- Ngân hàng Nhà nước: Năm 2018 sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay
- Tín dụng tiêu dùng tăng kỷ lục 65%, chuyên gia lo rủi ro
- Ngân hàng công bố lãi nghìn tỷ, liệu 2018 lãi suất có giảm thêm
Mảng cho vay tiêu dùng đang ngày càng được các ngân hàng đẩy mạnh, việc tiếp cận khoản vay ngày càng dễ dàng hơn, nhưng điều này đang cũng làm dấy lên lo ngại về việc vay mượn quá mức của người dân.
Đua khuyến mãi kích cầu tiêu dùng
Thời điểm cận Tết này, hàng loạt ngân hàng đang tung ra các chương trình khuyến mãi kích cầu mua nhà, sắm xe. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cung cấp các gói vay “Ngôi nhà mơ ước, cuộc sống trọn vẹn” cho khách hàng mua nhà và “Ước mơ trong tầm tay” cho khách hàng mua ô tô với lãi suất từ 7,1%/năm.
Hay Ngân hàng Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), các khoản vay trung dài hạn nhằm mục đích mua nhà, xây dựng sửa chữa nhà, đầu tư tài sản cố định... được hưởng lãi suất 8,5%/năm lên tới tối đa 12 tháng, biên độ sau ưu đãi từ 3,6%/ năm.
Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBANK) triển khai các gói vay thông qua các đối tác liên kết ABBANK, với số tiền giải ngân tối thiểu mỗi khoản vay từ 200 triệu đồng trở lên, áp dụng cho kỳ hạn vay từ 36 tháng trở lên, khách hàng được hưởng mức lãi suất từ 7,5% trong 6 tháng đầu tiên. Chương trình ưu đãi được dành cho khách hàng vay mua nhà, mua xe, tăng vốn kinh doanh… với lãi suất chỉ 6.9%/năm khi vay thế chấp...
Cùng với ưu đãi lãi suất thì nhiều ngân hàng cũng ngày càng tạo thuận lợi cho khách hàng tiếp cận khoản vay. Ngân hàng Phương Đông (OCB) thậm chí còn áp dụng chính sách vay nhanh cho khách hàng có thu nhập thấp, theo đó khách hàng có thu nhập từ 2 triệu đồng/tháng có thể vay đến 70 triệu đồng, thời gian xử lý khoản vay trong 48 giờ.
Tín dụng tiêu dùng giúp kích thích tiêu dùng của người dân nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro
Có thể thấy, thời gian gần đây, mảng vay tiêu dùng được các ngân hàng chú trọng đẩy mạnh. Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, năm 2017 tín dụng tiêu dùng đã cao gấp 3 - 4 lần mức tăng trưởng tín dụng bình quân cả nước với 65%, tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng dư nợ nâng từ mức 12,3% năm 2016 lên 18%. Đặc biệt, trong đó tín dụng mua, sửa chữa nhà ở tăng tới 76,5% và hiện chiếm gần 53% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng.
Lo người dân “vung tay quá trán”
Trong báo cáo chuyên đề vĩ mô “Tín dụng tiêu dùng - Cánh cửa cho tăng trưởng tín dụng” công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng việc tăng trưởng tín dụng tiêu dùng quá mạnh có thể dẫn đến nhiều rủi ro, trong đó đáng quan ngại nhất chính là khả năng người dân vay mượn vượt qua khả năng chi trả của bản thân.
Theo báo cáo này, người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý lạc quan thái quá vào khả năng thu nhập trong tương lai nên sẵn sàng đánh đổi, vay mượn nhiều hơn cho chi tiêu ở thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, tính tới năm 2016, tỉ lệ tiết kiệm của Việt Nam chỉ đạt 29% GDP, khá thấp trong tương quan so sánh với các quốc gia trong khu vực, làm gia tăng quan ngại về khả năng trả nợ của người dân.
Hiện nay, các ngân hàng thương mại cổ phần lớn đều định hướng chiến lược phát triển mảng bán lẻ và đều sở hữu các công ty tài chính riêng. Lý do các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng là nhằm bù đắp nguồn lợi nhuận trong bối cảnh tỉ lệ lãi cận biên nhìn chung giảm và duy trì ở mức dưới 3%, thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực.
“Tuy nhiên, chúng tôi cũng cảnh báo tốc độ tăng trưởng quá nhanh của dòng vốn tín dụng tiêu dùng (dự kiến 30%/năm) có thể tạo ra những sai lệch so với định hướng ban đầu. Những rủi ro tiềm ẩn không thể bỏ qua khi hơn hơn 50% dòng vốn tín dụng tiêu dùng chảy vào khu vực nhà đất là một động lực rất lớn hỗ trợ sự hồi phục của thị trường”, báo cáo của VDSC viết.
Một vấn đề nữa khiến nhiều chuyên gia lo ngại là dù đẩy mạnh cho vay tiêu dùng song nguồn dữ liệu thông tin khách hàng của các ngân hàng còn hạn chế khiến việc quản lý khoản vay khó khăn hơn.
Hiện nay, ngoài dữ liệu thông tin tín dụng trên Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) vốn được xem là thông tin đầu vào được tham khảo nhiều nhất thì việc xem xét một khoản vay phụ thuộc rất nhiều vào chủ quan của cán bộ tín dụng. Trong khi, mặc dù các ngân hàng đều có hệ thống chấm điểm tín dụng nội bộ riêng nhưng rất nhiều khách hàng đang cùng lúc có quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng. Điều này tạo áp lực rất lớn đối với cán bộ tín dụng.
Không chỉ vậy, ông Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển CIC cho biết hiện nay tình trạng gian lận và đánh cắp thông tin người khác để đi vay tiêu dùng rất phổ biến, độ phủ thông tin tín dụng tại Việt Nam còn thấp khiến các tổ chức tín dụng gặp rất nhiều khó khăn khi ra quyết định cho vay.