Tin tưởng vào sức mạnh vượt “cơn gió ngược” của kinh tế Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các tổ chức kinh tế quốc tế hàng đầu vẫn đặt niềm tin vào sức chống đỡ dẻo dai của kinh tế Việt Nam trước những “cơn gió ngược” dù là các tác động tiêu cực của dịch bệnh, kinh tế thế giới và khu vực… hay mới nhất là những tổn thất rất nặng nề về người và tài sản do siêu bão Yagi (bão số 3) gây ra.
Xuất khẩu là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước ta

Xuất khẩu là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước ta

Động lực vượt “cơn gió ngược”

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong báo cáo mới nhất vừa công bố đã quyết định nâng dự báo về sức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 lên 6,1%, cao hơn mức dự báo “gần 6%” mà định chế tài chính này đưa ra hồi tháng 6 năm nay. Không chỉ IMF, các tổ chức tài chính lớn khác như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và ngân hàng HSBC trong đánh giá mới nhất cũng cho thấy cái nhìn lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam.

Theo báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) tháng 9 vừa được công bố, ADB đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế tích cực cho Việt Nam với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước đạt 6% trong năm 2024 và tăng lên 6,2% trong năm 2025. Trong khi đó, ngân hàng HSBC tiếp tục kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 ở mức 6,5% khi cho rằng lĩnh vực sản xuất vươn mình mạnh mẽ và lạm phát diễn biến theo chiều hướng tích cực.

Đáng chú ý, các tổ chức tài chính hàng đầu của khu vực và thế giới đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam khi mà nước ta phải chịu những tác động “ngược chiều” từ cả những khó khăn của kinh tế thế giới cũng như thiên tai nghiêm trọng, đặc biệt là siêu bão Yagi (bão số 3) mới đây. Điều đó cho thấy, các tổ chức kinh tế quốc tế vẫn đặt niềm tin vào sức chống đỡ dẻo dai của kinh tế Việt Nam trước những “cơn gió ngược”.

Báo cáo tại “Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng” vào trung tuần tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 sẽ tác động mạnh đến tăng trưởng GDP quý III và quý IV-2024. Theo đó, tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại. Tăng trưởng GDP quý III-2024 của cả nước có thể giảm 0,35%; quý IV-2024 giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước GDP cả nước trong năm 2024 có thể giảm 0,15% so với kịch bản đã đưa ra trước đây và ước tăng trưởng có thể đạt 6,8-7%. Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản chịu tác động nặng nề nhất, giảm tới 0,33%; công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%. Đánh giá về tác động tiêu cực của bão số 3 với kinh tế nước ta trên đây được đưa ra khi chưa có thống kê đầy đủ về những thiệt hại mà siêu bão Yagi gây ra. Đánh giá này dựa trên thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng tính tới trung tuần tháng 9 vừa qua, trong khi số liệu mới nhất do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra là hơn 81.500 tỷ đồng.

Vậy, các tổ chức quốc tế có quá lạc quan về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam hay không khi mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế đang phải đối mặt với những rủi ro hiện hữu, trong đó có cả rủi ro địa chính trị bên ngoài?

Theo IMF, việc định chế tài chính này nâng dự báo mức tăng trưởng của kinh tế Việt Nam là do sự cải thiện của nền kinh tế nhờ nhu cầu bên ngoài vẫn mạnh mẽ, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam ổn định và các chính sách thích ứng của Chính phủ. Tổ chức này đặc biệt đánh giá cao những phản ứng nhanh của Chính phủ Việt Nam nhằm duy trì ổn định tài chính vĩ mô sau khi quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch gặp nhiều trở ngại từ trong và ngoài nước. Trong khi đó, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Shantanu Chakraborty cho rằng, sự phục hồi ổn định của nền kinh tế là “kết quả của sản xuất công nghiệp cải thiện và thương mại gia tăng mạnh mẽ”. Theo ADB, thương mại hồi phục và dòng vốn FDI tích cực là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam.

