Tình báo Đức tham gia chiến dịch của Mỹ nhắm vào các tay súng IS trở về châu Âu

ANTD.VN -Ngày 3/2, tuần báo Tấm Gương của Đức đưa tin BND, cơ quan tình báo Liên bang Đức, đã tham gia một chiến dịch chống khủng bố bí mật do Mỹ dẫn đầu có tên gọi “Gallant Phoenix” với mục tiêu nắm bắt thông tin từ các phần tử thánh chiến châu Âu trở về quê nhà từ Syria và Iraq. 

Theo tờ Tấm Gương, BND đã tham gia chiến dịch bí mật trên hồi tháng 10 năm ngoái. Được dẫn đầu bởi một trung tâm của Bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt hỗn hợp Mỹ (JSOC) đóng chốt tại Jordan, Gallant Phoenix thu thập thông tin tình báo về các tay súng đã chiến đấu cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các nhóm Hồi giáo khác. 

Chủ tịch cơ quan tình báo nội địa Đức (BfV) Hans Georg MaaBen

Các thông tin này bao gồm các tài liệu, dữ liệu, dấu vết ADN và dấu vân tay được thu thập từ các thành trì trước đây của IS. 21 quốc gia tham gia chiến dịch này. 

Hồi năm 2016, BND từ chối lời đề nghị của Mỹ tham gia chiến dịch trên do lo ngại Washington sẽ sử dụng thông tin tình báo để tấn công các phần tử thánh chiến của Đức tại Trung Đông. 

Nhiều phần tử tham gia chiến đấu cho IS là công dân châu Âu trong đó có Đức

Tuy nhiên, sự thay đổi quyết định xuất phát từ mối quan ngại của các quan chức cấp cao Đức về tình hình vợ con của các tay súng IS trở về quê nhà.

Hồi tháng 12-2017, ông Hans-Georg Maassen, người đứng đầu cơ quan tình báo nội địa Đức (BfV) cảnh báo, nhiều phụ nữ trở về Đức từ các thành trì IS dường như đã “trở nên cực đoan và thấm nhuần hệ tư tưởng bạo lực của nhóm khủng bố".

Quan chức này cũng cảnh báo: “Những đứa trẻ đã bị tẩy não triệt để ở các trường học mà IS chiếm giữ. Đó là một vấn đề đối với chúng tôi bởi vì rất nhiều trẻ em và thanh thiếu niên trong số đó trở nên nguy hiểm". 

Khoảng 950 người Đức có niềm tin vào Hồi giáo đã sang Syria để chiến đấu và phục vụ cho IS. 20% trong số đó là phụ nữ.

Đa phần người trở về Đức từ Trung Đông là phụ nữ, họ thường có tư tưởng cực đoan và trở thành nguy cơ tấn công khủng bố 

Tuy nhiên, gần đây các nhóm chiến binh Sunni bị thiệt hại nặng nề về tài nguyên và lãnh thổ, chính phủ Đức dự kiến sắp có sự gia tăng về số lượng những người Hồi giáo cực đoan trở về quê hương. Cho đến nay, khoảng một phần ba các chiến binh người Đức di chuyển đến Trung Đông đã trở lại.

BND cho biết, họ đã xác định được 705 người đang sống ở Đức, số này gấp 5 lần so với năm 2013. Những người được coi là có nguy cơ tấn công khủng bố trên đất Đức.