[Tin nhanh sáng 23-4-2021] Phá đường dây lừa hàng nghìn người bán hàng online, chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bản tin nhanh An ninh đời sống sáng ngày 23-4-2021 gồm những nội dung chính sau: Phá đường dây lừa hàng nghìn người bán hàng online, chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng; Lừa cầm cố ôtô, tiêu tiền tỷ trong hơn một tháng; Tối 23-4, cấm xe đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long; Phát hiện vật thể nghi là tàu ngầm Indonesia mất tích; Nga bất ngờ rút quân khỏi khu vực gần biên giới Ukraine; Vụ nổ kho đạn châm ngòi căng thẳng Nga - CH Czech.

Sau đây là nội dung chi tiết:

* Phá đường dây lừa hàng nghìn người bán hàng online, chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng

Đầu năm 2021, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện trên địa bàn có một đường dây tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tiền của CTV bán hàng online liên tỉnh. Sau 4 tháng điều tra, Ban chuyên án xác định kẻ cầm đầu đường dây này là Lê Huy Nhật (28 tuổi, ngụ P.Lam Sơn, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) và Nguyễn Hữu Hiếu (28 tuổi, ngụ xã Việt Hùng, H.Vũ Thư, Thái Bình), hoạt động từ năm 2018 cho đến nay.

Thủ đoạn của đường dây này là sử dụng mạng xã hội, tuyển CTV bán các mặt hàng mỹ phẩm bằng hình thức online với mức lương từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Vì ham lợi nhuận, hưởng phần trăm hoa hồng mà hàng nghìn CTV bán hàng online đã bỏ tiền ra mua hàng của đường dây này để rồi bị “xù” đơn hàng và phải ôm đống hàng kém chất lượng với trị giá hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng.

Những đối tượng cầm đầu đường giây lừa đảo bị bắt giữ

Những đối tượng cầm đầu đường giây lừa đảo bị bắt giữ

Các nghi phạm trong đường dây này đã chiếm đoạt hơn 100 tỉ đồng của CTV bán hàng online khắp cả nước và hơn 3.000 bị hại đã “sập bẫy”.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 37 nghi phạm trong đường dây để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tiếp tục mở rộng điều tra.

* Lừa cầm cố ôtô, tiêu tiền tỷ trong hơn một tháng

Ngày 22-4, Nguyễn Thanh Luận bị TAND Đà Nẵng tuyên phạt 13 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 3 năm tù về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, tổng hợp hình phạt 16 năm tù. Bị cáo phải bồi thường gần 1,09 tỷ đồng cho hai bị hại.

Theo cáo trạng, cuối tháng 2-2020, Luận thuê ôtô Mazda 2 biển Quảng Nam của anh Nguyễn Trọng Trí, giá 600.000 đồng/ngày và đưa tiền trước cho 4 ngày thuê. Luận sau đó thuê làm giấy tờ xe mang tên Nguyễn Thanh Luận với giá 4,5 triệu đồng.

Bị cáo Nguyễn Thanh Luận tại toà
Bị cáo Nguyễn Thanh Luận tại toà

Luận mang xe cùng giấy tờ đến cầm cố cho anh Lê Phước. Hai bên lập hợp đồng vay tiền và thế chấp tài sản với số tiền 350 triệu đồng. Ngày 25-3-2020, Luận đến một công ty thuê xe Vios trong 6 ngày, trả trước 5 triệu đồng tiền thuê.

Như "kịch bản" trước, bị cáo mang xe đến tiệm cầm đồ để vay thế chấp, lấy 310 triệu đồng. Luận còn thế chấp ôtô Mazda 3 thuê của một công ty khác với số tiền 430 triệu đồng.

Tiêu gần 1,1 tỷ đồng chỉ trong vòng hơn một tháng, ngày 15-4-2020, Luận đến Công an Đà Nẵng đầu thú.

* Tối 23-4, cấm xe đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long

Các phương tiện sẽ không được di chuyển vào đường vành đai 3 trên cao, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long (Hà Nội) từ 21h tối 23-4 đến 5h sáng 26-4.

Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) đã chuẩn bị phương án phối hợp phân luồng, điều tiết giao thông trong thời gian rào chắn đường vành đai 3 trên cao để phục vụ thi công lối lên xuống của dự án cầu cạn.

Theo đó, đoạn từ Mai Dịch (Mố A1) đến đầu cầu Thăng Long (Mố A2), cơ quan chức năng sẽ cấm toàn bộ các phương tiện lưu thông theo cả 2 hướng. Trong thời gian bị cấm đường, các phương tiện lưu thông đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long sẽ được điều hướng vào đường Phạm Văn Đồng dưới thấp.

Đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long sẽ cấm các phương tiện lưu thông từ 21h tối 23-4 đến 5h sáng 26-4
Đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long sẽ cấm các phương tiện lưu thông từ 21h tối 23-4 đến 5h sáng 26-4

Trong thời gian bị cấm đường, cá đơn vị chức năng sẽ bố trí rào chắn bằng barie kết hợp đèn cảnh báo, biển báo, biển cảnh báo, biển hướng dẫn giao thông phục vụ cảnh báo tại chỗ và từ xa, bố trí người hướng dẫn giao thông 24/24 giờ tại các điểm đầu đường dẫn lên mố A1 và mố A2 theo hướng di chuyển của các phương tiện,... tăng cường các cán bộ chiến sĩ nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông qua khu vực thi công.

