng khác là chủ trương của Bộ GTVT phê duyệt dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm, tại công văn số 7163/BGTVT-KCHT, ngày 17-6-2014, theo văn bản đề nghị của Công ty Anh Tùng.

Sau khi có chủ trương chấp thuận và giấy phép trong tay, Công ty Anh Tùng còn hợp đồng với Công ty CP Quản lý đường sông số 6 triển khai và duy trì báo hiệu đảm bảo ATGT đường thủy phục vụ thi công dự án nạo vét. Hệ thống phao đèn tại khu vực thi công cũng đã được lắp đặt, cùng với đó là những cam kết của Công ty Anh Tùng với chính quyền cơ sở: sẽ nạo vét, tận thu tài nguyên ở đúng vị trí được cấp phép!

Hết đường chối tội

Tinh ma đến mấy, vẫn "lộ sáng" ảnh 2

Một phương tiện “dã chiến” hút cát trên sông Hồng bị tạm giữ

Tháng 8-2016, Phòng CSKT, Công an Hà Nội chính thức tiếp nhận hồ sơ vụ việc Công ty Anh Tùng từ CQĐT, Bộ Công an để tiếp tục điều tra, xử lý. Yêu cầu được Ban Giám đốc CATP nêu rõ: làm quyết liệt, đúng người, đúng tội, để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Lợi thế lớn trong quá trình điều tra vụ án này đó là hồ sơ, tài liệu đã được cơ quan chức năng của Bộ Công an thu thập kỹ lưỡng, đầy đủ. Tuy nhiên, như điều tra viên thụ lý vụ án chia sẻ, cấu thành của tội phạm vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên; ngoài việc bắt buộc phải xác định rõ hành vi ấy “gây hậu quả nghiêm trọng”, cũng cần làm rõ những thiệt hại phi vật chất gây ra.

Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu sổ sách thu giữ của Công ty Anh Tùng, lời khai của Phạm Thị Nguyệt Nga và của nhân viên Công ty Anh Tùng, cùng văn bản trả lời của các cơ quan chức năng, kết quả kiểm tra ngày 14-4-2015 của lực lượng liên ngành, đã xác định vị trí các phương tiện khai thác cát của Công ty Anh Tùng từ ngày 17-1 đến 14-4-2015 không đúng vị trí nạo vét như trong Giấy phép khai thác của UBND TP Hà Nội cấp. Thậm chí như điều tra viên thụ lý vụ án cho biết, có thời điểm, vị trí nạo vét, hút cát của Công ty Anh Tùng “xa” giấy phép đến cả 2 cây số!

Trong khoảng 4 tháng (từ tháng 1 đến tháng 4-2015), cơ quan chức năng thống kê khối lượng cát mà Công ty Anh Tùng đã thuê tàu cuốc, tàu hút khai thác cát không đúng vị trí là gần 836.000m3. Trong đó, khối lượng cát khách hàng đã nhận và thanh toán là hơn 450.000m3.

Bà Phạm Thị Nguyệt Nga khai nhận đã thu được từ tiền bán cát là gần 4,7 tỷ đồng. Còn cơ quan chức năng, khi tiến hành định giá đã xác định thiệt hại cho Nhà nước từ riêng khối lượng cát đã bán của Công ty Anh Tùng là hơn 8,3 tỷ đồng. Số tiền này vượt rất rất nhiều lần mức độ nghiêm trọng - yếu tố cấu thành tội phạm.

Một sự kỳ công khác là cơ quan điều tra CATP Hà Nội trong thời gian dài đã làm việc với các Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở NN&PTNT rồi lặn lội về các phường, xã thuộc Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Mê Linh để tiếp nhận, lắng nghe những đánh giá, ý kiến, phản ứng, hệ lụy mà hoạt động khai thác cát do Công ty Anh Tùng gây ra ở đoạn sông trên.

Độ cao đáy sông Hồng hạ thấp xuống nhiều so với các năm trước. Sinh hoạt, sản xuất của người dân bị ảnh hưởng do sạt lở bờ bãi, do tiếng ồn và khói thải ra môi trường cả ngày lẫn đêm, trong nhiều tháng… Những thiệt hại phi vật chất ấy, cùng tài liệu thu thập đã khiến Giám đốc Công ty Anh Tùng phải thành khẩn khai nhận hành vi vi phạm pháp luật.