Tín hiệu khởi sắc của thị trường sách

ANTĐ - Sau năm 2014 đầy “sóng gió” với vô số sách nhảm, sách in cẩu thả gây náo động thị trường sách thì năm 2015, ngành xuất bản đã chứng kiến nhiều tín hiệu khởi sắc. 

Tín hiệu khởi sắc của thị trường sách  ảnh 1Những cuốn truyện ngôn tình vô bổ, ảnh hưởng tới thị hiếu độc giả Việt Nam 

Sôi nổi các sự kiện văn hóa đọc 

Mở màn bằng hội sách “Xưa và nay” hưởng ứng Ngày sách Việt Nam tổ chức tại công viên Thống Nhất, năm 2015 có thể nói là năm đầy sôi nổi các sự kiện văn hóa đọc. Tại Hà Nội, từ Hội sách Quốc tế, Hội sách Hà Nội tại Hoàng thành Thăng Long cho đến các Hội sách mùa xuân, mùa thu, Chợ phiên sách cũ…, lượng người đổ về các hội sách luôn đông, cho thấy sức hút đáng kể từ những hội chợ này.

Chỉ tính riêng Hội sách Quốc tế lần thứ năm được tổ chức vào tháng 9 tại Công viên Thống Nhất với quy mô hơn 100 đơn vị xuất bản trong và ngoài nước, đón hàng vạn lượt khách, tiêu thụ 5 triệu bản sách, thu về gần 15 tỷ đồng là những con số ấn tượng chứng minh sự thành công của sự kiện, đồng thời cũng cho thấy nhu cầu không nhỏ của độc giả trong việc hưởng thụ tri thức, được tìm đến những ấn phẩm hay, chất lượng. 

Bên cạnh những ấn phẩm mới, sự “trở lại” với những đầu sách cũ cũng đóng góp một màu sắc tươi mới cho hoạt động xuất bản năm 2015. Việc độc giả say sưa đọc sách cũ, chìm đắm trong những tác phẩm “vang bóng một thời” chứng minh rằng sách cũ là một sản phẩm văn hóa tinh thần rất đáng trân trọng trong thời đại công nghệ nghe nhìn lên ngôi. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra mỗi lần hội sách khép lại đó là: Độc giả đang đọc gì? Đây đó, người ta ngỡ ngàng khi nhìn vào những đầu sách bán chạy nhất tại một hội sách, bỗng nhận ra không phải những tác phẩm chất lượng nhất, có nội dung xuất sắc nhất mà là những cuốn sách “đón” được thị hiếu của độc giả.

Doanh thu - đó là điều mỗi nhà sách, mỗi người viết sách đều hướng đến, nhưng thật đáng buồn nếu cuốn sách xứng đáng thì không được tôn vinh, còn những cuốn sách theo kiểu trào lưu thì “cháy hàng”. Điều này dẫn đến việc người đọc lẫn người viết đều ngộ nhận về một tác phẩm, trong một thị trường sách mà các giá trị đã bị cào bằng. 

Thanh lọc thị trường sách

Cuối năm 2015, ngành xuất bản có một bước đi quan trọng nhằm đưa ra những quy định mang tính ràng buộc, thắt chặt quản lý trong biên tập, in ấn xuất bản phẩm. Ngày 9-12-2015, 804 biên tập viên, giám đốc các nhà xuất bản trên cả nước đã được cấp chứng chỉ hành nghề biên tập. Đây là “giấy thông hành” và cũng là cơ sở để quy định rõ hơn về quyền hạn, trách nhiệm của mỗi biên tập viên đối với các xuất bản phẩm khi lưu hành trên thị trường. Theo ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành, hiện nay vẫn còn tới 1/3 lãnh đạo các NXB chưa có chứng chỉ hành nghề biên tập và điều này sẽ gây khó khăn cho việc hợp thức hóa một tác phẩm vì từ 1-1-2016, chỉ những ai có chứng chỉ hành nghề biên tập mới được đứng tên trên xuất bản phẩm. 

Cũng theo thông tin từ Cục Xuất bản, tính đến 23-11-2015, Cục Xuất bản đã xử lý 309 xuất bản phẩm của 38 nhà xuất bản, tăng 42,4 % so với cùng kỳ năm 2014. Vấn đề hiện nay là một số nhà xuất bản hoạt động theo kiểu cầm chừng, buông lỏng quản lý, chạy theo lợi nhuận, bỏ qua các quy trình biên tập... dẫn đến các sai phạm về nội dung cũng như hình thức. Con số 39 nhà xuất bản không đủ điều kiện hoạt động vì thiếu bộ máy lãnh đạo, cơ sở làm việc cũng như điều kiện tài chính... cũng khiến nhiều người giật mình. 

Nhằm thanh lọc thị trường sách, Cục Xuất bản đã có công văn số 2116/CXBIPH-QLXB ngày 16-4-2015 yêu cầu các NXB không đăng ký các đề tài truyện ngôn tình, đam mỹ (đồng tính nam). Đây cũng là lần đầu tiên cơ quan quản lý xuất bản có biện pháp mạnh tay trước những ấn phẩm có nội dung vô bổ, không lành mạnh, đang xâm nhập mạnh mẽ và ảnh hưởng đến thị hiếu của không ít độc giả trẻ Việt Nam.