Tình chung thuỷ vượt tội lỗi của người đàn bà vị tha

ANTĐ - Nếu Thanh quay lưng tìm hạnh phúc khác, chẳng ai chê trách được chị bởi về mặt pháp lý, chỉ là em dâu của chồng. Nhưng lòng bao dung của người đàn bà vẫn còn tình cảm đã giúp chị bỏ qua tất cả những lầm lỗi của chồng, dang rộng vòng tay đón anh trong sự tha thứ.

Lấy anh hay lấy em?

Nói về hình thức, chị Nguyễn Thị Thanh, sinh năm 1977 chẳng có gì đặc biệt nếu như không nói là có phần kém sắc. Nước da đen đúa, dáng người nhỏ thó, hàm răng hơi “hô”, duy chỉ có đôi mắt nâu khiến người đối diện cảm thấy ấm áp. Thanh là con gái miền biển nhưng lại không ăn sóng nói gió mà rất đỗi nhẹ nhàng, lúc nào cũng như thì thầm tâm sự,... phải chăng vì thế mà cuộc sống của chị cứ thăng trầm mãi cho tới bây giờ.

Sinh ra trong một gia đình đông anh em, thông minh và sâu sắc nhưng vì là con gái lớn nên dù được vào thẳng cấp ba, Thanh cũng không được cha mẹ cho học tiếp với lý do: “Con gái lớn, học thế là đủ, học nhiều chỉ tổ cãi lại chồng”. Ngoài việc chăm nom mấy sào ruộng, Thanh theo các chị trong xóm chạy chợ. Cô thường đi các chợ xa đong thóc về xay xát rồi đem tới những chợ ven biển bán cho dân chài. Tiền kiếm được tuy không giúp cô giàu lên nhưng lại giúp Thanh tích lũy được nhiều kinh nghiệm sống. Sợ phải ở nhà lấy chồng sớm như những cô gái trong vùng, sau vài năm chạy chợ, Thanh theo anh trai vào Tây Nguyên, thuê rẫy trồng cà phê, cấy đỗ. Mùa khô không trồng cấy, cô lại theo nếp cũ khi còn ở quê, đi chợ đong hơn bán kém nên lúc nào cũng dư dật. Thanh hy vọng bằng sự lam làm, vùng đất mới sẽ giúp cô đổi đời.

Tuổi trẻ sống xa nhà, những tối buổi nhàn rỗi, anh em Thanh lại cùng nhóm thanh niên đều là những người ở ngoài Bắc vào làm ăn, tụ tập tán chuyện gẫu và chuyện tình cảm lứa đôi cũng từ đấy nảy nở. Những đám cưới vội vàng không đầy đủ hai bên nội ngoại; những căn nhà tạm thi nhau mọc lên xen lẫn giữa nhà của đồng bào dân tộc trong số đó có một mái nhà của vợ chồng Thanh. Thanh bảo ngày ấy còn trẻ, thấy Lê là thanh niên Hải Phòng nhưng rất chăm chỉ nên cô nhận lời yêu, được một thời gian thì cưới. Thanh không về Hải Phòng tìm hiểu thân thế của chồng một phần vì quá tin tưởng vào người yêu, cũng một phần vì kinh tế khi ấy chưa cho phép họ ra Bắc làm một đám cưới rình rang trước sự chứng kiến của bà con họ hàng.

Trong đám cưới của vợ chồng Thanh, người hai họ đều là đi mượn, chỉ có đăng ký kết hôn là thật. Chăm chỉ lại biết bảo ban nhau nên một thời gian sau, vợ chồng Thanh đã mua được rẫy, dựng được căn nhà gỗ cho riêng mình. Hạnh phúc tưởng chừng chẳng còn gì viên mãn hơn với Thanh khi hai đứa con trai lần lượt chào đời. Nhìn đứa trẻ bi bô, đôi lúc Thanh bàn với chồng đưa con về Hải Phòng cho biết gốc gác nhưng chồng cô lại tìm lý do lần nữa và rồi cuộc sống với những lo toan thường nhật cứ thế cuốn Thanh vào vòng quay, làm cô quên đi ý định ra Bắc cho tới một ngày cậu em chồng đột ngột xuất hiện.

