Tinh giản bộ máy Nhà nước: Tách ra dễ, nhập vào khó vì "đụng chạm"

ANTD.VN - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, trong bộ máy của nước ta hiện nay có nhiều cơ quan trùng lặp, chồng chéo chức năng nhiệm vụ cần phải sáp nhập lại để tinh giản đầu mối, song việc này không dễ vì động đến nhiều vấn đề nhạy cảm…
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, trong bộ máy của nước ta hiện nay có nhiều cơ quan trùng lặp, chồng chéo chức năng nhiệm vụ cần phải sáp nhập lại để tinh giản đầu mối, song việc này không dễ vì động đến “ghế ngồi” của nhiều lãnh đạo…

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc

Cơ quan Đảng phải thực hiện trước

Một trong những vấn đề được bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đang diễn ra ở Hà Nội là Đề án xây dựng, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đây được coi là đề án sẽ là định hướng lớn giúp các bộ ngành, địa phương sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

Nói về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho biết, không phải bây giờ việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy mới được đặt ra mà trong quá khứ Đảng ta đã nhiều lần đề cập đến. Dù vậy có thể nói, thời gian qua công tác này vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Đặc biệt hiện nay, có hiện tượng càng tinh giản thì bộ máy càng phình to. Vì vậy, việc quyết tâm tinh giản biên chế và sắp xếp lại bộ máy lúc này là việc cần, cấp thiết phải làm ngay, thậm chí có thể nói đây là việc sống còn.

“Trong đó, các cơ quan của Đảng phải là nơi đầu tiên thực hiện tinh giản bộ máy, vì ở nước ta Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo. Nếu bộ máy Đảng vẫn cồng kềnh thì hiệu quả lãnh đạo suy giảm” – PGS Phúc nói.

Tiếp đến, bộ máy chính trị - hành chính cũng đòi hỏi phải nhất thể hóa cao hơn, tức các cơ quan giữa bên Đảng và bên chính quyền nếu thấy có chức năng nhiệm vụ chồng chéo, trùng lặp nhau thì phải sáp nhập lại, tránh nhiều cơ quan cùng làm một việc.

Dù vậy, PGS Nguyễn Trọng Phúc cũng thừa nhận, tinh giản và sắp xếp lại bộ máy là việc rất khó và nhạy cảm vì nó đụng chạm đến quyền lợi cá nhân của nhiều lãnh đạo.

“Qua nghiên cứu lịch sử tôi thấy tách ra thì dễ nhập vào thì khó vì đụng chạm, khi hai cơ quan nhập lại làm một thì từ hai ông lãnh đạo chỉ còn lại một thôi”- nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng phân tích, đồng thời cho rằng chỉ khi gạt bỏ được lợi ích riêng thì việc này mới có hiệu quả tốt hơn.

ĐBQH Lê Thanh Vân

Sắp xếp lại bộ máy sẽ giúp tinh giản đến 50% biên chế

Cũng về nội dung này, ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội thẳng thắn cho rằng, để cải cách bộ máy có hiệu quả, Đảng phải đi tiên phong. Cụ thể phải rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Đảng để tiên phong cắt giảm đầu mối, có thể theo hướng lồng ghép cơ quan Đảng vào cơ quan Nhà nước với những chức năng, nhiệm vụ tương đồng để giảm đầu mối.

Theo ĐBQH Lê Thanh Vân, bộ máy Nhà nước nói chung và bộ máy hành chính nói riêng của ta hiện nay còn quá nhiều tầng nấc, hoạt động kém hiệu quả, chức năng nhiệm vụ của nhiều cơ quan chồng lấn.

Qua hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội vừa qua cho thấy thực tế này đã đến mức báo động, nhất là tình trạng bộ máy sinh ra quá nhiều tầng nấc trung gian, quá nhiều đầu mối, từ đó dẫn đến nhiều nơi số lãnh đạo nhiều hơn nhân viên.

Chỉ cần tinh giản được bộ máy theo hướng thu hẹp đầu mối, thống nhất một việc chỉ giao cho một đầu mối thực hiện thì đã có thể giảm được 50% biên chế hiện nay.

Ông Vân nhấn mạnh, việc thu hẹp đầu mối này cũng cần đi đôi với việc “chưng cất” về cán bộ, công chức, kiên quyết loại bỏ những cán bộ công chức thiếu năng lực, suy thoái ra khỏi bộ máy.