Tín dụng vi mô: Hé hy vọng cho gia đình có người nghiện

ANTĐ - Cuộc sống của các gia đình có người nghiện ở vùng cao cứ lặng lẽ cùng núi rừng, tựa như sương mờ quanh năm bao phủ, luẩn khuất trong cái đói, cái nghèo. Từ khi tín dụng vi mô được triển khai, cuộc sống của bà con dần thay đổi, mở ra hy vọng mới cho vùng đất này.

Chiều tà, sương mờ bảng lảng, núi rừng dần im lìm trong bóng tối yếu ớt, chúng tôi đi cùng chị Lý Thị Nam, trưởng nhóm tín dụng vi mô xã Mường Hum, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai bắt đầu đi thăm hỏi, động viên một số hộ vay vốn tín dụng trong xã. Theo giải thích của chị, thời điểm này các hộ mới đi làm nương về. Vào thăm gia đình anh Lý A Tỷ (sinh năm 1964) và chị Vàng Thị Mẩy (sinh năm 1964) người dân tộc Dáy, con đường nhỏ lầy lội dẫn vào ngôi nhà gỗ được chủ nhân xây dựng chắc chắn, đèn điện bừng sáng giữa bóng tối im lìm. Tiếp chúng tôi bên bếp than đỏ lửa, nghe tâm sự quá trình thoát khỏi cuộc đời tăm tối ai cũng thấy ánh lên niềm tin vào tương lai tươi sáng của gia đình anh. Có thâm niên hơn chục năm dính vào “nàng tiên nâu”, anh Tỷ kể: “Lúc đấy nhà có bao nhiêu thóc đều  bị tôi “đốt” bay theo làn khói trắng, vợ con vì phải sống trong cảnh, đứt bữa, cái đói cứ ám ảnh từng ngày, cuộc sống gia đình lúc nào cũng nặng những âm thanh của sự hục hặc. Nhà cửa cứ theo thời gian dột nát”.

"Từng đấy thôi cũng đủ để thấy những cay đắng mà ma túy đem lại"- anh Tỷ tâm sự. Năm 2004 được sự vận động của chính quyền, đoàn thể anh đã đăng ký tham gia cai nghiện tại trung tâm cộng đồng xã Mường Hum và cai nghiện thành công. Cuộc sống mới bắt đầu càng khó khăn hơn vì thiếu thốn mọi thứ, nhất là vốn để phát triển sản xuất. “Rất may gia đình mình được vay 3 triệu đồng của dự án “Phòng chống lạm dụng ma túy trong đồng bào dân tộc thiểu số-VNMJ04”* để nấu rượu và chăn nuôi lợn”- Anh Tỷ phấn khởi kể. Cùng với đó, sự động viên, thăm hỏi thường xuyên của nhóm tín dụng vi mô nhằm trao đổi những kiến thức về dịch bệnh và đặc biệt biết cách tiết kiệm, anh đã thoát dần khỏi sự ám ảnh của ma túy, chắt chiu từng đồng vốn càng thấy quý mồ hôi, công sức mình bỏ ra. Bây giờ thì cuộc sống gia đình mình khấm khá hơn, mua được ti vi, loa đài rồi, anh Tỷ cho biết thêm.

Hay như gia đình Anh Trần Văn Tình (sinh năm 1977), vợ Trịnh Thị Thúy (sinh năm 1979) ở Trịnh Tường, Bát Xát, cũng là một điển hình. Cuộc sống hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ bên bờ “vực thẳm” khi anh dính vào ma túy. Tài sản của vợ chồng làm được bay theo “nàng tiên nâu”, nhà cửa vì thế ngày càng xiêu vẹo, lụp sụp. Gia đình vận động mãi anh mới đi cai lần đầu năm 1999 nhưng tiếp tục tái nghiện. Đau khổ vì chồng, chị Thúy đã nén nước mắt, từ chồng để anh thức tỉnh. Đến lần thứ 3, với sự cứng rắn của người vợ anh đã cai nghiện thành công (năm 2004). Anh chị quyết định lợp lại nhà, vay vốn của ngân hàng chính sách và vốn của dự án “Phòng chống lạm dụng ma túy trong đồng bào dân tộc thiểu số”. Tuy vốn vay nhỏ nhưng dự án giúp cho gia đình anh biết cách tiết kiệm và tính cách quay vòng vốn nhanh. Hiện tại gia đình anh lúc nào trong chuồng cũng có khoảng 20 con lợn. Thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/ tháng. Anh cũng bắt đầu mua tivi, tủ lạnh… cuộc sống khầm khá, 2 con anh được đi học đầy đủ.

