Tinh gọn bộ máy lực lượng Công an nhân dân là tất yếu, hết sức cần thiết

ANTD.VN - Thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng về việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; Bộ Công an được giao trách nhiệm đi đầu trong công tác này.

Chia sẻ với Phóng viên Báo ANTĐ sau phiên họp Quốc hội ngày 14-6, Đại biểu Quốc hội - Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho rằng, dự thảo luật CAND đã được xây dựng để thể chế hóa các văn bản của Đảng, nhằm đổi mới sắp xếp lại tổ chức bộ máy của Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả.

Thiếu tướng Đào Thanh Hải phát biểu tại buổi thảo luận tổ của Quốc hội

PV- Thiếu tướng đánh giá như thế nào về vai trò của cấp trung gian trong tổ chức bộ máy của lực lượng CAND thời gian qua?

Thiếu tướng Đào Thanh Hải: Chương 3, dự thảo luật CAND (sửa đổi) về tổ chức của CAND gồm 3 Điều 18, 19 và Điều 20, quy định về hệ thống tổ chức của CAND, thẩm quyền quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức trong CAND và chỉ huy CAND.

Trong dự thảo, mô hình của Bộ Công an không còn cấp Tổng cục và hợp nhất Cảnh sát PCCC với Công an tỉnh, CATP trực thuộc Trung ương. Đây là vấn đề rất lớn đối với Bộ Công an. Qua đánh giá thực tế vận hành của Bộ Công an, nếu không có cấp Tổng cục thì sẽ có các ưu điểm như giảm tối đa cấp trung gian, khắc phục được sự trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ theo đúng nguyên tắc sắp xếp hệ thống chính trị của Đảng đối với lực lượng Công an.

Trong thực tế, Tổng cục là cấp trung gian, đơn vị pháp lý không rõ ràng, đã có nhiều đại biểu cho rằng Tổng cục như là cấp “Bộ trong Bộ”, nhưng thực tế thì Tổng cục không đại diện cho Bộ trong quan hệ, giao dịch với các Bộ - Ngành và địa phương được.

PV: - Việc điều chỉnh giảm bộ máy cấp trung gian trong CAND liệu có ảnh hưởng đến hiệu quả chất lượng công tác của các lực lượng?

- Qua nghiên cứu, đánh giá trong thực tế, nếu không tổ chức cấp Tổng cục trực thuộc Bộ thì vẫn đảm bảo đầy đủ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an, không làm giảm sức mạnh, uy tín, vị thế của lực lượng công an.

Tổ chức bộ máy của Bộ Công an sẽ khoa học, tinh gọn hơn. Như vậy, Bộ Công an sẽ giảm được 6 Tổng cục, giảm 70 đơn vị cấp cục và hàng trăm đơn vị cấp phòng ở cơ quan Bộ. Lực lượng công an sẽ được bố trí tập trung hơn, chỉ huy chỉ đạo nhanh hơn, hoạt động hiệu quả hơn.

Bỏ cấp Tổng cục sẽ giảm được tầng nấc hành chính, giảm giấy tờ, giảm hội họp, giảm số lượng cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và giảm được lực lượng gián tiếp phục vụ chiến đấu như lực lượng tham mưu, chính trị, hậu cần, tài chính, thanh tra, kiểm tra… Qua đó, sẽ làm giảm được chi phí, giảm được trang thiết bị phương tiện làm việc. Như vậy sẽ có điều kiện đầu tư hiện đại hóa một số lực lượng Bộ Công an đang rất cần đầu tư hiện đại hóa, tạo điều kiện để điều chỉnh, bố trí lại lực lượng và tinh giảm biên chế trong thời gian tới.

Việc tinh gọn bộ máy là điều kiện thuận lợi nhất cho việc bố trí, điều chỉnh lại lực lượng theo hướng tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở, bố trí công an xã chính quy.

Qua đó, lực lượng công an có điều kiện bám dân, sát dân hơn để tăng cường công tác nắm tình hình và giải quyết các vấn đề về ANTT ngay từ cơ sở, tăng cường công tác cải cách hành chính đưa dịch vụ công về ANTT đến người dân. Ngoài ra, thực hiện tinh gọn bộ máy Bộ Công an cũng có điều kiện tập trung đầu tư, hiện đại hóa trang bị, phương tiện chiến đấu cho các lực lượng mũi nhọn của Bộ Công an.

PV: - Thiếu tướng đánh giá như thế nào về việc hợp nhất lực lượng PCCC với Công an các địa phương?

- Công tác PCCC là một nhiệm vụ cụ thể không thể tách rời trong công tác đảm bảo ANTT. Trong công tác PCCC phải lấy phòng ngừa là chính, phải thực hiện phương châm 4 tại chỗ đó là: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Trong thực tế thời gian vừa qua, lực lượng Cảnh sát PCCC các tỉnh, thành phố tổ chức riêng do không đủ lực lượng nên chỉ tổ chức được 2 cấp đó là cấp tỉnh và cấp huyện, nên công tác PCCC ở cơ sở đã bộc lộ nhiều hạn chế, trong khi đó lực lượng công an cấp tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn không làm công tác PCCC nên từ đó hiệu quả công tác phòng ngừa cháy nổ ở cơ sở rất hạn chế và chồng chéo, thiếu sự thống nhất chỉ đạo chung.

Việc thành lập 20 Cảnh sát PCCC cấp tỉnh, thành phố đã làm phát sinh đầu mối tổ chức, như vậy, là 1 tỉnh, thành phố đã có 2 đơn vị Công an cấp tỉnh, thành phố. Mặt khác trong sở Cảnh sát PCCC cũng có các đơn vị tham mưu, chính trị, hậu cần… như Công an tỉnh, thành phố nên đã phát sinh thêm đầu mối tổ chức và tăng biên chế.

Trong thực tế khi xảy ra các vụ cháy, nổ, cứu hộ - cứu nạn đều phải huy động nhiều lực lượng tham gia. Ví dụ: Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ hướng dẫn phân luồng giao thông, Cảnh sát điều tra điều tra nguyên nhân vụ cháy, nổ, kỹ thuật hình sự để khám nghiệm hiện trường, Cảnh sát hình sự phòng chống tội phạm lợi dụng cháy, nổ để trộm cắp tài sản, lực lượng Công an cấp phường xã tham gia cứu người, chữa cháy, bảo vệ hiện trường... Do vậy, nếu Cảnh sát PCCC thuộc Công an tỉnh, thành phố thì công tác chỉ huy, chỉ đạo sẽ kịp thời, hiệu quả hơn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!