Giải pháp hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng

Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế cũng khuyến cáo về những thách thức mà Việt Nam phải vượt qua để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới. Trong đó, nhấn mạnh tới những tác động không thuận từ bên ngoài như thế giới tiếp tục chứng kiến những biến động phức tạp, khó lường hơn, có những yếu tố thay đổi rất nhanh, nằm ngoài khả năng dự báo của các nước và tổ chức quốc tế, tạo sức ép lớn lên tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Ngân hàng HSBC đưa ra một số rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam sắp tới như hậu quả đặc biệt nặng nề của siêu bão Yagi, cũng như các biến động đột ngột của giá năng lượng thế giới, giá thực phẩm, mức độ hồi phục của nhu cầu hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là khu vực châu Âu.

Trong báo cáo “Dự báo triển vọng kinh tế quý III-2024” vừa công bố, Ngân hàng UOB - một ngân hàng hàng đầu của châu Á có trụ sở tại Singapore với mạng lưới toàn cầu - cũng đánh giá, ảnh hưởng của siêu bão Yagi đối với Việt Nam sẽ được cảm nhận rõ hơn vào cuối quý III - 2024 và đầu quý IV-2024 ở các vùng phía Bắc. Tác động sẽ thể hiện qua việc sản lượng sụt giảm và các cơ sở bị hư hỏng ở nhiều lĩnh vực như sản xuất, nông nghiệp và các dịch vụ.

Các định chế tài chính dẫn ra thực tế chuỗi cung ứng logistics toàn cầu có nguy cơ đứt gãy khi cuộc xung đột ở Biển Đỏ leo thang hay cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến thị trường năng lượng và lương thực của thế giới chao đảo như thế nào thời gian qua. Hiện nay, xung đột giữa Israel với lực lượng Hezbollah được Iran hậu thuẫn tại Lebanon và đặc biệt là xung đột quân sự trực tiếp giữa Israel - Iran đang đẩy khu vực Trung Đông tới vực thẳm của một cuộc chiến tranh toàn diện.

Báo cáo ADO của ADB đã nêu bật một số rủi ro có thể làm chậm đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Trong đó, nhu cầu từ bên ngoài tại một số nền kinh tế lớn vẫn yếu, trong khi căng thẳng địa chính trị, xu hướng bảo hộ gia tăng và những bất ổn liên quan tới cuộc bầu cử tại Mỹ trong tháng 11 tới có thể khiến thương mại bị phân mảnh, ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu, hoạt động sản xuất và việc làm. Ngoài ra, nhu cầu trong nước còn yếu và triển vọng kinh tế toàn cầu khó khăn sẽ làm tăng thêm sự bất ổn. Hơn nữa, việc Fed hạ lãi suất, cùng những động thái tương tự được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra trước đó, cũng là yếu tố có thể khiến xuất khẩu của Việt Nam suy yếu.

IMF lưu ý rằng, rủi ro đối với kinh tế Việt Nam hiện vẫn còn cao. Trong đó, xuất khẩu - một trụ cột, đồng thời là động lực chính tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam - có thể suy yếu nếu tăng trưởng toàn cầu không như mong đợi, căng thẳng địa chính trị toàn cầu vẫn tiếp diễn hoặc tranh chấp thương mại gia tăng. Để vượt “cơn gió ngược”, các chuyên gia của ADB khuyến nghị, Việt Nam cần thúc đẩy nhu cầu trong nước thông qua các biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ hơn như đẩy nhanh thực hiện đầu tư công, trong khi vẫn duy trì lãi suất thấp. Sự phối hợp giữa các chính sách là cần thiết để thúc đẩy phục hồi kinh tế, trong bối cảnh giá cả tương đối ổn định và nhu cầu còn yếu.

Cùng quan điểm, IMF khuyến nghị, chính sách tài khóa nên đi đầu trong việc hỗ trợ hoạt động kinh tế, đặc biệt là qua việc đẩy nhanh đầu tư công. Nhấn mạnh đây là giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hiện tại, song IMF cho rằng, Việt Nam cần phải giải quyết các nút thắt trong quá trình thực hiện. Về dài hạn, IMF khuyến nghị, Việt Nam tiếp tục theo đuổi các cải cách cơ cấu và cải cách các chính sách về biến đổi khí hậu để đạt được tăng trưởng bền vững, xanh và toàn diện. Việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế có thu nhập trung bình cao đòi hỏi các nỗ lực hơn để cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường cơ sở hạ tầng quan trọng và đầu tư vào nguồn nhân lực.