Tín hiệu tích cực trước "ma trận" thực phẩm bẩn

ANTD.VN - Cuối tuần qua, lần đầu tiên 15 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp đã ký kết với Bộ NN&PTNT cam kết cung ứng nông sản an toàn tới người tiêu dùng. Đây là động thái tích cực để nông sản Việt lấy lại niềm tin của người tiêu dùng trong nước cũng như dần loại bỏ những doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận mà làm bậy.

15 đại gia nông nghiệp đầu tiên cam kết với Bộ NN&PTNT cung ứng nông sản an toàn

15 doanh nghiệp tiên phong

Theo đó, 15 “đại gia” trong lĩnh vực nông nghiệp đã ký kết với Bộ NN&PTNT cung ứng những sản phẩm rau, củ, trứng, thịt, hải sản… an toàn ra thị trường. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, năm 2016 được Bộ xác định là năm hành động về ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bộ đã xây dựng hàng loạt chuỗi thực phẩm an toàn, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của doanh nghiệp. Bộ cũng tập trung vào thông tin tuyên truyền, quảng bá, nêu đích danh những đơn vị kinh doanh, sản xuất những sản phẩm không an toàn cũng như giới thiệu các mô hình điển hình, chuỗi sản phẩm, kinh nghiệm hay.

“Việc 15 doanh nghiệp lớn cùng cam kết cung ứng nông sản thực phẩm an toàn này sẽ là bước đi quan trọng để nhân rộng ra nhiều điển hình, giới thiệu tới người tiêu dùng các sản phẩm an toàn. Qua đó, có thể truyền đi thông điệp về sự cam kết cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và cộng đồng”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kỳ vọng. 

Theo Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp tham gia ký kết phải cam kết cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tại hệ thống các cơ sở phân phối, bày bán sản phẩm trên toàn quốc theo các quy định của pháp luật về ATTP.

Bà Nguyễn Hồng Lý, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, từ việc ký kết nói trên, phải làm sao để các hộ nông dân cũng được tham gia trong chuỗi cung ứng. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với hộ nông dân thông qua mô hình tổ chức hợp tác xã hoặc nhóm hộ, tổ hợp tác… 

Trong bối cảnh thực phẩm bẩn đang là mối lo ngại của hàng chục triệu người tiêu dùng, đặc biệt là tình trạng thực phẩm sử dụng hóa chất độc hại, việc 15 “đại gia” trong lĩnh vực nông nghiệp cam kết với Bộ NN&PTNT cung ứng sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng được đánh giá là một tín hiệu tích cực, một điểm sáng trong bức tranh ATTP vốn xám xịt hiện nay. 

Giám sát chặt chẽ thực phẩm sạch

Bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân cho rằng, bấy lâu nay chúng ta  nói về thực phẩm bẩn nhiều rồi, nhưng tuyên truyền và quảng bá  về những nhà sản xuất thực phẩm sạch, an toàn thì chưa nhiều. Doanh nghiệp sản xuất chân chính cũng liêu xiêu vì chưa lấy được lòng tin của người tiêu dùng. 

Ông Đào Ngọc Nam, Giám đốc Công ty CP sản xuất và thương mại An Việt nhìn nhận: “Qua nhiều năm gắn bó với sản xuất nông sản sạch, tôi thấy rằng các doanh nghiệp sản xuất nông sản sạch cần phải ngồi lại với nhau, trực tiếp làm việc với nông dân để cùng đưa ra phương hướng sản xuất để tạo ra chuỗi. Một khi chúng ta còn sản xuất nhỏ lẻ thì rất khó tạo ra được những sản phẩm sạch, an toàn đưa ra thị trường”.