Đáng nhẽ phải vui mừng khi gặp người thân giữa nơi rừng rú, thì chồng Thanh lại mặt tái như đổ chàm khi hai anh em thì thầm trò chuyện. Đêm ấy, Thanh đã rất ngạc nhiên khi thấy chồng trằn trọc nhưng cô không dám hỏi vì nghĩ chắc có chuyện gì tế nhị mà anh chưa kể với vợ. Sáng hôm sau, trong khi những thắc mắc về thái độ khác lạ của chồng còn chưa có lời giải, Thanh ngỡ ngàng khi thấy chồng mình cất tiếng gọi em trai: “Lê ơi” và cả hai bỗng giật bắn người khi thấy cô xuất hiện. Ở chơi được 2 hôm, em chồng Thanh quay ra Bắc để lại trong cô nỗi ngờ vực lớn không được giải đáp. Một thời gian sau, Thanh nhận được tin em chồng mất vì bạo bệnh, tuy nhiên trước lý lẽ mà chồng cô đưa ra rằng đóng cửa về lúc này thì không ai trông nom xưởng cưa của gia đình, tài sản sẽ bị tẩu tán nên Thanh đã một mình dẫn hai con về Hải Phòng, vừa là chịu tang em chồng và cũng là ra mắt luôn thể.

 Điều mà Thanh không thể ngờ tới là khi thấy cô trở về, bà mẹ chồng đã ôm lấy cô khóc ngất còn cô thì như quỵ hẳn khi thấy đằng sau di ảnh người xấu số là dòng chữ mang tên chồng mình. Họ không phải là cặp song sinh để Thanh nhầm lẫn, càng không phải là do bố mẹ đặt cùng một tên mà đơn giản là chồng Thanh đã cố ý lấy tên em trai để đăng ký kết hôn với cô. Đau khổ và hụt hẫng, Thanh khóc vì sự cả tin của chính bản thân trong khi làng xóm tới chia buồn, ai cũng tưởng cô đau buồn vì sự ra đi đột ngột của “người chồng” nên xúm vào động viên.

Mang những tâm sự ê chề ngược vào Tây Nguyên, Thanh đã không nói với chồng một lời nào còn Lê thì gần như quỳ sụp xuống chân cô, xin lỗi. Lê nói tên thật của anh ta là Hoàn và tình cảm mà anh ta dành cho Thanh là thật lòng, không dối trá. Sở dĩ Hoàn phải mượn tên em trai đăng ký kết hôn với Thanh là vì anh ta là một kẻ phạm tội, đang bị truy nã. Đau khổ vì bị lừa dối, nhưng Thanh không ngờ sự thể lại đi quá xa như vậy. Suốt những ngày ở Hải Phòng, cô không dám hỏi mẹ chồng vì thấy bà suốt ngày khóc lóc lại ốm đau, càng không dám hỏi hàng xóm vì xấu hổ. Chỉ có chị chồng, trước lúc cô dắt con đi chỉ nói một câu là có thắc mắc gì thì hãy về hỏi chồng, làm cho Thanh suốt chặng đường quay vào Nam chỉ nghĩ chồng mình chắc đã có vợ con, vì muốn lấp phòng nhì nên đã tìm cách che đậy. Cô đâu biết bao năm nay, cô sống chung nhà với một tên tội phạm. Chồng cô sau khi cùng đồng bọn gây ra một vụ cướp tài sản đã vào Nam lẩn trốn.

Người đàn bà giàu lòng vị tha

Nghe chồng kể về quá khứ tội lỗi của mình, Thanh cảm thấy mất phương hướng vì không biết đâu là sự thật, không biết tìm ai để có thể xin một lời khuyên. Cô gầy sọp đi vì bế tắc nhưng những đêm thức chong chong nhìn khuôn mặt thánh thiện của hai đứa con, cô lại tự nhủ không thể buông xuôi. Sau rất nhiều cân nhắc, đắn đo, Thanh khuyên chồng ra đầu thú, ở bên ngoài cô sẽ chăm sóc các con chu đáo, đợi anh ta trở về. Ban đầu Hoàn nhất quyết không nghe nhưng rồi trước những lời nói nhẹ nhàng của Thanh, anh ta đã đồng ý về Hải Phòng chịu tội. Ngày đưa Hoàn ra cơ quan công an, Thanh run lắm nhưng vẫn nói cứng với Hoàn rằng sẽ bán hết nương rẫy để về quê, phụng dưỡng mẹ chồng, chờ chồng mãn hạn. Cứ nghĩ với một kẻ lừa dối lại tội lỗi như Hoàn, Thanh có quyền đi tìm hạnh phúc cho riêng mình bởi trong con mắt xóm làng, cô là một góa phụ trẻ, ai ngờ người phản bội một lần nữa lại là Hoàn.

