Tín hiệu tích cực trước Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội

ANTD.VN - Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố không thúc ép Triều Tiên về lộ trình phi hạt nhân hóa là tín hiệu tích cực trước Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai dự kiến diễn ra trong tuần sau tại Hà Nội.

Tín hiệu tích cực trước Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội ảnh 1Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ không thúc ép Triều Tiên về lộ trình phi hạt nhân hóa được cho sẽ tạo sự tích cực tại cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un ở Hà Nội 

Trả lời báo giới tại Nhà Trắng ngày 19-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định mong muốn Triều Tiên chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân, song khẳng định ông sẽ không vội vàng cũng như không gây sức ép về thời gian đối với Bình Nhưỡng. Nói về sự điều chỉnh lập trường về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên này, Tổng thống Donald Trump cho biết, ông không cần phải “thúc đẩy gấp rút kế hoạch” bởi quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng đang tiến triển tốt đẹp, trong bối cảnh hai nước chuẩn bị tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cũng nêu điều kiện để Washington có thể linh hoạt hơn trong tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Ông chủ Nhà Trắng nêu rõ, Mỹ sẽ “không vội vã gì trong việc đạt được một trong những mục tiêu về chính sách đối ngoại hàng đầu là thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân” nếu Bình Nhưỡng không tiến hành thêm bất kỳ vụ thử hạt nhân nào.

Tuyên bố được nhìn nhận như một sự điều chỉnh lập trường khá bất ngờ được Tổng thống Donald Trump đưa ra trong bối cảnh ông cùng Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sắp có cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai mà theo thông báo của ông Donald Trump sẽ diễn ra trong 2 ngày 27 và 28-2 tại Hà Nội. Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều 2.0 này được dự báo có khả năng đạt được những thỏa thuận mang tính đột phá, thúc đẩy các cam kết giữa hai bên tại cuộc gặp lần thứ nhất tại Singapore.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần đầu tiên ở Singapore hồi tháng 6-2018, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã đạt được thỏa thuận Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn để đổi lấy những bảo đảm an ninh và “các mối quan hệ mới” với Mỹ. Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần đầu tiên trong lịch sử đã thổi luồng gió hòa dịu và hòa giải lên bán đảo Triều Tiên vốn bao phủ bởi băng giá thù địch, đối đầu và căng thẳng suốt hơn 70 năm qua.

Cả hai đã có những bước đi và động thái tích cực như Triều Tiên dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, thúc đẩy đối thoại liên Triều…, trong khi Mỹ dừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc. Tuy nhiên, thỏa thuận quan trọng nhất là phi hạt nhân hóa Triều Tiên lại tiến triển hết sức chậm chạp, gần như “giậm chân tại chỗ”.

Nguyên nhân chính là sự nghi kỵ, quan điểm khác biệt lớn giữa Mỹ và Triều Tiên về tiến trình phi hạt nhân hóa. Trong khi Bình Nhưỡng muốn gắn từng bước đi phi hạt nhân hóa với hành động tương ứng của Washington trong việc dỡ bỏ trừng phạt, cải thiện quan hệ, hợp tác kinh tế và cuối cùng là ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, bình thường hóa quan hệ và lập quan hệ ngoại giao chính thức, thì phía Washington lại muốn Triều Tiên trước hết phải tiến hành phi hạt nhân hóa hoàn toàn và các thế kiểm chứng mới tính tới các bước đi tiếp theo từ Mỹ.

Chính vì thế, việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố “không thúc ép Triều Tiên về lộ trình phi hạt nhân hóa” có thể là sự thay đổi lập trường quan trọng, giúp tháo gỡ “nút thắt” thực hiện thỏa thuận Mỹ - Triều Tiên về phi hạt nhân hóa. Giới quan sát hy vọng, tín hiệu tích cực từ tuyên bố của Tổng thống Donald Trump sẽ tạo điều kiện thuận lợi để ông và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đạt được một thỏa thuận thực chất và vững chắc trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên dự kiến vào tuần tới ở Hà Nội.