* Phát hiện vật thể nghi là tàu ngầm Indonesia mất tích

Tham mưu trưởng hải quân Indonesia Yudo Margono hôm nay cho biết giới chức hy vọng vật thể không xác định chính là tàu ngầm KRI Nanggala-402 đang mất tích. Lực lượng cứu hộ đang đợi một tàu hải quân với các phương tiện dò tìm dưới nước đến khu vực này trước khi họ có thể xác định thêm.

Tuy nhiên, Hải quân trước đó nhận định tàu ngầm có thể đã chìm xuống 600-700 mét, sâu hơn nhiều so với độ sâu hoạt động tối đa của tàu.

Quân đội Indonesia cho biết hơn 20 tàu hải quân, 2 tàu ngầm và 5 máy bay đang tìm kiếm khu vực ghi nhận tín hiệu tàu ngầm lần cuối. Điều kiện thời tiết thuận lợi cho công tác tìm kiếm.

Tàu ngầm KRI Nanggala rời quân cảng Surabaya trong ảnh được công bố hôm 21-4
Tàu ngầm KRI Nanggala rời quân cảng Surabaya trong ảnh được công bố hôm 21-4

Theo Margono, thủy thủ đoàn tàu ngầm KRI Nanggala có đủ dưỡng khí cho đến 3h sáng 24-4, bởi lượng oxy dự trữ đủ dùng cho 72 giờ sau khi mất điện toàn tàu. Do đó, Indonesia đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm tàu ngầm.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm qua lệnh cho quân đội và các cơ quan tìm kiếm cứu nạn dồn lực tìm KRI Nanggala. Malaysia, Singapore và Ấn Độ đã điều tàu tham gia tìm kiếm cùng Indonesia. Mỹ, Australia, Đức, Pháp, Nga, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc cũng đã đề nghị hỗ trợ.

* Nga bất ngờ rút quân khỏi khu vực gần biên giới Ukraine

Ngày 22-4, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã ra lệnh cho binh sĩ bắt đầu rút khỏi Crimea và khu vực biên giới với Ukraine để trở về căn cứ thường trực.

Theo đó, ông Shoigu đã lệnh cho các lực lượng mặt đất của Nga trở lại các căn cứ ở Vladikavkaz và Novosibirsk, trong khi các đơn vị không quân trở về căn cứ ở Pskov, Ivanovo và vùng Krasnodar trước ngày 1-5. Tuy nhiên, các khí tài và thiết bị quân sự vẫn giữ lại ở trường bắn Pogonovo ở vùng Voronezh, cách biên giới Ukraine khoảng 160km về phía đông vì chúng có thể phục vụ cho các cuộc diễn tập của quân đội Nga vào cuối năm nay.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu

Tuy nhiên, ông Shoigu cũng ra lệnh cho quân đội sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến bất lợi có thể xảy ra.

Quyết định rút quân của Nga được đưa ra sau một thời gian phương Tây chỉ trích và bày tỏ quan ngại việc Moscow tăng cường lực lượng quân sự ở Crimea và gần biên giới Ukraine với quy mô lớn chưa từng có kể từ năm 2014.

* Vụ nổ kho đạn châm ngòi căng thẳng Nga - CH Czech

Căng thẳng giữa Nga với CH Czech, cũng như phương Tây, trở nên trầm trọng sau khi Prague cáo buộc đặc vụ Nga gây ra vụ nổ kho đạn năm 2014.

Vụ nổ xảy ra vào tháng 10-2014 tại Kho 16 ở làng Vrbetice, phía đông CH Czech, phá hủy 50 tấn đạn và khiến hai công nhân của nước này thiệt mạng. Nguyên nhân sự cố không được giải đáp suốt nhiều năm. Babis cho biết báo cáo tình báo mà chính phủ CH Czech nhận được hôm 16-4 cho thấy Nga có liên quan đến vụ nổ. Thông tin này cũng gây phẫn nộ trên cả nước.

Một người biểu tình cầm cờ EU bên ngoài đại sứ quán Nga tại Praha, Czech, hôm 18-4
Một người biểu tình cầm cờ EU bên ngoài đại sứ quán Nga tại Praha, Czech, hôm 18-4

CH Czech hôm 17-4 trục xuất 18 nhà ngoại giao Nga bị cáo buộc là gián điệp liên quan tới vụ nổ kho đạn năm 2014. Nga sau đó trả đũa bằng cách trục xuất 20 nhà ngoại giao Czech, chỉ để lại một vài người ở Moskva.

Động thái "ăn miếng trả miếng" tiếp tục vào ngày 19-4, khi Bộ trưởng Công nghiệp CH Czech Karel Havlicek cho biết tập đoàn năng lượng hạt nhân quốc gia Nga Rosatom sẽ bị cấm đấu thầu những lò phản ứng mới tại nhà máy điện hạt nhân Dukovany của CH Czech.

Trong khi đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 19-4 "kiên quyết bác bỏ" những cáo buộc của Prague mà ông cho là "khiêu khích và không thiện chí".