Vì ra đầu thú nên Hoàn được hưởng lượng khoan hồng, đi cải tạo 3 năm thì được tha tù. Hoàn trở về nhà ở Hải Phòng trong khi vợ anh với đôi bàn tay chăm chỉ đã tạo dựng được một cơ ngơi đầy đủ với ruộng lúa, vườn cây, ao cá. Mẹ Hoàn sau một thời gian ốm nặng đã qua đời, trên danh nghĩa trong một mái nhà giờ đây chỉ có người em dâu góa bụa là Thanh sống cùng người anh chồng vừa đi tù về. Thanh bàn với chồng làm lại đăng ký kết hôn để mọi người không hiểu lầm nữa nhưng Hoàn không đồng ý bởi những ngày trong tù, anh ta trót nặng tình với một phụ nữ khác.

Bẽ bàng, đau khổ vì người chồng tội lỗi trở về nhà chưa được bao lâu đã dẫn một phụ nữ khác về, nói là sẽ cưới làm vợ, Thanh tưởng như không còn muốn sống nữa. Cô chẳng biết bấu víu vào đâu khi người chồng tệ bạc, vì nghe lời người mới, đòi chia tài sản cô và hai con được chia một mảnh ruộng, sống trong căn buồng nhỏ phía Tây còn gian giữa và gian buồng phía Đông là của vợ chồng Hoàn. Khổ nhất là hai đứa trẻ, mấy năm mong chờ bố về, nay không được nhận bố cứ thẫn thờ, ngơ ngác. Không chịu được cảnh trái ngang ấy, Thanh dắt con quay vào Nam, bỏ lại sau lưng mọi thành quả bao năm vất vả mà cô đáng được hưởng.

Lại bắt đầu từ hai bàn tay trắng, những ngày mới vào của mẹ con Thanh vất vả hơn ngày son trẻ gấp bội lần nhưng cô không một lời than vãn. Cô dằn lòng, kìm nén những mất mát, đau khổ, bị lừa dối, lao vào làm việc để nuôi con những mong nương rẫy và lợn gà sẽ giúp cô quên đi mọi lương duyên hẩm hiu. Thương người em vất vả, anh trai Thanh cắt cho cô một mảnh rẫy để trồng cà phê, vậy là mẹ con Thanh có mảnh đất cắm chòi, không phải đi ở nhờ nữa. Thời gian như thang thuốc lâu mà hiệu nghiệm, giúp Thanh dần quên đi quá khứ đau buồn. Cô không còn khóc ngậm ngùi khi các con hỏi về bố nữa mà chúng có lẽ cũng hiểu được nỗi lòng của mẹ, đi học về là bảo ban nhau đỡ đần mẹ. Niềm vui lớn nhất đến với mẹ con Thanh là năm 2010, cô đã dựng được một căn nhà khang trang mà theo cô số tiền có được là do bán cà phê và một nửa đàn dê. Ngày cô dọn lên căn nhà mới, có một người đàn ông chống nạng, ngập ngừng không dám vào. Mãi tới khi hàng xóm về gần hết, Thanh mới được nghe kể. Cô cũng ngạc nhiên vì không biết đó là ai cho tới lần tình cờ gặp trên đường đi chăn dê. Khi người đàn ông ngẩng lên, Thanh chỉ kịp kêu một tiếng “á” bất ngờ và sửng sốt bởi không tin trước mặt chính là chồng mình.

Theo lời Hoàn kể thì sau khi mẹ con Thanh bỏ đi, nghe lời vợ mới cưới, Hoàn bán đi một phần đất ở, chung vốn mở xưởng cưa mà không biết rằng đó chỉ là cái bẫy mà người đàn bà mất nết giăng ra. Mất tiền của với Hoàn không đau bằng việc mất một chân trong lúc lao động và đương nhiên cái thân tàn phế của anh chẳng đủ sức giữ người vợ không tình cảm. Còn lại một mình trong căn nhà cha mẹ để lại, sau rất nhiều do dự, Hoàn quyết định vào Nam tìm vợ con, chỉ muốn nói một lời xin lỗi. Nhưng không ngờ với tấm lòng bao dung, người đàn bà nhỏ bé, tưởng như không gượng nổi trước nhiều sóng gió cuộc đời đã mở lòng, đón anh vào nhà. Nhìn Thanh sáng sáng cầm chiếc làn thức ăn, cùng chồng đuổi dê vào rừng chăn, chẳng ai nghĩ giữa họ đã từng có một thời sóng gió tưởng như khó lòng vượt qua.