Tình huống khó xử của các Trưởng ban Công tác - Hội viên

ANTD.VN - Những người làm công việc liên quan đến “đầu vào” của Hội Nhà văn thường hay gặp phải những tình huống bi hài khi “ứng phó” với các ứng viên thừa nhiệt tình nhưng lại kém tài năng... 

Những câu chuyện dở khóc dở cười lại được các nhà văn giải quyết ngay trên bàn giấy (Ảnh minh họa)

Trưởng ban đi “chữa cháy” cho người đã khuất

Nhà thơ Nguyễn Hoa chuyển về công tác tại Hội Nhà văn đã ngót 30 năm, ông chỉ làm ở đúng một vị trí: Ban Công tác - Hội viên. Có thể tên gọi của Ban được thay đổi ở từng thời điểm nhưng công việc của nhà thơ vẫn đều đặn diễn ra quanh năm suốt tháng, đó là nhận hồ sơ xin gia nhập Hội, giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi, sức khỏe, việc hiếu hỉ và thậm chí cả tâm tư tình cảm của hội viên...

Khi được bầu vào Ban Chấp hành của Hội khóa 8, nhà thơ Nguyễn Hoa giữ chức Trưởng ban Công tác - Hội viên. Nhìn vào vị trí của ông, không ít người nghĩ ông có quyền sinh quyền sát với những bộ hồ sơ ứng viên gửi đến. Thực tế, nhà thơ Nguyễn Hoa rất bận rộn nhưng thường là chỉ “có tiếng không có miếng”.

Hàng ngày ông luôn đến cơ quan đúng 7h30, mở hộp thư nhận báo chí, thư từ, sách biếu mang lên phòng làm việc ngồi đọc không sót một chữ nào. Cửa phòng ông không lúc nào khép, khách đến làm việc có thể là hội viên cũ, có thể là ứng viên đến xin hướng dẫn làm hồ sơ và nhiều khi chỉ đơn giản là người yêu văn chương muốn đến trò chuyện.

Mặc dù đã từng tiếp nhận, lưu trữ cả nghìn bộ hồ sơ nhưng nhà thơ có thể nhớ vanh vách đặc điểm của từng người sáng tác, hỏi đến ai là ông nói ngay được tên tác phẩm nổi bật nhất của người đó. Chính vì vậy, ông được nhiều người biết tên và yêu mến bởi thái độ hòa nhã, cởi mở, tác phong giản dị, những người nộp hồ sơ lâu năm mà chưa được xét kết nạp lại càng nhớ đến ông nhiều hơn.

Nhà thơ Nguyễn Hoa

Làm Trưởng ban Công tác - Hội viên nên nhà thơ Nguyễn Hoa cũng hay phải nhận những cú điện thoại báo... tin buồn. Mỗi lần có một hội viên qua đời, việc đầu tiên là người nhà sẽ gọi điện thoại đến Hội (có người gọi trực tiếp cho nhà thơ) báo tin, cung cấp ngày giờ và địa điểm làm lễ viếng. Nhà thơ tiếp nhận tin, nhanh chóng lên kế hoạch đến chia buồn sớm nhất với gia đình người đã khuất. Có lần, vừa đến cơ quan thì ông nhận được một cuộc điện thoại gấp gáp gọi đến số máy bàn: 

- Báo cáo nhà thơ, bố cháu mất rồi ạ.

- Tôi xin chia buồn với gia đình. Nhưng bố cháu là ai?

Bố cháu là nhà thơ A.

Nhà thơ rà soát trong bộ nhớ rất nhanh, trả lời:

- Nhà thơ A. chưa phải là hội viên Hội Nhà văn cháu ạ.

- Sao lại chưa phải hội viên? Bố cháu làm thơ mấy chục năm nay rồi thì phải thành nhà thơ rồi chứ? Mấy chục năm nay bố cháu đều bảo với mọi người rằng mình là nhà thơ, nay mất đi rồi mà không được Hội Nhà văn đến viếng thì bạn bè, bà con sẽ nhìn bố cháu khác đi. Cháu xin chú cho bố cháu một cái vòng hoa của Hội được không ạ?

Trưởng ban nhíu mày suy nghĩ trước tình huống khó xử, rồi ông bảo người nhà của tác giả làm thơ lâu năm kia cứ yên tâm, ông sẽ đến đám tang. Sau đó, nhà thơ tự làm một chiếc phong bì, ghi rõ họ tên, chức danh của mình để ban tang lễ đọc lên cho người đến đưa đám thấy có người trong Ban Chấp hành Hội đến viếng.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa 

Đòi lại hồ sơ sau 38 năm

Hết nhiệm kỳ, nhà thơ Nguyễn Hoa thôi chức Trưởng ban Công tác - Hội viên, ông trở lại làm chuyên viên và chuyển giao chức vụ cho nhà thơ Trần Đăng Khoa. Tuy vậy, mọi công việc liên quan đến các ứng viên thì “tân trưởng ban” đều tham khảo ý kiến của “cựu trưởng ban”, nhất là vào dịp cuối năm các hồ sơ xin xét kết nạp được gửi về ồ ạt, người mới gửi lần đầu khá đông bên cạnh những người đã gửi lâu năm.

Một hôm, có một ông cụ đến xin gặp nhà thơ Trần Đăng Khoa. Mời cụ vào phòng, nhà thơ ngồi lắng nghe cụ trò chuyện khá lâu mà vẫn không hiểu mục đích của cuộc gặp. Khi hỏi cụ đến có việc gì không, cụ mới thành thật tâm sự: “Tôi tên là B., tôi là người rất yêu thơ và làm thơ từ khi còn đầu xanh tuổi trẻ.

Năm nay, tôi đã 83 tuổi rồi, chờ mãi vẫn chưa được kết nạp vào Hội Nhà văn, hôm nay tôi đến đây để hỏi xem các anh có nhận được hồ sơ của tôi không?” Nhà thơ Trần Đăng Khoa vội đáp: “Có chứ, có chứ. Chúng tôi đã nhận được hồ sơ của cụ rồi.” Cụ thở dài: “Vâng. Hồi đó tôi nhờ 2 nhà thơ nổi tiếng viết lời giới thiệu trong đơn của tôi, nay họ đã thành người thiên cổ cả rồi...”. Nhà thơ chưa biết nói gì thì ông cụ đưa ra một đề nghị: “Vừa rồi đọc quy chế mới, tôi được biết là Hội sẽ không kết nạp những ứng viên trên 80 tuổi, cho nên tôi đến đây để xin lại bộ hồ sơ nộp từ 38 năm trước về làm kỷ niệm”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa phải xin ông cụ ngồi chờ để mình đi lấy hồ sơ rồi chạy sang phòng của người tiền nhiệm, trong lòng rất lo lắng không biết liệu những giấy tờ kia có còn lưu trữ được không? Thật may, với đức tính cẩn thận và khoa học, nhà thơ Nguyễn Hoa tìm ngay ra bộ hồ sơ đó. Mang được “vật kỷ niệm” về trao lại cho chủ nhân, nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận được cái bắt tay thật chặt của tác giả cùng lời bày tỏ đầy xúc động: “Cảm ơn các anh. Trên đường đến đây tôi đã không hy vọng còn tìm lại được, nay cầm “nó” trong tay, tôi như được thấy lại tuổi trẻ của mình gần 40 năm trước”.