Dù vậy, không ít người tiêu dùng tỏ ra băn khoăn về việc giám sát nông sản sạch hiện nay. Chị Đinh Thị Thu Trang, trú tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm bày tỏ: “Bấy lâu nay người tiêu dùng đã bị lạc vào ma trận thực phẩm sạch - bẩn. Người dân mất tiền nhưng cũng không mua được thực phẩm an toàn. Việc 15 doanh nghiệp nông nghiệp lớn cam kết trước bộ, ngành và giới truyền thông cung ứng sản phẩm an toàn, chúng tôi rất hoan nghênh và hy vọng sẽ không dừng lại ở con số này. Song, Bộ NN&PTNT là cơ quan đầu mối, cơ quan đứng ra ký kết cũng phải giám sát, hậu kiểm để các doanh nghiệp thực sự làm đúng những gì đã cam kết”. 

Về băn khoăn của người tiêu dùng, ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNTN) cho biết, đối với các đơn vị tham gia cam kết cung ứng nông sản an toàn, Bộ NN&PTNT sẽ giám sát chặt chẽ hơn, thường xuyên lấy mẫu kiểm tra. Nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định, rút danh sách và công bố rộng rãi để người tiêu dùng biết, tẩy chay sản phẩm vi phạm.

Tăng cung ứng từ các vùng phụ cận 

Năm 2015, để kiểm soát chặt chẽ nguồn cung thực phẩm tại  thị trường Hà Nội, Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban Điều phối Chương trình phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội. Sau hơn 1 năm hoạt động, chương trình đã có 21 tỉnh, thành phố tham gia. Các tỉnh, thành phố đã bước đầu xây dựng, hình thành những chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn cho Hà Nội như chuỗi rau VietGAP của tỉnh Hòa Bình, Sơn La hay chuỗi thịt gà Dabaco (Bắc Ninh)...

Tuy vậy, tính kết nối tiêu thụ rau, thịt sạch về Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn do cơ sở sản xuất của các địa phương chưa quan tâm đến đầu tư bao bì, tem nhận diện để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Số lượng nông sản thực phẩm an toàn cung cấp cho Hà Nội được quản lý thông qua thỏa thuận phối hợp còn hạn chế, một phần do các tỉnh, thành phố chưa có bộ phận chuyên nghiệp làm công tác xúc tiến thương mại nông nghiệp. 

Thậm chí, Bộ NN&PTNT cũng đã phát động chương trình “Địa chỉ xanh, nông sản sạch”, công bố được 382 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, nhưng theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, các địa phương cũng không thực sự mặn mà vào cuộc, cung cấp thông tin và kết hợp giám sát. 

Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở NN&PTNT Lạng Sơn chia sẻ, các doanh nghiệp trên địa bàn đều là doanh nghiệp nhỏ nên đầu tư cho sản xuất, đặc biệt là liên kết theo chuỗi còn khó khăn. Do đó, sản phẩm kết nối đưa về Hà Nội với số lượng không nhiều, mẫu mã chưa đồng đều. Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin thị trường, sản lượng nông sản giữa các tỉnh với Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn. 

Ước tính, Hà Nội hiện có khoảng 10 triệu dân, nên nhu cầu về lương thực, thực phẩm của Hà Nội là rất lớn. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhận định, 75 - 80% lượng nông sản được nhập từ các tỉnh, thành phố về tiêu thụ tại Hà Nội là do các thương lái thu gom về các chợ đầu mối.

Do đó, công tác quản lý ATTP còn gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP. Việc giúp người tiêu dùng nhận diện những nông sản an toàn, đặc sản vùng miền của các địa phương trở thành yêu cầu bức thiết cho cơ quan quản lý Nhà nước. 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đánh giá, việc kết nối thông tin giữa Hà Nội và các địa phương còn yếu. Do đó, thời gian tới cần phải chỉ ra rõ đầu mối làm nhiệm vụ kết nối của Hà Nội cũng như các địa phương để các doanh nghiệp biết và liên hệ.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng khẳng định, Bộ sẽ tạo điều kiện tối đa để tăng cường kết nối giữa Hà Nội với các địa phương, trong đó sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà từng địa phương không giải quyết được.