Hộ dân thiểu số, vui mừng khi được vay vốn của dự án VNMJ04

Anh Trần Văn Tình (Trịnh Tường) cai nghiện thành công 2004 dần thoát nghèo nhờ vốn vay dự án

Đó chỉ là 2 trường hợp trong 84 hộ đang vay vốn của huyện Bát Xát được hưởng lợi từ dự án hỗ trợ. Bà Trần Thị Nết, Chủ tịch hội phụ nữ xã Trịnh Tường, đánh giá: “Tín dụng vi mô đang triển khai có ưu thế buộc người vay phải tiết kiệm, ý thức của người vay được nâng lên, hiệu quả sản xuất cao vì người vay thấy được giá trị của đồng vốn, sử dụng nó hiệu quả nhất. Đồng thời tiết kiệm cũng giúp tạo công ăn việc làm cho người khác vì cứ 20 người tiết kiệm thì sẽ có thêm một người được vay vốn”.

Trong khi đó khi tham gia vay vốn các hộ vay thường xuyên tổ chức sinh hoạt nhóm để trao đổi kinh nghiệm, khó khăn để cùng nhau làm ăn kinh tế, nâng cao đời sống cho gia đình. Ngoài ra các cán bộ còn khéo léo lồng ghép tuyên truyền phòng chống HIV và ma túy tới nhiều bà con khác trong thôn bản. Điều đó thể hiện tinh thần và trách nhiệm tốt của mỗi cá nhân.

Theo anh Lê Anh Hào, cán bộ Chi cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội tỉnh Lào Cai, hợp phần tài chính vi mô là một trong những hoạt động của dự án VNMJ04 tại tỉnh Lào Cai đã được triển khai mạnh mẽ và có những hiệu quả, đời sống của người dân được cải thiện và nâng cao hơn. Những gia đình thuộc nhóm yếu thế (gia đình có người nghiện, người bị nhiễm HIV/AIDS, các hộ nghèo), khó tiếp cận các nguồn vốn vay thông thường, nay tiếp cận với vốn vay của dự án. Mặc dù, số tiền dự án cho vay là rất nhỏ nhưng nó đã khích lệ một phần nào và giúp họ thêm tự tin hơn để làm ăn cải thiện đời sống; đồng thời tạo lập thói quen quản lý, sử dụng có kế hoạch đồng vốn, biết tiết kiệm, có trách nhiệm và gắn bó với nhau trong cuộc sống thông qua hoạt động này.

Tín dụng vi mô mới được triển khai thí điểm tại một số địa bàn vùng cao dành cho gia đình có người nghiện, người nhiễm HIV thật sự là chiếc “cần câu” cơm mở gia hy vọng mới cho bà con nơi đây.

“Phòng chống lạm dụng ma túy trong đồng bào dân tộc thiểu số- VNMJ04” do UNODC phối hợp với Ủy ban Dân tộc thực hiện. Theo đánh giá: Hoạt động Tài chính vi mô tại 7 xã dự án (tỉnh Điện Biên, Lào Cai và Yên Bái) người nghiện ma tuý đã hoàn thành cai nghiện và tái hoà nhập cộng đồng, gia đình người nghiện, những người có nguy cơ cao, gia đình chính sách, đã thực sự giúp người dân biết tiết kiệm và sử dụng đồng vốn có hiệu quả.